Cũng liên quan đến vấn đề huy động vốn của DNNN, Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vừa thống nhất quan điểm không đưa nợ của DNNN vào đối tượng điều chỉnh của Luật quản lý nợ công. Lý do là Chính phủ (Bộ Tài chính) không thể và cũng không có khả năng xét duyệt từng khoản vay cụ thể của DNNN, nên không thể chịu trách nhiệm trong việc trả nợ thay nếu DNNN không trả được nợ. Nếu đưa nợ của DNNN vào đối tượng điều chỉnh của Luật quản lý nợ công thì khi phá sản, Bộ Tài chính phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho DN sẽ tạo ra gánh nặng cho ngân sách, không những thế còn không công bằng vì DN thuộc các thành phần kinh tế khác không được hưởng chính sách này.
Hiện nay, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính xây dựng Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực. Luật này sẽ được chúng tôi xây dựng theo hướng tiếp tục hoàn thiện, nâng cao Nghị định 09/2009, trong đó có việc quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của HĐQT, ban giám đốc của DNNN trong việc vay nợ, trả nợ trên tinh thần tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Nếu DNNN bị phá sản, giải thể thì xử lý theo Luật phá sản, sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí như trả lương cho người lao động, đóng thuế và các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước… còn lại mới trả cho các chủ nợ. Có nghĩa là người cho vay hoặc mua trái phiếu do DNNN phát hành phải chịu rủi ro nếu DNNN bị giải thể, phá sản, Nhà nước không đứng ra trả nợ thay DN.