Đề án Xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử (CQĐT) vừa được UBND TP HCM thông qua. Để làm rõ việc người dân sẽ được hưởng lợi ích gì từ động thái này của thành phố, bà Võ Thị Trung Trinh (Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông) có cuộc trao đổi với VnExpress.
- Vì sao TP HCM phải xây dựng Kiến trúc CQĐT?
- Khung kiến trúc tổng thể này nói bằng một từ dân dã là: Quy hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) mà các đơn vị phải tuân thủ theo. Nó giúp đảm bảo các kế hoạch đầu tư về CNTT và truyền thông của cơ quan chính quyền đạt hiệu quả đúng mục tiêu đề ra; đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp.
CQĐT còn giúp thành phố tránh lãng phí, trùng lặp và tiết kiệm ngân sách. Quan trọng nhất, đây là cơ sở phục vụ định hướng xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh.
Việc xây dựng Kiến trúc CQĐT không chỉ là ban hành cái khung, bởi có nhiều tỉnh thành làm kiến trúc công khai xong nhưng không thực thi.
Trong khi đó, câu chuyện của TP HCM khác do có quy mô rất rộng. Nhưng hướng đi của tương lai là làm sao có những tiện ích của đô thị thông minh mà trong những tiện ích đó có thể khai thác vấn đề trí tuệ nhân tạo.
Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông: "Chính quyền điện tử cung cấp được nhiều dịch vụ công tốt hơn cho người dân".
- Việc xây dựng Kiến trúc CQĐT mang lại lợi ích gì cho người dân?
- Đây chính là câu chuyện TP HCM hướng đến nhiều nhất. Bản chất của Kiến trúc CQĐT là đảm bảo đồng bộ trong công tác ứng dụng CNTT của thành phố. Để từ đó giải quyết tồn tại trong vấn đề cải cách hành chính, hướng tới việc cung cấp dịch vụ công tốt hơn, công khai, minh bạch... mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Chắc chắn ai cũng ít nhất một lần trong đời đi làm thủ tục hành chính, phải đăng ký tên tuổi, số CMND, địa chỉ, hộ khẩu... rất nhiêu khê. Nếu chúng ta làm tốt được cơ sở dữ liệu này, khi người dân đến cơ quan hành chính chỉ cần đưa số CMND, có mã công dân thì những thông tin cơ bản đã có sẵn. Tôi nghĩ rằng nó tiết kiệm một số chi phí đáng kể - là lợi ích hàng đầu cho người dân.
Những định hướng lớn, mang đến lợi ích cho người dân và doanh nghiệp sẽ được thành phố công khai, chia sẻ, nếu không thì khác gì đó là bài toán mù mà hộp đen là gì thì không ai biết.
TP HCM là thị trường rất lớn, khi công khai khung Kiến trúc CQĐT các doanh nghiệp sẽ biết đến. Ông lớn sẽ nhìn thấy sân chơi lớn, ông nhỏ cũng sẽ nhìn thấy sân chơi của mình ở đâu trong câu chuyện lợi ích doạnh nghiệp.
- Ứng dụng CNTT vào Xây dựng CQĐT có đảm bảo được thủ tục hành chính của nhà nước sẽ tốt hơn dịch vụ công khác?
- Đối với doanh nghiệp, tôi cho rằng khi công tác ứng dụng CNTT của thành phố tốt, CQĐT phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn thì các thủ tục hành chính của nhà nước sẽ tốt hơn. Vấn đề quan trọng là, ứng dụng CNTT đặc thù hơn những ngành khác trong việc đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cụ thể, sau khi làm dịch vụ công trực tuyến xong thì người dân có thể kiểm tra thông tin rất dễ dàng, giám sát đảm bảo.
Việc xây dựng CQĐT giúp chúng ta tận dụng công nghệ mới, cơ sở dữ liệu lớn sẽ có các kho dữ liệu dùng chung. Dữ liệu mở nên chính quyền ngày càng cung cấp được nhiều dịch vụ công tốt hơn cho người dân.
Nếu chính quyền không có thông tin, không có dữ liệu làm sao biết được người dân quan tâm đến lĩnh vực gì, cần cái gì để phục vụ. Chúng ta đang cá nhân hóa người sử dụng, vậy nên TP HCM sắp tới sẽ đi theo hướng Chính quyền điện tử đạt đến mức nếu tôi phục vụ bạn rồi thì tôi sẽ cá nhân hóa luôn.
- Việc Xây dựng Kiến trúc CQĐT từ đề án đến hiện thực khoảng cách là bao xa?
- Tôi lấy ví dụ, bây giờ người dân phát hiện ra cống rãnh bị hư, họ chỉ cần chụp hình gửi cho các đơn vị phản ánh, ngay lập tức đơn vị sẽ nhận được và kịp thời xử lý. Thời gian từ lúc phát hiện cho đến lúc phản ảnh đến đơn vị liên quan chỉ tính bằng giây.
Từ giờ đến cuối năm Sở Thông tin - Truyền thông sẽ phổ biến khung kiến trúc rộng rãi và làm việc với các quận huyện, sở ngành nhằm xây dựng cho họ kế hoạch cụ thể theo những nội dung lớn mà thành phố đang thực hiện. Từ năm 2019 sẽ triển khai làm những nội dung như quản lý văn bản điều hành.
Ngoài ra, chúng tôi chú ý hai nội dung: hệ thống một cửa điện tử liên thông theo Nghị định 61 và hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử theo quy định 28.
Đề án được xây dựng dựa trên các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Internet vạn vật, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ trợ lý ảo, robot thông minh...
Khi triển khai, đề án sẽ đáp ứng các mục tiêu chiến lược của thành phố để phát triển thành đô thị thông minh. Đây là một tài liệu "sống" được tiếp tục điều chỉnh, cập nhật, bổ sung hàng năm dựa trên kết quả triển khai thực tế và những yếu tố mới xuất hiện nhằm đạt kết quả cao nhất.