Ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch tập đoàn Trí Việt

Ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch tập đoàn Trí Việt

Người trẻ sẽ kiến tạo tầm vóc mới cho chứng khoán Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ tịch Tập đoàn Trí Việt Phạm Thanh Tùng chia sẻ, ông có một số giải pháp hiến kế cho TTCK Việt vươn lên tầm vóc mới sau tuổi 20. Giải pháp đầu tiên là tái cấu trúc mạnh mẽ hoạt động đào tạo nhân sự và Trí Việt sẵn sàng xung phong làm đối tác để cùng nhà quản lý nâng tầm chất lượng đào tạo, làm nền tảng để nâng tầm thị trường. 

Xin ông chia sẻ về những điểm Trí Việt dự kiến hiến kế nâng tầm TTCK Việt Nam sau tuổi 20?

Trước hết, chúng ta cần quay trở lại cái gốc. Yếu tố nào là sức mạnh, quyết định sự thành công của một thị trường tài chính, chứng khoán?

Theo tôi, đó chính là chất xám và sức trẻ. Sức mạnh tài chính cũng là yếu tố rất quan trọng nhưng chỉ đứng vị trí tiếp sau.

Thực tế đã cho thấy, 20 năm trước, khi những thế hệ đầu tiên bắt tay xây dựng TTCK Việt Nam, chúng ta không có gì ngoài chất xám và sức trẻ.

Sau 20 năm, quy mô thị trường lớn hơn rất nhiều thời sơ khởi, các chủ thể tham gia đa dạng và vị thế TTCK đã được khẳng định trong nền kinh tế.    

Trên con đường tương lai, chất xám và sức trẻ rất cần được Chính phủ, ngành tài chính, chứng khoán quan tâm phát triển, để thị trường vươn lên mạnh mẽ và vững chắc hơn.

Nhìn nhận về sức trẻ có thể thấy, đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra tạo nên một thách thức rất lớn với các nền kinh tế, các doanh nghiệp, nhưng điều thú vị là lượng người tham gia TTCK lại tăng đột biến.

Ðể giúp các hoạt động kinh tế, xã hội không bị đứt gãy bởi đại dịch, nền tảng công nghệ có sự phát triển đột phá gần đây và điều này đã tạo nên sự kết nối rất hiệu quả, giúp TTCK đến gần người dân hơn, nhất là giới trẻ.

Con số trên 130.000 tài khoản được mở mới trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy thị trường còn quá nhiều tiềm năng, sức mạnh đầu tư còn rất lớn trong dân chúng.

Hiện nay, TTCK mới chủ yếu được người dân Hà Nội, TP.HCM và một vài tỉnh, thành phố quan tâm, nhưng nếu tăng sức kết nối đến các tỉnh, thành phố khác, thì lượng người tham gia TTCK Việt Nam sẽ không phải là 2-3 triệu, con số 10 triệu hoặc nhiều hơn là hoàn toàn khả thi.

Ðể vận hành cũng như tận dụng được các cơ hội từ thị trường, hoạt động đào tạo, giáo dục tri thức, kinh nghiệm đầu tư, hành nghề, quản trị doanh nghiệp…, là yếu tố quyết định.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác đào tạo về chứng khoán mới được tổ chức trong phạm vi hạn hẹp.

Trong ngành chứng khoán, một năm chỉ có vài khóa học và hai kỳ thi cấp chứng chỉ do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Ðào tạo chứng khoán (SRTC) tổ chức.

Trong khi đó, đối tượng cần đào tạo là rất lớn, bên cạnh người hành nghề là các nhà đầu tư, các lãnh đạo doanh nghiệp, các chủ thể liên quan đến TTCK… 

Vì thế, giải pháp đầu tiên tôi kiến nghị là công tác đào tạo trong ngành chứng khoán cần phải xác định lại về sứ mệnh, vị trí và phải sớm tái cấu trúc để đủ sức và nhanh chóng trang bị tri thức, kinh nghiệm cho những chủ thể tham gia TTCK.

Những nỗ lực này nhằm bớt đi những sai lầm, vấp váp vì thiếu kiến thức của người tham gia và góp sức giúp thị trường phát triển ổn định, bứt phá một cách vững vàng.

Cụ thể hơn, tôi cho rằng, rất nên cổ phần hóa SRTC, mở rộng đối tác tham gia vào công tác đào tạo, vì ngành, vì xã hội. Nếu cơ chế được mở, Trí Việt xung phong là đối tác đầu tiên tham gia vào tiến trình này với sự tự tin rằng, đội ngũ của chúng tôi có chất xám, hiểu thị trường, hiểu người trẻ.

Các giải pháp tiếp theo là gì, theo ông?

Giải pháp thứ hai là cần kết nối rộng hơn dòng chảy vốn giữa hệ thống ngân hàng và TTCK. Cho đến hiện nay, các ngân hàng vẫn phải chịu quy định pháp lý, khống chế việc cho vay kênh đầu tư chứng khoán quá 5% vốn chủ sở hữu và  xếp hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán vào loại rủi ro cao theo một quy định ra đời từ năm 2014 (Thông tư 36/NHNN).

Người trẻ sẽ kiến tạo tầm vóc mới cho chứng khoán Việt ảnh 1

Trong khi đó, hiện nay, vị thế của TTCK Việt Nam, của các công ty chứng khoán đã khác rất nhiều, đòi hỏi pháp lý phải thay đổi để rộng đường cho dòng chảy vốn.

Một trong những thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam là lượng tiền gửi ngân hàng của người dân rất lớn, nếu đội ngũ nhân sự ngân hàng cùng các khách hàng của hệ thống ngân hàng được trang bị kiến thức về TTCK, biết cách phân bổ tài sản của mình hợp lý hơn, thì không chỉ hiệu quả sinh lời vốn của từng chủ thể tốt hơn, mà hiệu quả đồng vốn của nền kinh tế sẽ cao hơn.

Khơi thông dòng chảy vốn giữa 2 mảng thị trường trên không quá khó, nhưng hiệu quả nếu làm được sẽ rất lớn.

Thử hình dung, nếu 30 ngân hàng Việt Nam hợp tác cùng 20 - 30 công ty chứng khoán, cung cấp các dịch vụ đa dạng cho người có tiền, sẽ giúp các bên cùng lớn lên, cùng hiệu quả.

Thứ ba là cần cải thiện uy tín của TTCK Việt Nam trong đánh giá của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh việc nâng hạng TTCK Việt Nam trên trường quốc tế, ngành chứng khoán cần nhanh chóng nâng tầm các CTCK theo hướng những công ty quá nhỏ hoặc hoạt động không hiệu quả cần phải được tái cấu trúc, sáp nhập hoặc giải thể.

TTCK chỉ nên duy trì 20-30 công ty chứng khoán thực sự hiệu quả, có triển vọng phát triển và nên mạnh mẽ tái cấu trúc như cách làm của ngành ngân hàng.

Cùng với đó, hình ảnh của đội ngũ nhân sự hành nghề chứng khoán cần chuyên nghiệp hơn trong đánh giá của công chúng đầu tư bằng việc nâng cao năng lực làm nghề, cùng xây dựng và tuân thủ quy chuẩn đức nghề nghiệp.

TTCK Việt Nam đang chuẩn bị thực thi thế hệ Luật Chứng khoán mới, có hiệu lực từ 1/1/2021. Hiện nhà quản lý đang xây dựng nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán. Vậy ông kỳ vọng như thế nào về nền tảng pháp lý mới định hình TTCK của tương lai?

Tôi kỳ vọng nền tảng pháp lý mới sẽ tạo sân chơi cho người trẻ, giúp họ được thỏa sức sáng tạo và thể hiện đam mê với nghề tài chính. Quốc tế có những TTCK có lịch sử 300 năm, 200 năm, 100 năm, vì thế có rất nhiều điểm TTCK Việt Nam cần học hỏi, thử nghiệm, trải nghiệm để hoàn thiện và phát triển.

Trên con đường tương lai, những nhân sự trẻ, được đào tạo bài bản, được học tập và trải nghiệm trong các nền kinh tế lớn sẽ có lợi thế đi nhanh hơn.

Nếu tư duy rằng, những tên tuổi lớn hiện nay được định hình trên chặng đường 1 km đầu tiên của TTCK Việt Nam, thì trên con đường 100 km tới đây, chắc chắn sẽ có rất nhiều sự thay đổi.

Nhiều tên tuổi mới sẽ xuất hiện, mang chất xám và nỗ lực xây dựng và nâng tầm thị trường. Không có “cái đinh” nào được đóng chắc vào thị trường cả.

TTCK khi đi qua tuổi 20 rất cần xã hội có cái nhìn rộng mở về tiềm năng, về cuộc đua tài năng của các bạn trẻ. Khi được xã hội trân trọng và tạo điều kiện, chắc chắn thế hệ trẻ sẽ giúp TTCK bước nhanh hơn, kéo gần hơn khoảng cách với các thị trường phát triển trên thế giới.

Trí Việt ở đâu trong bức tranh TTCK Việt Nam hiện nay và tương lai, thưa ông?

Ngày 14/8 tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức một sự kiện lớn, nhằm ra mắt thương hiệu mới gắn với vị thế mới, sứ mệnh mới của Trí Việt. Sứ mệnh của Trí Việt là vì sự thịnh vượng của khách hàng, của đối tác và của chính mình.

Riêng tôi, với tư cách người sáng lập Công ty Chứng khoán Trí Việt, Công ty Quản lý tài sản Trí Việt, tôi luôn làm việc với tất cả đam mê, với khát vọng ghi dấu ấn góp sức cho sự phát triển của thị trường, của xã hội.

Trí Việt chưa phải là công ty có tầm vóc lớn nhất, nhưng chúng tôi sở hữu hệ thống khách hàng, hệ thống sản phẩm và đặc biệt là tư duy phát triển lớn, nên tôi tin, khi cái gốc vững, Trí Việt sẽ vươn mình mạnh mẽ đi lên.

Trong tư duy về thị trường, tôi luôn coi TTCK là 1, mỗi công ty cung cấp một hoặc một số phân khúc sản phẩm cho hệ thống rộng lớn và đa dạng các loại khách hàng.

Với Trí Việt, bên cạnh việc cung cấp những sản phẩm giúp nhà đầu tư trải nghiệm mọi nhu cầu đầu tư, giúp các doanh nghiệp cải thiện giá trị và phát triển, chúng tôi sẽ phát triển mạnh mẽ dịch vụ quản lý tài sản. Chúng tôi không chỉ dừng ở việc phát triển công ty chứng khoán, công ty quản lý tài sản, mà đang xúc tiến việc mua lại một ngân hàng.

Sân chơi ngân hàng cũng rất hấp dẫn, rất đáng chinh phục, nhất là khi Việt Nam chưa có một ngân hàng nào định vị mình là ngân hàng quản lý tài sản, trong khi trên trường quốc tế, đây là loại hình ngân hàng dành cho người giàu và có một vị trí rất đặc biệt trong các nền kinh tế lớn. 

Ông Phạm Thanh Tùng từng là giảng viên tại Học viện Ngân hàng, là Chủ tịch HĐQT CTCK trẻ nhất TTCK hơn 10 năm trước.

Ông được Đảng và Nhà nước cử đi du học tại Vương Quốc Anh 17 năm trước, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị tài chính tại Trường đại học Birmingham. 

Ông sáng lập Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC, sàn HNX) là đơn vị đầu tiên chính thức hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản tại Việt Nam từ năm 2012.

Tập đoàn Trí Việt sở hữu 70% CTCK Trí Việt, là CTCK nhỏ duy nhất đã vượt qua đợt khủng hoảng 2010 - 2012, hiện niêm yết tại HSX với quy mô vốn 500 tỷ đồng và có kế hoạch tăng vốn lên 1000 tỷ trong 1 năm tới.

TVB là một trong 5 CTCK nằm trong giỏ VNFIN SELECT của HSX và nằm trong TOP 10 CTCK thị phần lớn nhất HNX.

Tin bài liên quan