Người đại diện phần vốn nhà nước: Hết nhập nhèm, hết tư lợi

(ĐTCK) Ngày 5/2/2009, Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP. Có thể nói, nghị định này đã giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập về công tác quản lý người đại diện (NĐD) phần vốn nhà nước tại DN khác trong thời gian qua.

Điểm mới đầu tiên là quyền và nghĩa vụ của NĐD. Nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác, tránh tình trạng NĐD tuỳ tiện quyết định, hoặc không thực hiện đúng chỉ đạo của chủ sở hữu vốn đối với những vấn đề quan trọng của DN, Nghị định 09 đã bổ sung quy định: đối với những vấn đề quan trọng của DN được đưa ra thảo luận trong HĐQT, ban giám đốc, ĐHCĐ hay các thành viên góp vốn hoặc bên liên doanh, như phương hướng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, huy động thêm cổ phần, vốn góp, chia cổ tức…, NĐD phải chủ động báo cáo chủ sở hữu vốn cho ý kiến bằng văn bản, NĐD có trách nhiệm phát biểu trong cuộc họp và biểu quyết theo ý kiến chỉ đạo của chủ sở hữu.

Thứ hai là tiền lương, phụ cấp của NĐD. Điều 71 Luật Doanh nghiệp nhà nước quy định, công ty nhà nước quyết định khen thưởng, kỷ luật, phụ cấp và lợi ích khác có liên quan đối với NĐD khi NĐD được CTCP chi trả lương, phụ cấp, thưởng và lợi ích khác. Tuy nhiên, trong thực tế, có người được đại diện sở hữu vốn nhà nước ở nhiều công ty khác nhau theo chế độ kiêm nhiệm. Ngoài ra, hiện nay, nhiều NĐD được hưởng quyền lợi về tiền lương, phụ cấp ở tất cả các nơi làm đại diện, với mức thu nhập từ hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng/tháng. Điều này đã dẫn đến sự bất bình đẳng từ chính công ty cử đi làm đại diện và với các công ty nhà nước khác. Do đó, nghị định lần này đã sửa đổi lại quy định về tiền lương của NĐD theo hướng phân biệt giữa NĐD là thành viên chuyên trách hay kiêm nhiệm; bổ sung quy định về tiền thù lao do DN khác trả thì NĐD phải có trách nhiệm nộp về cho chủ sở hữu.

Thứ ba, về quyền lợi khác của NĐD. Trong giai đoạn TTCK phát triển sôi động, các CTCP đã thực hiện bán cổ phiếu cho người lao động theo chương trình lựa chọn, trong đó bao gồm cả NĐD phần vốn nhà nước. Điều đó dẫn đến thực tế, nhiều NĐD lợi dụng vị trí để tham gia chi phối hoặc ảnh hưởng đáng kể tới các quyết định của CTCP, tìm kiếm lợi ích riêng cho mình hoặc một nhóm người, trong đó có việc mua cổ phiếu với giá ưu đãi đặc biệt so với giá giao dịch trên thị trường.

Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù TTCK đang ảm đạm, nhưng trường hợp trên cũng làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhà nước trong CTCP, do làm giảm mức vốn nắm giữ của các cổ đông, trong đó có công ty nhà nước tại CTCP.

Nghị định 09 đã hạn chế những vấn đề trên, như NĐD khi được quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, trái phiếu chuyển đổi theo quyết định của CTCP (trừ trường hợp được mua theo quyền của cổ đông hiện hữu) thì phải báo cáo bằng văn bản cho chủ sở hữu vốn nhà nước. Chủ sở hữu sẽ quyết định bằng văn bản số lượng cổ phần NĐD được mua theo mức độ đóng góp và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người này; phần còn lại thuộc quyền mua của chủ sở hữu vốn nhà nước.

Trường hợp NĐD được cử làm đại diện phần vốn tại nhiều đơn vị thì được ưu tiên lựa chọn thực hiện quyền mua tại 1 đơn vị. NĐD tại CTCP có trách nhiệm chuyển phần quyền mua cổ phần còn lại cho chủ sở hữu vốn nhà nước. Trường hợp NĐD không báo cáo về việc được quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi tại CTCP thì bị xem xét miễn nhiệm tư cách đại diện phần vốn nhà nước tại DN khác và phải chuyển nhượng lại cho chủ sở hữu vốn nhà nước số cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi chênh lệch vượt quá mức được mua theo quy định.

Thứ tư, có một quy định mà nhiều công ty nhà nước rất ít để ý nên dẫn đến sai phạm khi cử NĐD phần vốn nhà nước tại DN khác, đó là tiêu chuẩn của NĐD phải là người của công ty cử đi (khoản 1, Điều 48 Quy chế kèm theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP). Rất nhiều trường hợp sử dụng luôn người tại DN khác làm NĐD như  chủ tịch HĐQT, giám đốc, kế toán trưởng... Do đó, nghị định lần này đã bỏ quy định trên và bổ sung thêm hai quy định đối với tiêu chuẩn NĐD là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý DN.

Để DN có vốn đầu tư của công ty nhà nước hoạt động đúng mục tiêu, định hướng và kế hoạch kinh doanh thì vai trò của NĐD phần vốn nhà nước là rất quan trọng, NĐD vừa là người giám sát, vừa trực tiếp chấn chỉnh hoạt động của DN để đảm bảo hiệu quả hoạt động đầu tư của công ty nhà nước. Chính vì vậy, có thể nói, với việc Nghị định 09 được triển khai trên thực tế, trách nhiệm và quyền lợi của NĐD sẽ rõ ràng hơn, tránh những nhập nhèm mà phần thiệt hại chủ yếu do Nhà nước và các cổ đông bên ngoài CTCP phải gánh chịu.