1 Tình cờ gặp TS. Giáp Văn Dương, sáng lập viên Giapschool, Cổng giáo dục trực tuyến mở MOOCs trong một buổi trao đổi về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, những tưởng con người đang được cho là tạo nên xu hướng mới trong đào tạo khi đưa MOOCs tới Việt Nam sẽ luôn tràn đầy năng lượng.
Bởi, trong khi nhiều người mãi than phiền về những bước chậm chạp trong tái cơ cấu nền kinh tế, hay gay gắt đặt ra câu hỏi về trách nhiệm về sự chậm trễ này, thì ông Dương nhẹ nhàng chia sẻ: “Tại sao cũng có quỹ thời gian như nhau, sức khỏe của lao động Việt Nam không thua kém, mà năng suất lao động của Việt Nam lại thua. Có hai nguyên nhân, đào tạo nghề và giáo dục đại học tụt hậu. Tôi đang làm để thay đổi”.
Cách đây 8 tháng, GiapSchool ra mắt trong sự tò mò dư luận. Không chỉ bởi diện mạo của hình thức đào tạo thông qua các bài giảng trực tuyến lần đầu có mặt tại Việt Nam, mà còn là tuyên ngôn – tạm gọi như vậy - của GiapSchool là không chứng chỉ, không bằng cấp và chỉ dành cho những người yêu mến tri thức, kiến thức và miễn phí.
Vậy nhưng, khi trao đổi trực tiếp, TS. Dương miêu tả công việc một cách trần trụi: “Giảng bài trực tuyến là công việc buồn chán nhất trong số các việc tôi đã từng làm!”.
“Trong căn phòng nhỏ, đối mặt với chiếc máy tính. Tôi đã nhắc lại không biết bao nhiêu lần câu nói: Chào các bạn. Hôm nay chúng ta sẽ trao đổi về… Nhiều khi giảng trước hàng chục sinh viên với vô vàn cảm xúc mà còn chán nữa là…”, ông Dương tâm sự và kể có lần tự vấn rằng, tại sao tự ép mình trong căn phòng cách âm, khi ngoài kia có bao điều tươi đẹp, công việc trước kia ngao du khắp nơi…
Trước khi GiapSchool ra mắt chính thức, có thời điểm ông Dương không xuống đất, một mình tìm kiếm công nghệ, rồi phương pháp sư phạm cho bài giảng trực tuyến vốn chưa có chuẩn ở Việt Nam…
Cho đến thời điểm này, đã có 6 khóa học chính thức trên GiapSchool được khai giảng với khoảng 4.000 học viên, con số có phần khiêm tốn so với các mô hình MOOCs trên thế giới, nhưng đủ lớn so với một khởi đầu. Toàn bộ một tay TS. Dương “đứng lớp”.
2 Rất khó để nói trước được điều gì cho một mô hình mới ở Việt Nam. Nhất là khi TS. Dương luôn giữ quan điểm, GiapSchool sẽ không thu phí người học. Điều này có thể sẽ cản trở nhà đầu tư quan tâm.
“Cũng có một số tổ chức tìm đến, nhưng đều dừng ở câu hỏi: bài toán tài chính cho mô hình này. Tôi xác định mình làm giáo dục, trong khi những người tìm đến muốn kinh doanh nó. Tôi vẫn đang đợi những người cùng trí hướng”, ông Dương nói.
Xem lại các mô hình MOOCs trên thế giới, các khoản đầu tư là không nhỏ. Cho dù như ông Dương cho biết, cách làm của GiapSchool tiết giảm khá nhiều, như không đầu tư hệ thống máy chủ, sử dụng Google làm platform, Youtube là kho chứa, tương tác trên Facebook…, nhưng trái tim làm nên MOOCs là các bài giảng trực tuyến thì khó tiết kiệm được.
Hiện tại, TS. Dương đang sử dụng tiền tiết kiệm cá nhân để vận hành GiapSchool, song đây chỉ là giai đoạn đầu. Theo tính toán của ông Dương, khi mở rộng tới 1.000 khóa học, mỗi khóa cần khoảng 50.000 bài giảng, nghĩa là cần thực hiện khoảng 50.000 video clip. Số tiền bỏ ra không nhỏ.
“Khó khăn nhất là đầu tư sản xuất nội dung. Hiện tại, chúng tôi đã có sự tham gia của một số trí thức ở nước ngoài trong việc cung cấp và thực hiện các bài giảng. Mới đây nhất là khóa học về phát triển nhận thức của trường mầm non với mục tiêu ban đầu là dành cho các giáo viên mầm non. Nhưng thực tế số lượng người học là phụ huynh học sinh lại đông đảo”, ông Dương kể.
Đây là một trong những lý do mà ông Dương muốn giữ tiêu chí “miễn phí” của GiapSchool. “Chúng tôi muốn mở ra một trào lưu đào tạo, học tập mới. Khi mọi người tự do lựa chọn học tập theo nhu cầu nội thân của họ, sự thay đổi sẽ bền vững. Chúng tôi gọi đó là tinh thần tự thân khai sáng”, ông Dương phân tích cho ý tưởng lạ của mình trong nền kinh tế thị trường.
Hơn thế, với cách này, ông Dương cho rằng, cuộc cải cách giáo dục sẽ rẻ và nhanh hơn rất nhiều so với các đề án cải cách giáo dục hiện tại. Đương nhiên, giáo dục trực tuyến không thay thế giáo dục truyền thống, nhưng theo ông Dương, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển, cải cách giáo dục khi tạo nên sự so sánh qua cách tiếp cận, nội dung thông tin mới.
“Chúng tôi muốn tổ chức dịch các bài giảng của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, Việt hóa và thực hiện trên GiapSchool như một nguồn tư liệu tham khảo chứ không nhắm vào cải cách trực tiếp hệ thống hiện có. Cách này sẽ dần tạo nên sự thay đổi nền tảng khi các sinh viên, các giảng viên tự do tiếp cận, tìm hiểu và áp dụng vào công việc của mình”, ông Dương nói và nhấn mạnh là rẻ hơn rất nhiều nếu thực hiện theo cách tổ chức truyền thống.
3 Quãng thời gian ngao du mà ông Dương đang so sánh với hiện tại không quá xa. Ông và gia đình mới về Việt Nam vào năm 2013, sau khi quyết định dừng toàn bộ sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài.
Nhìn vào thông tin về ông Dương, do một số hội thảo giới thiệu về diễn giả của mình, ông Dương đã có hơn 10 năm học tập và làm việc ở nước ngoài kể từ năm 2002. Gần đây nhất là làm việc tại Đại học Liverpool (Anh) và Đại học Quốc gia Singapore…
Ông Dương kể, quyết định về Việt Nam đầu tiên không phải vì MOOCs mà là kế hoạch xây dựng tủ sách chuyên gia. “Trước khi về, tôi và một số người bạn, đã kết nối với nhà xuất bản, cơ quan quản lý và các nhà đầu tư về kế hoạch này và nhận được lời cam kết ủng hộ. Tôi đưa cả nhà về Việt Nam. Nhưng mọi việc không như ý”, ông Dương nhớ lại cảm giác thất vọng khi những lời cam kết bị lờ đi và gia đình phải thích nghi lại với cuộc sống ở Việt Nam…
Ông gọi cách chuyển dịch của mình là sự buông bỏ. Buông bỏ để có tự do và lựa chọn để bứt phá, để tìm được chính mình. Ngay cả việc từ bỏ công việc ở các trường đại học ở nước ngoài cũng được xác định từ trước. Ông tâm sự: “Tôi không muốn dừng lại ở việc phát biểu ý kiến với tư cách một nhà nghiên cứu mà muốn làm để tạo nên sự thay đổi thực. Trải nghiệm trong các môi trường giáo dục ở nhiều nước cho tôi sự tự tin bắt đầu công việc và sự kiên nhẫn để vượt qua nhưng buồn chán, giữ nhịp đều đặn cho mình”.
Đúng như ông Dương chia sẻ, đam mê chỉ là nhất thời, sục sôi có thể giúp cho công việc khởi đầu đầy năng lượng nhưng kiên nhẫn với mục tiêu công việc mới là cách để làm việc. Nhất là với GiapSchool đang đối mặt với nhiều thách thức, từ tư duy truyền thống, quan niệm bằng cấp và cả thói quen của người Việt Nam…
“Có thể tôi sẽ tính tới các bài toán đầu tư, như tổ chức các khóa học trực tiếp có thu phí. Một số trường tư thục có thể mua bài giảng để phục vụ nhu cầu của họ… Nhưng tôi tin chất lượng các bài giảng sẽ đủ sức nuôi GiapSchool và tạo nên sự thay đổi trong tư duy học và dạy của Việt Nam.
Chat với TS. Giáp Văn Dương
Sau sự ra đời của GiapSchool, nhiều người vẫn đang dò hỏi về Giáp Văn Dương là ai?
Oài, đây là câu khó. Tôi là… tôi thôi. Một người muốn đưa tri thức thế giới về Việt Nam qua các khóa học trực tuyến mở. Mong muốn của tôi là xây dựng được một hạ tầng tri thức đủ mạnh cho Việt Nam thông qua các khóa học này và qua việc biên dịch sách vở.
Ở Việt Nam, những gì miễn phí rất hay bị đánh đồng với chất lượng không tốt?
Đó là quan niệm phổ biến và có cơ sở. Nhưng không phải mọi cái miễn phí đều dở. Chất lượng phụ thuộc trước hết vào nhà cung cấp chứ không phải là thu phí hay miễn phí. Trong giáo dục thì đó là chất lượng của người thầy. Tất nhiên, nếu có kinh phí nhiều thì sẽ thực hiện được tốt hơn.
Làm sao để GiapSchool đi được đường dài?
Quan trọng nhất là sự kiên trì. Kiên trì thực hiện.
Ông có bao giờ cảm thấy cô đơn không?
Có chứ. Nhưng vấn đề không phải là có thấy cô đơn hay không, mà vượt qua nó như thế nào. Cô đơn đôi khi cũng cần để phát triển bản thân và theo đuổi những gì mình muốn.