Người dùng Facebook bị lợi dụng để mua bán like

Người dùng Facebook bị lợi dụng để mua bán like

Những dịch vụ "câu like" nở rộ trên Facebook chủ yếu đến từ sự cả tin từ người dùng.

Anh Lê Thanh (quận Bình Thạnh, TP HCM) kinh doanh điện thoại xách tay. "Bình thường, khá ít người tương tác với fanpage. Do đó, ngoài chạy quảng cáo Facebook, tôi còn tìm đến các dịch vụ chạy like cho từng status (trạng thái), mục đích là tăng độ tin cậy", anh Thanh chia sẻ.

Một người dùng Facebook tại quận 1 (TP HCM) tiết lộ, chị thích "sống ảo" nên ngoài đăng tải những bức hình "câu like", chị còn mua thêm một lượng lượt thích nhất định khác từ dịch vụ trên mạng.

Tuy nhiên, chị không mua thường xuyên, chủ yếu là các status quan trọng hoặc hình đại diện.

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp tìm đến dịch vụ câu like cho các mục đích khác nhau. Người dùng có thể tìm trên mạng các dịch vụ với giá chỉ từ 100 đồng đến 200 đồng cho mỗi lượt thích, có thể mua theo số lượng hoặc mua theo gói tháng giá từ 150.000 đồng tùy tần suất và số lượng like.

Người mua có thể yêu cầu từng loại reaction như thích, thả tim, cười haha, phẫn nộ...

Không phải việc mua bán like, follow... bây giờ mới diễn ra mà đã có từ nhiều năm về trước. Tuy nhiên gần đây, chính sách mới của Facebook đã loại bỏ một lượng lớn like và follow ảo, khiến các dịch vụ trên tìm cách khác: những người dùng thực sự. Giá bán cũng tăng so với mức trước đây.

Người dùng Facebook bị lợi dụng để mua bán like ảnh 1

Một số dịch vụ rao bán like trên mạng. 

Theo anh Huy Phạm, một người khá am hiểu mạng xã hội tại TP HCM, việc mua bán like bây giờ khó khăn hơn so với ngày xưa và người mua cũng phải yêu cầu like thật, tức là lượt thích đó phải từ người dùng thật sự nhằm tránh việc bị hệ thống của Facebook phát hiện gian lận.

Trên mạng, có nhiều website "mời gọi" tăng lượt like, follow miễn phí và anh Huy cho rằng đây là mấu chốt. "Khi truy cập website này, người muốn tăng like cho ảnh hoặc status thường yêu cầu lấy mã token và từ đó xem như 'dâng' tài khoản cho website đó", anh Huy giải thích.

Bên cạnh đó, mã token còn được khai thác từ việc cấp quyền ứng dụng. Những ai chơi các trò chơi đòi yêu cầu liên kết qua Facebook có thể bị yêu cầu mã token, nhất là các website kém uy tín.

Mã token là đoạn mã được Facebook dùng để định danh một tài khoản cụ thể. Người sở hữu nó có thể thực hiện các tác vụ như thích, chia sẻ, bình luận mà không cần đến sự cho phép của người dùng.

Như vậy, nếu như timeline của bạn xuất hiện một trang hoặc status của ai đó nhưng bạn không nhớ đã like khi nào, rất có thể bạn đã bị lợi dụng.

Những người bán like thường tập hợp các mã token thành một "đội quân like dạo". Chỉ cần kích chuột, fanpage hay đoạn status nào đó sẽ được "bơm" một lượng like đúng với số tiền bỏ ra trong thời gian nhất định.

Nói cách khác, các nhà cung cấp dịch vụ câu like đã "thay mặt" người dùng đi like các status hoặc fanpage khác.

Người dùng Facebook bị lợi dụng để mua bán like ảnh 2

 Người dùng tự "giao nộp" tài khoản khi liên kết qua các ứng dụng bên thứ ba hoặc các trang web "hack like miễn phí".

Điều đáng lo ngại là việc làm trên không bị Facebook ngăn chặn do nó phù hợp với chính sách của mạng xã hội này cho phép người dùng cấp quyền cho nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba, tức đây là sự tự nguyên của người dùng. 

"Đa phần, các ứng dụng lấy mã token sẽ đòi hỏi tất cả các quyền", anh Huy nhấn mạnh.

Theo anh Huy, cách đơn giản nhất để biết mình đang đi "like dạo" hay không là kiểm tra mục "Hoạt động gần đây", xem mình có thao tác nào đáng ngờ không. Sau đó, vào mục Ứng dụng trong phần Cài đặt để xem mình đang cấp quyền cho những ứng dụng nào và xóa chúng đi.

Sau khi đã loại bỏ các ứng dụng đáng ngờ, người dùng nên thay đổi mật khẩu, bật tính năng xác thực 2 lớp nhằm bảo vệ tài khoản của mình an toàn, tránh bị lợi dụng về sau. 

Ngoài ra, không nên liên kết tài khoản với các website đáng ngờ, đòi truy cập tất cả các quyền và tuyệt đối không "dâng" mã token cho các website "câu like, câu follow miễn phí".

Tin bài liên quan