Người gửi tiền ngân hàng “biệt vô âm tín“, rút tiền cách nào?

Người gửi tiền ngân hàng “biệt vô âm tín“, rút tiền cách nào?

(ĐTCK) Tại một ngân hàng, bộ phận dịch vụ khách hàng tiếp nhận trường hợp giao dịch rất đặc biệt. Người khách là một cụ già khoảng 70 tuổi với một lá đơn cầm trên tay. Theo đơn đề nghị, cụ xin được rút khoản tiền hơn một tỷ đồng từ một tài khoản mở tại ngân hàng mang tên con trai của cụ. Lý do anh này đã "biệt vô âm tín" từ nhiều năm nay và gia đình cần quản lý khoản tiền của anh. Đơn của cụ có sự xác nhận chữ ký của chính quyền địa phương.

Kiểm tra thông tin, giao dịch viên nhận thấy đúng là có một khách hàng như vậy. Khách hàng này đã gửi 1 tỷ đồng vào tài khoản. Sau lần giao dịch đầu tiên mở tài khoản và gửi tiền cách đây hơn 5 năm, khách hàng không có bất kỳ giao dịch nào khác. Từ các tài liệu cụ già xuất trình, giao dịch viên đã xác định được mối quan hệ cha con giữa cụ với khách hàng. Vậy phải giải quyết ra sao đối với trường hợp này?

Từ trước tới nay, các giao dịch viên chỉ giải quyết cho khách hàng hoặc người được khách hàng ủy quyền rút tiền. Đây là một trường hợp cá biệt. Nếu từ chối đề nghị của cụ già mà không đưa ra bất kỳ lý do chính đáng nào, xem ra chúng ta chưa làm tròn bổn phận phục vụ khách hàng. Nếu cứ đơn giản giải quyết theo đề nghị của cụ già, thì liệu một ngày nào đó vị khách xuất hiện khiếu nại ngân hàng về khoản tiền đã cho cụ già rút? Khi gặp tình huống tương tự, chúng ta cần lưu ý 3 trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất được gọi là vắng mặt tại nơi cư trú. Đó là khi một người biệt tích từ 6 tháng liền trở lên kể từ ngày có thông tin cuối cùng của họ. Trong trường hợp này, việc xác định sự vắng mặt tại nơi cư trú sẽ trải qua một thủ tục thông báo tìm kiếm theo quy trình tố tụng của tòa án. Để rồi, sau khi xem xét việc tiến hành các thủ tục thông báo tìm kiếm mà không có kết quả, tòa sẽ xác nhận và cho phép áp dụng các biện pháp về quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú.

Trường hợp thứ hai được gọi là tuyên bố mất tích. Đây là trường hợp của những người bị tòa án ra quyết định tuyên bố rằng họ đã mất tích. Theo một điều kiện và quy trình tố tụng về dân sự, nếu một người biệt tích từ 2 năm liền trở lên, thì bất kỳ ai có quyền lợi liên quan đều có thể đề nghị tòa xem xét tuyên bố người đó đã mất tích. Tòa sẽ cho áp dụng các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo thủ tục. Nếu sau đó vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết, thì toà ra tuyên bố người đó mất tích.

Trường hợp thứ ba được gọi là tuyên bố một người đã chết. Đây là cái chết về mặt pháp lý, bất luận người bị tuyên bố đã thực sự chết hay còn sống về mặt sinh học. Thường thì một người có khả năng bị tòa án tuyên bố chết trong những tình huống sau: Chính bản thân người đó đã bị tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích từ 3 năm trước đó, mà tới nay vẫn không có thông tin xác thực người này còn sống.

Một người cũng có thể bị tòa án tuyên bố chết nếu biệt tích 5 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống (kể cả trong chiến tranh), hoặc trong trường hợp sau 2 năm kể từ ngày có tai nạn, thảm họa, thiên tai phát sinh mà vẫn không có tin tức xác thực một người nào đó còn sống.

Với những trường hợp kể trên, theo yêu cầu của người có quyền lợi liên quan, toà án sẽ ra quyết định tuyên bố chết đối với người được đề nghị. Như vậy, trong trường hợp của cụ già này, chúng ta không thể chỉ dựa vào một sự xác nhận của chính quyền địa phương để lấy đó làm căn cứ pháp lý giải quyết vụ việc. Căn cứ xác đáng phải là một quyết định của tòa.

Vấn đề tiếp theo chúng ta cũng cần biết: Ai sẽ là người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú, người bị tuyên bố mất tích, tuyên bố chết? Tuỳ từng trường hợp, toà án sẽ xác định cụ thể. Tuy nhiên, theo một quy định trong Bộ luật Dân sự, toà sẽ giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú, người bị tuyên bố mất tích cho những người sau đây quản lý: Đối với tài sản đã được người vắng mặt uỷ quyền quản lý thì người được uỷ quyền tiếp tục quản lý.

Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý. Tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.

Trong trường hợp không có những người nêu trên, toà sẽ chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt, người bị tuyên bố mất tích quản lý tài sản. Ngay cả đến trường hợp người vắng mặt, người bị tuyên bố mất tích không có người thân thích thì toà cũng sẽ chỉ định người khác bất kỳ quản lý tài sản.

Để bảo đảm an toàn pháp lý cho ngân hàng và bản thân mình, các giao dịch viên nên căn cứ vào quyết định của tòa án mà xác định người quản lý tài sản của khách hàng vắng mặt, bị tuyên bố mất tích. Ngoài ra, trong đơn đề nghị của người quản lý tài sản nên có những nội dung cam kết sao cho phù hợp với nghĩa vụ của họ mà pháp luật dân sự đã quy định.

Còn đối với trường hợp khách hàng của ngân hàng bị tuyên bố chết thì sao? Khi đó, mọi tài sản của khách hàng sẽ được giải quyết theo pháp luật thừa kế như những trường hợp thừa kế thông thường.

 (Trích Sách Hiểu nghề Giữ nghiệp -
30 bài học pháp lý Nghiệp vụ dành cho nghề Teller ngân hàng
của Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico)

Tin bài liên quan