Ông có thể chia sẻ về kết quả kinh doanh của TPBank trong năm 2019 và đâu là trụ cột kinh doanh của Ngân hàng?
Ðối với Ngân hàng, nguồn thu chính vẫn là tín dụng. Tuy nhiên, tỷ trọng thu từ dịch vụ, hay thu ngoài lãi cũng tăng hơn so với trước.
Cụ thể, tính đến 31/8/2019, thu nhập lãi thuần của TPBank đạt khoảng 3.650 tỷ đồng, song thu nhập từ hoạt động phi tín dụng cũng đạt tới 1.430 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái; qua đó đóng góp tích cực vào mức lợi nhuận trước thuế khoảng 2.160 tỷ đồng.
Có được kết quả đó là nhờ mấy năm gần đây, TPBank tập trung phát triển dịch vụ để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng.
Ðây là xu hướng đúng cho mô hình ngân hàng hiện đại, vừa gia tăng được lợi nhuận, lại giảm thiểu được rủi ro, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ðiều này càng quan trọng hơn khi Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng siết chặt kiểm soát tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát.
Mặc dù nằm trong số những tổ chức tín dụng lành mạnh, ổn định, phát triển tốt, tuân thủ sớm Thông tư 41/2016/TT-NHNN nên TPBank được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 4%, tương đương khoảng 3.200 tỷ đồng.
Thế nhưng, con số này không thấm vào đâu, bởi nếu “thả phanh” chỉ khoảng 1 - 2 tháng là Ngân hàng “tiêu” hết hạn mức tăng thêm này.
Vì thế, TPBank phải tính toán làm sao để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng trong phạm vi tín dụng được cấp.
Ðặc biệt là giai đoạn cuối năm, nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân thường có xu hướng tăng cao, nên nếu không tính toán cẩn trọng sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Ðiều đó sẽ gây tổn hại đến uy tín của Ngân hàng.
Mặc dù vậy, với kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm 2019, Ban lãnh đạo Ngân hàng tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận đặt ra từ đầu năm.
Thị trường đã quen với việc TPBank đi đầu trong hoạt động số hóa. Vậy sau Video Teller Machine (VTM), câu chuyện tiếp theo mà TPBank sẽ kể là gì?
Nói đến ngân hàng số là cuộc chơi khá tốn kém. Trong 3 - 4 năm gần đây, TPBank đã chi khoảng 1.000 tỷ đồng cho những lĩnh vực liên quan đến công nghệ, ngân hàng số.
Theo đó, Ngân hàng chi khá nhiều tiền để duy trì và để hệ thống LiveBank, VTM phát triển thêm, cụ thể là đến cuối năm 2019 bắt buộc đạt ít nhất là 200 VTM và năm 2020 dự kiến thêm 100 - 150 VTM.
Ðến nay, doanh số thu trực tiếp từ ngân hàng số mới được một vài trăm tỷ đồng. Mặc dù doanh thu trực tiếp chưa có, nhưng công nghệ giúp Ngân hàng làm được rất nhiều việc và tiết kiệm nhiều chi phí so với khi chưa có hệ thống như vậy.
Ông Nguyễn Hưng
Với VTM, nếu mới tính toán thì chi phí công nghệ đầu tư ban đầu lớn, nhưng bù lại, hệ thống này của TPBank hoạt động 24/7, đáp ứng được cả nhu cầu giao dịch của khách hàng ngoài giờ hành chính, hay ngày nghỉ, nên chi phí trung bình cho 1 giao dịch tại VTM cũng không đắt hơn nhiều so với phương thức giao dịch truyền thống.
TPBank cũng không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng thêm nhiều dịch vụ có thể thực hiện ngay tại VTM, cùng với việc khách hàng đã quen với mô hình giao dịch tự động này, số lượt giao dịch tại VTM tăng lên và trong tương lai, chi phí này sẽ còn rẻ hơn nữa.
Ðây là tiền đề để TPBank phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền công nghệ mà không bị giới hạn về thời gian đối với các khách hàng tiềm năng.
Không chỉ là người dùng công nghệ, mà là khách hàng phổ thông nhất đều dùng được. Ðó là kế hoạch đúng để TPBank có độ phủ tốt, tăng sự hiện diện, tăng khả năng tiếp cận của khách hàng đối với các dịch vụ của ngân hàng.
Tôi muốn chia sẻ thêm, VTM chỉ là một phần rất nhỏ, chỉ là kênh thay thế giao dịch truyền thống với khách hàng.
Trong khi đó, còn nhiều điều hay liên quan đến công nghệ số, ngân hàng số mà hiện ngân hàng nào cũng đang quyết liệt triển khai. Ví dụ ebank và những ứng dụng phục vụ cho nhu cầu thanh toán tức thời…
Nhưng để tạo ra sự khác biệt, đòi hỏi ngân hàng phải đầu tư khá nhiều, nhanh thì 6 tháng đến 1 năm, còn có những sản phẩm phải mất 2 - 3 năm mới ra được. Hiện TPBank đang triển khai nhiều chương trình để chuẩn bị cho thời gian sắp tới.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về dự định của TPBank?
Các ngân hàng vốn rất phụ thuộc vào Core Banking trong suốt gần 1 thập kỷ qua. Tuy nhiên, đến nay, Core Banking đã trở nên nhỏ bé và không còn phù hợp với mô hình kinh doanh hiện đại, cả về năng lực xử lý, tính thích ứng cũng như cơ chế vận hành đối với khách hàng như bây giờ.
Hiện các ngân hàng, ít cũng có tới vài triệu khách hàng, nhiều thì vài chục triệu khách hàng. Quy mô khách hàng mở rộng nhanh chóng khiến hệ thống Core Banking nhiều lúc quá tải, đó là chưa kể cách thức quản lý theo kiểu vật lý như ngày xưa, cấu trúc dữ liệu cũng không hoàn toàn phù hợp. Tất cả những điều đó đòi hỏi phải có một giải pháp thay thế.
TPBank đang triển khai một hệ thống tương tự, có thể gọi là hợp kênh hay đa kênh, trên bất kỳ một kênh nào thì trải nghiệm của khách hàng cũng giống nhau và có thể làm một việc cùng lúc, đồng thời hoặc kế tiếp bất kỳ kênh nào cũng vậy.
Ðó là một giải pháp tổng thể với nhiều ứng dụng mới. Triển khai thành công được hệ thống này, năng lực của Ngân hàng tăng thêm, giao dịch đồng thời được xử lý lên đến vài triệu giao dịch...
Một điểm tôi cũng muốn chia sẻ, đó là TPBank may mắn có hệ thống gọn nhẹ, quy hoạch ngay từ đầu nên việc điều phối năng lực giữa các hệ thống tương đối dễ, do đó sẽ không có chuyện vì hệ thống cơi nới nhiều quá nên nếu nâng cái này lên sẽ ảnh hưởng đến cái khác.
Ðây là điều mà nhiều ngân hàng hiện vẫn đang rất đau đầu: Ðầu tư vào đâu, mua sắm cái gì? Chọn giải pháp gì? Phần cứng, phần mềm thế nào?…
Ðược biết, TPBank cũng đầu tư rất nhiều vào dữ liệu lớn (Big Data), ông kỳ vọng điều gì trong tương lai?
Từ trước đến nay, chúng ta đều dùng dữ liệu cấu trúc, đòi hỏi sự chuẩn chỉnh, dữ liệu phải làm sao cho sạch, hay kỷ luật về dữ liệu rất nghiêm túc để dùng được dữ liệu, rồi phải xây kho dữ liệu tập trung - Data Warehouse, do vậy rất tốn nguồn lực, trong khi cách thức này đang dần dần bị lỗi thời.
Ngân hàng đang có vô vàn dữ liệu, đến từ nhiều nguồn hợp pháp, công khai, nhưng chỉ dùng những gì mình cần, khoảng 5 - 10% dữ liệu hiện có và còn lại bỏ qua, lãng phí và một phần nguyên nhân là chưa có một công cụ, giải pháp để xử lý.
Trong khi đó, đưa những dữ liệu này vào một tập dữ liệu lớn, sử dụng thuật toán lọc ra được những dữ liệu cần thiết, đó chính là kỳ vọng về Big Data. Phải làm sao có một tập dữ liệu đủ thông minh để tập hợp tất cả các dữ liệu đang có và biến chúng thành “vàng”.
Theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước tăng sức ép tuân thủ chuẩn mực, thông lệ quốc tế, phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 2 - 3 ngân hàng nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á… TPBank sẽ định vị ở đâu trên bản đồ hệ thống ngân hàng Việt?
TPBank hiện ở trong Top 500 ngân hàng khu vực châu Á và phấn đấu trong danh sách Top 1.000 ngân hàng trên thế giới.
Tiềm lực và khả năng của Ngân hàng có thể “chạy” rất nhanh, nhưng trong bối cảnh mỗi năm Ngân hàng Nhà nước chỉ cho tăng trưởng tín dụng 15%, rất khó để tăng được tổng tài sản.
Mặt khác, TPBank không đặt mục tiêu tăng tổng tài sản, bởi trong chừng mực nào đó, việc này không thể hiện đúng thực chất thực lực của Ngân hàng.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo TPBank vẫn luôn cố gắng để có thứ hạng cao nhất trong khả năng trên mọi lĩnh vực. Ðiều này thể hiện thông qua việc Ngân hàng luôn đáp ứng một loạt các chỉ số của các định chế nước ngoài và cơ quan quản lý nhà nước.