Người tiêu dùng Mỹ ngày càng ít đến các trung tâm thương mại lớn để mua sắm

Người tiêu dùng Mỹ ngày càng ít đến các trung tâm thương mại lớn để mua sắm

Người tiêu dùng Mỹ đang đổ tiền vào đâu?

(ĐTCK) Những tuần cuối cùng của mùa báo cáo lợi nhuận vừa qua đã cho thấy một xu thế bán lẻ mới. Trong khi những tên tuổi lớn như Macy’s và J.C Penney thông báo lợi nhuận đáng thất vọng, thì một số nhà bán lẻ khác lại công bố những con số sinh lời lớn nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Vậy người tiêu dùng Mỹ đang đổ tiền vào đâu?
Chủ tịch Công ty tư vấn bán lẻ SW Retail Advisors, Stacey Widlitz cho biết: “Nếu bạn nhìn vào toàn cảnh bức tranh tiêu dùng và bán lẻ hiện nay, bạn có thể nhận ra mọi người có xu hướng ra ngoài ăn và mua sắm trực tuyến nhiều hơn”.

Số liệu doanh số bán lẻ của Mỹ tuần trước cho thấy, người tiêu dùng đang chi tiêu rất nhiều cho những lĩnh vực như xe hơi và thiết bị thể thao, song họ lại không mua chúng tại các trung tâm thương mại truyền thống.

Lợi nhuận của hàng loạt nhà bán lẻ có tiếng tại Mỹ như Macy’s, J.C Penney và Nordstrom đều rơi vào ngưỡng đáng thất vọng, đè nặng lên nhóm cổ phiếu bán lẻ và tạo ra sức ép lớn đối với Phố Wall.

Trong quý đầu tiên của năm 2016, doanh số bán của Macy’s giảm 5,6%, sau khi đã giảm 4,3% trong quý IV/2015, ghi nhận giai đoạn sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ quý II/2009. Điều này đã dẫn tới những lo ngại nhất định, khi giới phân tích từng dự đoán sự phục hồi của kinh tế Mỹ sẽ khuyến khích chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn.

Trên thực tế, người tiêu dùng Mỹ vẫn mua sắm và có những kế hoạch để chi tiền, song các trung tâm thương mại lớn không phải là địa điểm mà họ lựa chọn.

“Các chuỗi cửa hàng như Macy’s và J.C Penney thông báo mức lợi nhuận yếu và cổ phiếu của họ đã giảm từ 10-15%. Trong khi đó, hoạt động bán hàng trực tuyến lại ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng”, ông Stacey Widlitz cho hay.

Điều tương tự dường như cũng đang xảy ra đối với Vương quốc Anh. Báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Markit cho thấy, mua sắm trực tuyến đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 16 tháng qua, đồng thời tỷ lệ tăng trưởng của thương mại điện tử hiện lên tới 8,4% so với giai đoạn cùng kỳ năm trước.

Báo cáo chỉ rõ, chi tiêu tiêu dùng nói chung tại Anh trong tháng 4 vừa qua đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tiêu dùng trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và thiết bị gia dụng ghi nhận mức tăng lớn nhất.

Kevin Jenkins, Giám đốc Visa Europe lưu ý: “Tăng trưởng tiêu dùng đang gia tăng tập trung vào khuynh hướng nền kinh tế trải nghiệm. Ăn uống tại các nhà hàng, đặt vé cho các kỳ nghỉ và khám phá những trải nghiệm mới là những động lực tăng trưởng chi tiêu, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt có xu hướng rẻ hơn, đem lại cho người tiêu dùng những khoản tiết kiệm thực tế lớn hơn”.

Nhiều nhà bán lẻ đổ lỗi cho thời tiết lạnh giá trong tháng 4 khiến người tiêu dùng “tránh xa” các trung tâm thương mại, một số khác thì thừa nhận người tiêu dùng đang chuyển hướng từ các cửa hàng truyền thống sang mua sắm trên mạng.

Trong khi đó, một nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Barclays cũng cho thấy, chi tiêu tiêu dùng của Anh tăng 1,9% trong tháng 4, trong đó ghi nhận sự sụt giảm tiêu dùng lớn nhất trong các chuỗi siêu thị như Sainsbury's và Next.

Vậy tập đoàn bán lẻ trực tuyến đa quốc gia như Amazon có được hưởng lợi từ những thay đổi thói quen mua sắm này? Số liệu thống kê cho thấy, nhà bán lẻ trực tuyến khổng lồ này ghi nhận mức tăng doanh số bán lên tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Bạn không thể đánh giá thấp Amazon. Người tiêu dùng có thể đặt hàng bất cứ thứ gì mà họ muốn. Amazon sẽ chuyển đến tận nhà họ và thậm chí có thể trả lại sản phẩm nếu không ưng ý”, Chủ tịch SW Retail Advisors nói.

Tin bài liên quan