Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được đề xuất điều chỉnh để hỗ trợ nhiều hơn cho Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được đề xuất điều chỉnh để hỗ trợ nhiều hơn cho Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.

Người mua nhà ở xã hội mới được vay 49 tỷ đồng trong gói 120.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được1.344 tỷ đồng, gồm 1.295 tỷ cho chủ đầu tư tại 12 dự án và 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm

Ngày 13/8, Bộ Xây dựng công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2024. Theo văn bản này, tình hình triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp có một số chuyển biến tích cực, song còn chậm so với kế hoạch.

Theo đó, báo cáo của 53/63 địa phương trên địa bàn cả nước cho thấy, trong quý này có 9 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai; trong đó có 3 dự án đã hoàn thành với quy mô 1.120 căn, 01 dự án được khởi công xây dựng với quy mô 395 căn và 5 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 2.876 căn.

Giai đoạn từ năm 2021 đến hết quý II/2024, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 561.816 căn; trong đó 79 dự án đã hoàn thành với quy mô 40.679 căn; 128 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 111.688 căn; 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 409.449 căn.

Lũy kế từ trước đến nay, cả nước có 920 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 717.608 căn; trong đó đã hoàn thành 380 dự án với quy mô 196.471 căn; khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô 111.688 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án với quy mô 409.449 căn.

Như vậy, con số 717.608 căn nhà ở xã hội hiện còn khá khiêm tốn so với mục tiêu 1 triệu căn phải đạt được vào năm 2030, theo Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp đã được Chính phủ phê duyệt.

Cũng theo Bộ Xây dựng, việc triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm ngân hàng tham gia là TPbank và VPBank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.

Qua tổng hợp, đến nay mới có 32/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 73 dự án; trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP.HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...

Trong quý II/2024, các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiền là 1.234 tỷ đồng, bao gồm 1.202 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 32 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.

Để tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện mục tiêu của Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà xã hội với thời hạn vay từ 10 - 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 - 5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội, động lực để mua nhà.

Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị UBND các tỉnh thành khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương; chủ động bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; nghiên cứu rút gọn các quy trình thủ tục đầu tư để đẩy nhanh thực hiện dự án nhà xã hội; nghiên cứu các giải pháp nhằm rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Trái phiếu bất động sản dần ấm lại

Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), lũy kế từ đầu năm đến nay, có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 104,109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11,378 tỷ đồng.

Nhóm ngành bất động sản vẫn chiếm ưu thế trong hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu. Trong quý II/2024, số liệu báo cáo đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu về thị trường trái phiếu cho thấy trái phiếu bất động sản đã có xu hướng phát hành tăng trở lại, doanh nghiệp giảm bớt áp lực nợ đáo hạn so với quý trước.

Cụ thể, tháng 4/2024 ghi nhận giá trị phát hành của nhóm ngành bất động sản chiếm ưu thế trong hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu chiếm 56% tổng giá trị phát hành trong tháng.

Tháng 5/2024, nhóm ngân hàng và bất động sản phát hành gồm các doanh nghiệp: Tập đoàn CTCP Vingroup có 2 đợt chào bán cuối cùng thu về thêm 4.000 tỷ đồng; CTCP Vinhomes cũng đã hoàn thành kế hoạch sau khi bán thêm lô trái phiếu 2.000 tỷ đồng; Công ty TNHH Hoàng Trúc My bán lô trái phiếu giá trị 200 tỷ đồng; CTCP IDTT (trước đây là CTCP Phát triển Khu công nghiệp và Đô thị Thủ Thừa IDICO - CONAC) huy động 200 tỷ đồng.

Tháng 6/2024, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 62 lô trái phiếu, mang về 68.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm ngành xây dựng/bất động sản huy động khoảng 8.000 tỷ đồng, chiếm 12%.

"Số liệu trong quý II/2024 cho thấy những dấu hiệu về phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp bất động sản đã trở lại và có thể kỳ vọng ổn định hơn cho một kênh huy động vốn quan trọng của ngành bất động sản", báo cáo nhận định.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, áp lực trái phiếu đáo hạn vẫn đang là trách nhiệm nặng nề của các doanh nghiệp bất động sản để mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát triển ổn định lành mạnh trong thời gian tới.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho hay, theo Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu năm 2024 là phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ. Như vậy, còn gần 100.000 căn phải hoàn thành trong năm nay và đây là áp lực rất lớn.

Thứ trưởng cũng cho hay, Bộ Xây dựng đã đồng ý với Ngân hàng Nhà nước về việc trình hồ sơ phê duyệt Nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng theo hướng tăng thời gian áp dụng lên 12-15 năm, giảm lãi suất 3-5% so với mức lãi suất cũ là thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thị trường...

Tin bài liên quan