Người sáng lập start-up cũng cần “thẩm định” nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Để không vô tình trở thành người làm thuê, bị gây khó dễ trong chính công ty mà mình sáng lập và điều hành, nhà sáng lập start-up nên tham khảo 4 vấn đề cần “thẩm định” nhà đầu tư.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có nhiều nhà sáng lập ngay trong lần đầu tiên tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư thiên thần để gọi vốn đã lỡ bán đi quá nhiều cổ phần.

Ở chiều ngược lại, không ít nhà đầu tư đưa ra những điều kiện rót vốn vô cùng rối ren, thậm chí bất lợi cho nhà sáng lập, như mua lại 30 - 49% cổ phần ngay vòng đầu tiên. Không những thế, có quỹ đầu tư còn đòi hỏi thêm đặc quyền về bảo vệ lợi ích, ví dụ, sau này, start-up có huy động vốn bao nhiêu, thì quỹ vẫn giữ được ít nhất 20% cổ phần.

Mai Hồ, Giám đốc Quỹ Đầu tư mạo hiểm Hustle Fund, phụ trách thị trường Việt Nam và Đông Nam Á cho rằng, những điều kiện này không những gián tiếp biến nhà sáng lập thành người làm thuê cho quỹ đầu tư, mà có thể tạo rất nhiều khó khăn cho start-up trong những vòng gọi vốn tiếp theo.

Với kinh nghiệm của mình, nhà đầu tư này đã chia sẻ những vấn đề mà nhà sáng lập nên tìm hiểu trước khi trao đổi với các nhà đầu tư để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Đầu tiên, cần tìm hiểu lĩnh vực chuyên đầu tư của quỹ. Theo Mai Hồ, trên thị trường thường có 2 loại quỹ đầu tư: quỹ đầu tư đa ngành và quỹ chỉ tập trung vào một chuyên ngành hoặc một mảng nhất định. Chẳng hạn, Hustle Fund chuyên đầu tư vào những start-up công nghệ, bất kể trong lĩnh vực nào tại thị trường Bắc Mỹ và Đông Nam Á; Do Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu, tập trung đầu tư vào các công ty công nghệ ở Việt Nam và Đông Nam Á; Nextrans tìm kiếm các start-up có yếu tố công nghệ với tốc độ tăng trưởng cao... Việc không giới hạn ngành hay lĩnh vực đầu tư được coi là chiến lược phân tán rủi ro trên thị trường.

Thứ hai, cần tìm hiểu quỹ đó thường đầu tư vào giai đoạn nào của start-up: giai đoạn đầu (đầu tư thiên thần, trước hạt giống, hạt giống); giai đoạn tăng trưởng (series A, B) hay giai đoạn cuối, liên doanh (series C+), từ đó có thể đáp ứng điều kiện, yêu cầu của quỹ.

Thứ ba, tìm hiểu rõ điều kiện đầu tư của quỹ. Điều quan trọng nhất khi tham khảo và thương lượng các điều khoản với nhà đầu tư là những điều kiện đưa ra cần hỗ trợ để cả hai bên cùng phát triển, thay vì chỉ đem lại lợi ích hoặc bảo vệ cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư Eric Bahn của Hustle Fund nhấn mạnh với các start-up kêu gọi vốn trong giai đoạn dịch Covid-19 là, dù có thế nào, nhà sáng lập cũng không nên bán hơn 25% cổ phần trong những vòng gọi vốn đầu tiên. Nếu bán trên mức này, những nhà sáng lập sẽ bị pha loãng cổ phần và các nhà đầu tư ở vòng sau cũng không còn nhiều hứng thú tham dự.

Ngoài ra, ở giai đoạn khởi đầu, điều kiện đầu tư nên càng tối giản càng tốt. Vì thế, việc dùng “thỏa thuận đơn giản cho cổ phần trong tương lai” là hình thức nhiều nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư giai đoạn đầu tại Silicon Valley ngày càng ưa chuộng sử dụng.

Cuối cùng, Giám đốc Hustle Fund khuyên start-up tìm hiểu kỹ về nhà đầu tư. Mối quan hệ giữa người sáng lập và nhà đầu tư là một liên kết dài hạn. Vì vậy, nhà sáng lập cần tìm hiểu xem nhà đầu tư có thấu hiểu, quan tâm, tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ khi start-up của mình gặp khó khăn hay không.

Theo Mai Hồ, với những nhà đầu tư đã từng khởi nghiệp hay quản lý một công ty, họ sẽ hiểu rõ những khó khăn, trở ngại mà start-up phải đối mặt, nên có khả năng hỗ trợ sáng lập viên nhiều hơn so với những nhà đầu tư chỉ phát triển sự nghiệp trong ngành tài chính.

Tin bài liên quan