Theo Bộ Tư pháp, Quốc hội khóa XI thông qua Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác trợ giúp pháp lý phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng.
Trong 9 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2007 đến hết năm 2015, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã giải quyết 1.055.294 vụ việc với 1.130.609 lượt người được trợ giúp pháp lý, trong đó có 61.120 vụ việc tham gia tố tụng, 982.442 vụ việc tư vấn pháp luật (tư vấn pháp luật thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động là 499.495 vụ), 11.732 vụ việc khác.
Hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã được hình thành trên toàn quốc với 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) trực thuộc Sở Tư pháp, 202 Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh) ở cấp huyện và liên huyện, 364 tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý được củng cố với 595 Trợ giúp viên pháp lý, 1.239 cộng tác viên trợ giúp pháp lý là luật sư, 10.632 cộng tác viên khác tham gia trợ giúp pháp lý.
Xuất phát từ nguyên tắc trợ giúp pháp lý được thực hiện cho những người không có khả năng tài chính thuê luật sư và nhằm bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật, đồng thời tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, người có công với cách mạng, dân tộc và chính sách an sinh khác, quy định về người được trợ giúp pháp lý trong Luật này được thiết kế theo hướng:
Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 người được trợ giúp pháp lý bao gồm: Người thuộc hộ nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.
Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung các đối tượng được trợ giúp pháp lý trong các luật ban hành sau Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Nghị định hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành bao gồm: nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; trẻ em bị buộc tội; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội.
Đồng thời, bổ sung mới một số đối tượng chưa được pháp luật hiện hành quy định bao gồm: Người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.
Theo Bộ Tư pháp, việc lựa chọn những người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 đã có sự cân nhắc kỹ bảo đảm phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trên cơ sở cân đối nguồn lực về con người và ngân sách, nhằm mục tiêu trợ giúp pháp lý được cung cấp cho những người thực sự có nhu cầu nhưng không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý, bảo đảm tính khả thi của pháp luật khi được ban hành. Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về người có “hoàn cảnh khó khăn về tài chính” tại Nghị định cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ phát triển của đất nước.