Sáng 19/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Dịch vụ thứ 1.000 được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể “ngồi nhà” kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, láp ráp trong nước tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh).
Người dân chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe. Theo số liệu tổng hợp của Cảnh sát giao thông, khi triển khai toàn quốc, dịch vụ này sẽ phục vụ khoảng hơn 4 triệu trường hợp đăng ký xe trong một năm. Với việc áp dụng thí điểm tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu khoảng hơn 327 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, cũng trong dịp này, Cổng Dịch vụ công quốc gia ra mắt 2 dịch vụ công số 999 “Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động” và dịch vụ công thứ 998 “Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp”. Hai dịch vụ công này ước tính sẽ giúp xã hội tiết kiệm được 1.673 tỷ đồng chi phí mỗi năm.
Từ 08 nhóm dịch vụ công được tích hợp, cung cấp ở giai đoạn khai trương (09/12/2019), đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000.
Sau 9 tháng hoạt động, Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đã phục vụ gần 60 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ, với hơn 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trung bình mỗi ngày xử lý 4.000 hồ sơ trực tuyến, hàng trăm giao dịch thanh toán trực tuyến trên cổng.
Ước tính tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (tính tại thời điểm tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000) là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm.
“Đây chính là những tín hiệu tích cực cho thấy sự thông suốt, hiệu quả trong xây dựng, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia. Sự ủng hộ, chung tay, phối hợp, tham gia tích cực của các bộ ngành, địa phương, niềm tin của người dân, doanh nghiệp nhưng cũng chính là những yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là trong quá trình xây dựng doanh nghiệp, công dân điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định.
Cũng nhân dịp này, Văn phòng Chính phủ Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức khai trương, đi vào vận hành.
Đây là địa chỉ tin cậy cung cấp các nguồn thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng, thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Các thông tin, số liệu được cập nhật, thu thập từ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương và được phân tích và hiển thị trực quan trên các màn hình tại Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành dưới các dạng biểu đồ, đồ thị..., từ đó hỗ trợ đắc lực cho quá trình ban hành quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Những “con số biết nói” hiển thị tại Trung tâm cũng cho phép truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra chéo thông tin, dữ liệu báo cáo; giúp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương kiểm soát, đo lường hiệu quả hoạt động của cơ quan mình; lãnh đạo Chính phủ đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan.
Đến nay, đã có Hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ cho biết, chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ là khoảng 460 tỷ đồng/năm .