Người làm du lịch Hà Nội hồ hởi khi cánh cửa đã rộng mở

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường du lịch nước ngoài và thị trường khách quốc tế vào Hà Nội đã có những tín hiệu đáng kỳ vọng, đặt ra khả năng phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Mọi hoạt động của ngành du lịch đã bắt đầu khởi động trở lại sau một thời gian dài tạm lắng. Khó có thể nói hết niềm vui của những người làm du lịch Hà Nội cũng như cả nước khi nối lại việc đưa đón khách, xúc tiến các tour tuyến, kết nối lại thị trường trong, ngoài nước.

Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Thị trường du lịch nước ngoài và thị trường khách quốc tế vào Hà Nội đã có những tín hiệu đáng kỳ vọng, đặt ra khả năng phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Những tín hiệu đáng mừng

Ngay từ tháng 2, các cơ quan quản lý, tổ chức du lịch đã nhiều lần họp bàn về chuẩn bị các điều kiện cho việc mở cửa hoạt động du lịch trở lại. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các điểm đến cũng chuẩn bị tinh thần cao trong việc đón khách, làm mới tour tuyến, chuẩn bị nhân lực cũng như các điều kiện khác.

Từ ngày 15/3, Việt Nam hoàn toàn mở cửa mọi hoạt động du lịch với những chính sách mới rộng mở, thúc đẩy hoạt động du lịch, đặc biệt là đối với khách quốc tế nhập cảnh khiến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phấn khởi.

Đây là điều kiện tốt cho ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng, đặc biệt thời gian gần đây, du lịch Hà Nội đã có những tín hiệu đáng mừng trong việc đón khách.

Bày tỏ niềm vui khi ngành du lịch được mở cửa hoàn toàn mọi hoạt động, bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành và Sự kiện Thuận An-Ascend Travel and Media khẳng định, du lịch Hà Nội cũng như cả nước chắc chắn sẽ phục hồi trong thời gian tới, dù không thể ngay lập tức trở lại như trước nhưng đang có những dấu hiệu tốt.

Công ty Ascend Travel and Media cũng đã bắt đầu xây dựng tour tuyến cho du lịch hè phục vụ khách trong nước.

Đối với du lịch Inbound (khách quốc tế đi du lịch Việt Nam), công ty đã xúc tiến xây dựng, kết nối lại chương trình, dù mùa cao điểm thường từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau nhưng việc chuẩn bị các điều kiện thu hút luồng khách này vẫn được tích cực thực hiện.

Du lịch Outbound (khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài), công ty cũng có nhiều kỳ vọng bởi nhiều nước như Pháp, Singapore... đều mở cửa đón khách Việt Nam. Với những nước này, các công ty đều đã lên lịch trình đưa đón khách. Ví dụ với thị trường Dubai, Công ty đã bán tour cách đây 2 tuần, do quốc gia này có chính sách linh hoạt đối với khách du lịch và đến cuối tháng 3 sẽ có đoàn khởi hành sang Dubai.

Cũng như nhiều đơn vị khác, Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours đã chủ động xây dựng kịch bản trước đó để chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch, từ việc xây dựng đến chào bán sản phẩm, dịch vụ... Doanh nghiệp cũng đã có những hợp đồng với những đoàn khách từ châu Âu hay những hợp đồng của khách Việt Nam ra nước ngoài.

Các di tích lịch sử-văn hóa tại Hà Nội đã sẵn sàng để đón khách quốc tế tới thăm quan. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Các di tích lịch sử-văn hóa tại Hà Nội đã sẵn sàng để đón khách quốc tế tới thăm quan. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Việc mở cửa du lịch từ ngày 15/3 thực tế là sớm hơn so với kế hoạch trước đó, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhận được thêm những đoàn khách.

Đáng lưu ý, tháng 2 vừa qua, khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 800 nghìn người, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 2,23 nghìn tỷ đồng. Hai số liệu này đều tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Hà Nội trước chặng đường mới.

Cần đồng bộ hóa

Ngay trong ngày 15/3, khi Việt Nam chính thức mở cửa mọi hoạt động du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả để bàn về các giải pháp đón khách quốc tế hiệu quả, an toàn.

Ngày 16/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành phương án mở cửa lại hoạt động du lịch. Theo đó, khách nội địa sẽ không phải chịu bất cứ hạn chế nào khi đi du lịch. Chính sách thị thực được khôi phục như trước đại dịch COVID-19.

Khách nhập cảnh vào Việt Nam chỉ cần có xét nghiệm âm tính trước khi xuất cảnh bằng đường hàng không 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP, hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp test nhanh; không phải xét nghiệm lại cũng như không có quy định cách ly. Các quy định khác đối với khách du lịch cũng thông thoáng hơn.

Hiện tại, nhiều quốc gia đã mở rộng chính sách đón khách. Đây, là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch thu hút khách Việt Nam ra nước ngoài.

Theo đại diện Tổng Cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO), để thúc đẩy hoạt động du lịch, Hàn Quốc đã có chính sách miễn giảm cách ly khi nhập cảnh vào quốc gia này.

Cụ thể, từ ngày 21/3, người hoàn thành việc tiêm chủng đã đăng ký lên hệ thống quản lý tiêm chủng tại Hàn Quốc được miễn giảm cách ly. Còn từ ngày 1/4, những người đã hoàn thành việc tiêm chủng tại quốc gia khác nhưng chưa đăng ký lên hệ thống tiêm chủng tại Hàn Quốc vẫn được miễn giảm cách ly, trừ một số quốc gia có nguy cơ cao.

Hàn Quốc tạm thời ngưng áp dụng chế độ mạng lưới giao thông phòng dịch gồm vận hành xe cá nhân, taxi chuyên phòng dịch, ngăn toa riêng trên tàu cao tốc KTX với đối tượng là những người nhập cảnh vào Hàn Quốc, thay vào đó mọi người đều có thể tham gia sử dụng các phương tiện công cộng.

Quốc gia này từng bước thực hiện các chính sách mở cửa, nới lỏng sau khi cân nhắc kỹ về tình hình và các phương án phòng dịch đối với việc số lượng nhập cảnh tăng cao do tăng cường tần suất các chuyến bay và các đường bay, cũng như nới lỏng việc cấp thị thực.

Bên cạnh việc cởi mở, nới lỏng chính sách đón khách, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng mong muốn Việt Nam cần có thêm chính sách thu hút một số thị trường tiềm năng trên thế giới, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch để giới thiệu các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam...

Du khách du lịch quanh Hà Nội bằng xe bus 2 tầng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Du khách du lịch quanh Hà Nội bằng xe bus 2 tầng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thực tế, không ít doanh nghiệp còn băn khoăn khi đón khách Inbound và Outbound. Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours, dù Việt Nam đã cởi mở trong việc đón khách quốc tế nhưng để đón được đối tượng khách này còn phụ thuộc vào chính sách xuất nhập cảnh và phòng, chống COVID-19 của các nước mà du lịch Việt Nam hướng tới.

“Ví như, các quốc gia đó có đưa Việt Nam vào danh mục để khuyến cáo người dân của họ có nên du lịch hay không? khi về khách có bị cách ly hay không? Còn nếu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài thì các nước có thừa nhận “hộ chiếu” vaccine của Việt Nam hay không? người ta có cấp visa cho người Việt hay không?” - ông Nguyễn Công Hoan đặt vấn đề như vậy.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours, đối với vấn đề hàng không, tần suất bay là việc đáng lưu tâm khi mở cửa du lịch, bởi câu chuyện xây dựng sản phẩm tour luôn phụ thuộc vào tần suất bay và cần sự linh hoạt. Nếu tần suất ngắn, giá vé cao sẽ khó thu hút được du khách.

Vấn đề chính sách điểm đến của Việt Nam cũng cần đặt ra. Khi đã mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch thì các dịch vụ phục vụ khách cũng cần tính toán để cho phép hoạt động. Hiện nay, nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch như quán bar, vũ trường, karaoke... tại nhiều địa phương vẫn chưa được hoạt động trở lại.

Nguyễn Công Hoan cho rằng mong muốn hiện nay của doanh nghiệp lữ hành là có sự đồng bộ hóa về chỉ đạo, điều hành không chỉ của ngành du lịch mà của cả các ngành liên quan khác.

Tin bài liên quan