Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo quốc tế trực tuyến về bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Tại Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng chủ yếu dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng chưa có quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong khi đó, các luật theo các lĩnh vực tài chính như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng nhưng chưa đầy đủ và thiếu những hướng dẫn cụ thể xử lý kịp thời, hiệu quả các khiếu nại của người tiêu dùng tài chính. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có các tổ chức chuyên trách quản lý tập trung đối với việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính, tạo kênh phát triển mới cho các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là những sản phẩm, dịch vụ tài chính số. So với các nước đang phát triển, Việt Nam có một số lợi thế nhất định trong triển khai tài chính toàn diện như nền tảng công nghệ thông tin, độ bao phủ trên diện rộng các dịch vụ kỹ thuật số, sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, sự hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển quốc tế…
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 đã đề ra nhóm giải pháp về bảo vệ người tiêu dùng tài chính là: Giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, trải qua hơn 20 năm hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính - người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.
Tính đến hết tháng 6/2021, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ cho hơn 6 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm: 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô.
Bảo hiểm tiền gửi bảo vệ người gửi tiền thông qua việc thực hiện các nghiệp vụ chính như giám sát, kiểm tra tổ chức thành viên để kịp thời phát hiện những yếu kém, sai phạm trong quá trình hoạt động, tham gia vào quá trình xử lý các tổ chức tín dụng, chi trả tiền gửi được bảo hiểm theo hạn mức và tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi đến người gửi tiền.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước hoạch định mục tiêu tuyên truyền từng thời kỳ, phân nhóm đối tượng công chúng mục tiêu và lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xác định mục tiêu hướng tới đối tượng tuyên truyền trọng tâm là người gửi tiền ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người gửi tiền ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về tài chính - ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi như: website, bản tin, báo in và báo điện tử, phát thanh, truyền hình, kênh truyền thông độc quyền của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST), các sự kiện tại địa phương nhằm tuyên truyền trực tiếp tới người gửi tiền là thành viên các quỹ tín dụng nhân dân, phối hợp với các trường đại học – cao đẳng tổ chức các cuộc thi, sự kiện cho sinh viên – đối tượng người gửi tiền tiềm năng.
Để nâng cao vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính, đơn vị này sẽ triển khai các giải pháp.
Cụ thể, thường xuyên đánh giá hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng tài chính – người gửi tiền trên cơ sở Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển bảo hiểm tiền gửi hiệu quả và phương pháp đánh giá kèm theo. Từ đó, xác định được kết quả và hạn chế trong công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính và các vấn đề có liên quan như các sản phẩm tài chính và tiền gửi số hóa, phương thức giao dịch hay dịch vụ tài chính phi ngân hàng cho người nghèo trong tương quan với quy định về bảo hiểm tiền gửi.
Tiếp tục triển khai việc bảo hiểm cho các hình thức dịch vụ và sản phẩm tài chính như tiền gửi trực tuyến trong phạm vi cho phép của Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm đáp ứng sự đổi mới ngày một sâu sắc của hoạt động tài chính, ngân hàng hiện đại, nhất là tiền gửi của đối tượng người gửi tiền nhỏ lẻ, cá nhân. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chi tiết các quy định cụ thể đối với hình thức gửi tiền trực tuyến, gửi tiền trên điện thoại di động.
Tập trung nâng cao vai trò tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi đến công chúng. Tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước để tổ chức thêm nhiều chương trình phổ biến chính sách, giáo dục tài chính cho người dân tại các địa phương. Triển khai đánh giá hiệu quả của hoạt động tuyên truyền một cách định kỳ thông qua điều tra, khảo sát; qua đó xây dựng được một Chiến lược truyền thông phù hợp cho từng thời kỳ.