Sống miết thành quen
Tại TP.HCM, hình ảnh những con đường bỗng nhiên biến thành sông có lẽ không còn quá xa lạ với người dân nơi đây. Cứ vào tầm cuối tháng 9 hàng năm là mùa triều cường lại đến, các vùng trũng thấp như quận 2, quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh... bị ngập nặng. Thậm chí, có nhiều tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Điều này cũng không quá khó để giải thích, bởi TP.HCM là thành phố ven biển, có hệ thống sông rạch chằng chịt, nền đất thấp. Chưa kể, còn chịu tác động rất lớn từ công tác tiêu thoát nước của 3 con sông lớn là sông Sài Gòn, Đồng Nai, Soài Rạp, nên bị ảnh hưởng rất lớn của thủy triều.
Đầu tháng 11/2019, chúng tôi trở lại đường Mễ Cốc, đoạn khu vực cầu Kênh Ngang số 3 thuộc phường 15, quận 8 (TP.HCM), nơi từng hứng chịu trận “đại hồng thủy” do một đoạn bờ kè ngăn triều bị sập, khiến nước từ kênh Lò Gốm tràn vào đến tận phòng khách của mỗi nhà hồi cuối tháng 9/2019. Đến nay, bờ kè đã được gia cố và xây lại, toàn khu cũng đã hết ngập, nhưng những đồ dùng bị hỏng do ngấm nước vẫn còn nguyên đó, được vất chỏng chơ ở những khu đất trống.
Dù đã hơn 1 tháng trôi qua, nhưng căn nhà nhỏ của ông Tuấn vẫn còn nguyên mùi ẩm mốc, xung quanh chân vách nhà bị mục, bám đầy rong rêu. Đồ đạc trong nhà gồm tủ quần áo, bàn ghế, giường ngủ... đã được tháo dỡ vì bị hư hỏng do ngấm nước.
Sau khi nâng đường, nhà dân bỗng nhiên biến thành hầm
“Khoảng 3 giờ chiều ngày 29/9 nước dâng cao, được khoảng 1 tiếng thì nước tràn vô như lũ do bị vỡ bờ kè, không kịp chạy đồ đạc. Mặc dù đã dùng bao cát chặn trước cửa để ngăn nước chảy vào nhà, nhưng cũng chẳng ăn thua”, ông Tuấn nhớ lại.
Không chỉ ông Tuấn, mà hầu như nhà nào trong khu phố cũng bị nước “ghé thăm”, nhưng bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là những hộ kinh doanh tại mặt tiền đường ngoài.
Tại cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình chị Huỳnh Thị Thảo, nằm ngay gần chân cầu Kênh Ngang số 3, các loại vật liệu như xi măng, bột bả, thước cuộn, máy khoăn, cắt... bổng trở thành phế liệu, ước tính số tiền bị thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.
“Tôi về đây kinh doanh buôn bán được hơn 20 năm rồi, nhưng đợt triều cường này là lớn nhất, nước dâng rất nhanh nên hàng quán, đồ đạc trong nhà bị ngập hết. Thậm chí, còn phải cho bọn trẻ nghỉ học 3 ngày vì ngập quá, không di chuyển được”, chị Thảo nói rồi dẫn chúng tôi vào trong nhà, chỉ tay vào ổ điện ngay gần chân tường đã được tháo bung và nói, gia đình phải di chuyển vị trí ổ điện lên cao vì sợ nước tràn vào thì sẽ rất nguy hiểm.
Rời khỏi cửa hàng của chị Thảo, chúng tôi tiếp tục đi dọc con đường men theo kênh Lò Gốm, không khó để nhận ra những bao cát đã được đóng sẵn, xếp gọn gàng trước cửa của một số gia đình, sẵn sàng ứng phó cho những đợt triều cường sắp tới.
Thềm nhà mọc rêu xanh vì bị ngâm nước lâu ngày
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phú, năm nay khoảng 60 tuổi than thở, hơn nửa đời người sống ở khu vực này rồi, nên chẳng lạ gì việc sống chung với lũ. Trước kia, khi chưa được nâng đường và xây dựng bờ kè, thì việc sáng đi làm nhưng tối về nước đã ngập đến thành giường là chuyện bình thường. Sống miết thành quen.
“Sau nhiều lần sửa chữa và nâng cấp, đường đã được nâng lên, nền nhà cũng được tôn cao hơn, nên chỉ có hôm nào trời mưa to, cộng thêm triều cường cao, nước không thoát được thì mới bị ngập thôi”, ông Phú nói.
Cuộc rượt đuổi chưa có hồi kết
Khi nói đến ngập lụt do triều cường hay mưa lớn tại TP.HCM, không thể không nhắc tới những tuyến đường như Trần Xuân Soạn (quận 7), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Tôn Thất Thuyết (quận 4)..., bởi đây được coi là những điểm đen vì thường xuyên chìm trong “biển nước”.
Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước đã bỏ ra số tiền không nhỏ đề đầu tư, nâng cao đường, cải tạo hạ tầng, nhưng dường như cũng không mấy hiệu quả. Đơn cử, tại đường Huỳnh Tấn Phát, dù đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cao lên, nhưng vẫn bị ngập lênh láng ngay cả khi trời không mưa.
Nhớ lại lúc đỉnh điểm của triều cường tối ngày 30/9/2019, anh Tuấn cho biết, cả 2 vợ chồng phải thay phiên nhau để tát nước từ trong nhà ra ngoài. Thậm chí, còn sử dụng máy bơm nhưng vẫn không thê bơm kịp.
“Con đường này đã được nâng lên, nhưng cứ triều cường là nước lại ngập đường rồi tràn vào nhà. Đồ đạc lúc nào cũng phải kê cao để hạn chế thiệt hại”, anh Tuấn nói và cho biết thêm, từ khi tuyến đường này được đầu tư nâng nền, nhà dân ở đây đều trở thành điểm chứa nước mỗi khi trời mưa hay triều cường, vì nền nhà thấp hơn mặt đường, có nơi gần nửa mét.
Hay gần đây nhất là đường Liên Phường tại quận 9, trước đây thường bị ngập nước và xuống cấp trầm trọng và vừa được nâng cấp, sửa chữa với tổng mức đầu tư hơn 303 tỷ đồng. Nhiều người vui mừng vì có đường mới sạch sẽ, không còn cảnh ngập nước, việc kinh doanh thuận tiện... Tuy nhiên, cuộc sống sinh hoạt của một số gia đình cũng bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, vì nhà thấp hơn đường.
Những bao cát đóng sẵn được xếp ở trước cửa để chuẩn bị ứng phó với triều cường
Tương tự, tại đường Kinh Dương Vương, quận 6, sau khi được đầu tư hơn 800 tỷ để nâng đường thì không còn ngập như trước nữa. Thay vào đó, nước lại chảy vào các con hẻm xung quanh. Sau khi người dân phản ánh, chính quyền lại tiếp tục nâng đường tại một số hẻm để chống ngập. Kết quả, đường chưa hết hẳn ngập, nhưng nhiều hộ dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, sống cảnh nhà như hầm.
Để không bị nước tràn vào nhà, nhiều gia đình chấp nhận tốn kém để nâng nền nhà lên cho bằng hoặc cao hơn mặt đường. Thế nhưng, đường không phải chỉ nâng có một lần, nhà vừa nâng lên được một thời gian, thì đường lại được nâng cao hơn nữa. Đã có không ít trường hợp sau nhiều lần nâng cấp, nền nhà đã đụng nóc, không thể nâng tiếp được nữa, nên đành phải xây thêm tầng.
Ông Thiêm, chủ một căn nhà trong hẻm 97, đường Kinh Dương Vương tâm sự, cuộc rượt đuổi nâng đường để chống ngập - nâng nhà để bằng đường như câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, không biết đến bao giờ mới có hồi kết. Đành rằng đường ngập thì phải nâng lên, nhưng người dân thì không phải ai cũng đủ tiền, đủ điều kiện để cứ lâu lâu lại phải nâng nhà. Do đó, có rất nhiều người đành chấp nhận sống chung với ngập.
Như vậy có thể thấy, việc nâng đường để chống ngập ở nhiều khu vực hiện nay không phải là cách chống ngập hiệu quả. Bởi thực chất, chỉ là đưa nước từ chỗ cao sang chỗ thấp, hay nói cách khác, là chuyển ngập nước từ điểm này sang điểm khác. Do đó, để giải bài toán chống ngập này, UBND TP.HCM cần có những giải pháp toàn diện, chiến lược tổng thể như rà soát lại các quy hoạch, nhất là các quy hoạch liên quan đến thoát nước đô thị thành phố, quy hoạch cốt nền... Cùng với đó, thúc đẩy các dự án chống ngập hiện đang bị chậm tiến độ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com