Phần lớn công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đang sinh sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu tiện nghi. Ảnh: Lê Toàn

Phần lớn công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đang sinh sống trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu tiện nghi. Ảnh: Lê Toàn

Người mua nhà thêm mối lo lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giấc mơ sở hữu nhà ở nơi đô thị của đại bộ phận lao động phổ thông dường như xa vời hơn trước nguy cơ lạm phát cao.

Đặt mục tiêu mua nhà trước năm 30 tuổi, sau khi ra trường với tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin, anh Huỳnh Ngọc Tuấn (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM) làm nhiều việc dưới hình thức freelance (nghề tự do - PV). Có một khoản tiết kiệm, cộng thêm người quen hứa cho vay 500 triệu đồng nên quyết tâm mua nhà thêm cháy bỏng.

Tuy nhiên, vì làm tự do nên thu nhập không ổn định, rồi dịch bệnh Covid-19 liên tục bùng phát khiến anh phải nghỉ việc, cho nên khoản tiết kiệm cứ vơi dần. Để thắt chặt chi tiêu, anh dọn ra khỏi căn hộ thuê 7,5 triệu đồng/tháng để chuyển sang phòng trọ giá thuê bằng 1/3, cắt giảm các khoản chi không quan trọng, đồng thời may mắn được nhận vào làm việc tại một công ty chuyên thiết kế phần mềm cho thiết bị di động với mức thu nhập cố định 20 triệu đồng/tháng.

Những tưởng công việc mới với mức thu nhập ổn định khá cao này sẽ giúp kéo gần giấc mơ nhà ở, nhưng giá cả leo thang theo đà lạm phát khiến các chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng cao, khoản tiền tiết kiệm từ lương cũng không còn nhiều.

“Trước dịch, một suất cơm trưa văn phòng có giá 30.000 đồng, từ khi đi làm trở lại sau giãn cách tăng lên 38.000 đồng và hiện nhảy lên 45.000 đồng. Hay như chi phí xăng xe, nếu như trước kia chỉ cần đổ 80.000 đồng là đầy bình thì nay tăng gấp rưỡi…”, anh Tuấn nói và than thở rằng, giờ anh không còn nghĩ tới chung cư hay nhà giá rẻ nữa, bởi mức giá được coi là rẻ hiện nay thì người có thu nhập khá cao còn khó với tới, huống chi là những lao động phổ thông.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nghiệp (quê Hà Tĩnh) dắt díu 2 con nhỏ vào Nam lập nghiệp từ năm 2007, đến nay vẫn chưa thể có căn nhà riêng của mình. Hai vợ chồng sáng làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo, tối về anh chồng chạy thêm xe ôm, còn chị Nghiệp nhận thêm hàng may gia công cho một cơ sở ở gần khu trọ để kiếm thêm thu nhập. Làm lụng chăm chỉ với hy vọng sớm có ngày chạm tới căn nhà mơ ước, nhưng trớ trêu là khoản để dành thêm không bù được mức trượt giá nhà đất, nên căn hộ trong mơ ngày một xa dần.

Số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính, Dat Xanh Services mới đây cho thấy, trong quý II/2022, mặt bằng giá bán căn hộ tại Hà Nội ở mức 49 triệu đồng/m2, tăng trung bình 10% theo quý. Giá nhà thấp tầng tại các tỉnh lân cận tăng từ 6-15%.

Còn tại TP.HCM, con số này là 65 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý, các tỉnh lân cận ghi nhận mức tăng từ 2-6%. Trong đó, ở phân khúc đất nền, Bình Dương ghi nhận mức giá cao nhất với 60 triệu đồng/m2, Long An là 40 triệu đồng/m2 và Đồng Nai là 39 triệu đồng/m2. Ở phân khúc nhà phố, mức giá cao nhất là 91 triệu đồng/m2 được ghi nhận tại Đồng Nai, tiếp đến là Bình Dương với 80 triệu đồng/m2 và Long An là 56 triệu đồng/m2.

Ông Hà Vũ Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Thành Nam phân tích, với nhiều loại hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng đều tăng cao, lạm phát tăng là điều không thể tránh khỏi.

“Trong điều kiện bình thường, thậm chí là hơn 2 năm dịch bệnh hoành hành vừa qua, giá bất động sản vẫn leo thang nên năm nay, lạm phát càng đẩy giá tài sản lên cao theo hướng bất lợi cho thị trường”, ông Thắng nói và cho biết thêm, lạm phát tăng sẽ khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi tranh thủ tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn, trong đó có bất động sản.

Mặt khác, lạm phát có thể khiến những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính (vay vốn đầu tư bất động sản) phải đắn đo, thận trọng, thậm chí tháo chạy do áp lực trả nợ tăng cao khi lãi suất ngân hàng tăng để bù lạm phát. Trong quá khứ, từng xảy ra kịch bản lạm phát cao kéo theo lãi suất tăng khiến thị trường bất động sản bị đình trệ.

“Các bất động sản nói chung và tài sản giá trị cao nói riêng có thể gặp khó khăn trong cơn bão lạm phát vì thanh khoản kém”, ông Thắng nhấn mạnh nhận địnhn.

Tin bài liên quan