Có hai phần trong Hiến pháp Mỹ đang trở nên đặc biệt quan trọng ở Washington vào thời điểm này.
Đầu tiên là Khoản 4, Điều II, quy định tổng thống, phó tổng thống và mọi công chức đều có thể bị cách chức nếu bị xem xét bãi nhiệm với tội danh phản quốc, hối lộ hoặc phạm các trọng tội và hành vi sai trái khác.
Trong khi đó, Khoản 3, Điều I nêu rõ Thượng viện là nơi duy nhất có quyền xét xử bãi nhiệm tổng thống.
Khi tổng thống Mỹ bị xét xử, chánh án Tòa án Tối cao sẽ chủ tọa và sẽ không ai bị kết án nếu 2/3 thành viên Thượng viện không đồng ý.
Hiểu đơn giản, tổng thống có thể bị xem xét bãi nhiệm trong phiên tòa được tổ chức tại Thượng viện.
Nếu 2/3 thành viên thượng viện chọn kết tội, tổng thống sẽ bị loại khỏi chiếc ghế ở Nhà Trắng. Toàn bộ quy trình này diễn ra dưới sự chủ trì của John G. Roberts Jr, chánh án Tòa án Tối cao Mỹ.
Vai trò lâu nay của Chánh án Roberts là chủ trì, giám sát các quá trình tố tụng. Nhưng điều này không có nhiều ý nghĩa tại phiên tòa xem xét bãi nhiệm tổng thống.
Thực tế, đây hoàn toàn là một quá trình chính trị được quyết định bởi đảng chiếm đa số tại Thượng viện.
Khi cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm Trump bắt đầu nhen nhóm hồi tháng 9 năm ngoái, Washington Post đã phỏng vấn các chuyên gia để đánh giá về quyền hạn của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell khi tiến hành quá trình xét xử.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng McConnell có quyền hạn rất lớn, thậm chí có thể chấm dứt phiên xử ngay khi nó bắt đầu, dù không phải là chủ tọa phiên tòa.
Hôm 20/1, McConnell đã đề xuất những quy định tại phiên tòa xét xử bãi nhiệm Trump, hạn chế các tuyên bố mở đầu và những bằng chứng có thể được trình lên Thượng viện.
Hành động của McConnell lập tức khơi dậy một làn sóng phản đối và đặt ra câu hỏi Chánh án Roberts thực sự có vai trò giám sát và kiểm soát đến đâu trong vai trò người "cầm cân nảy mực".
"Hiến pháp Mỹ không đề cập tới những điều mà chúng ta muốn biết, cụ thể là quyền 'chủ tọa' có ý nghĩa gì", Louis Michael Seidman, giáo sư luật Hiến pháp tại Đại học Luật Georgetown, cho hay.
Ông lưu ý trong hai phiên xét xử bãi nhiệm trước đây của tổng thống Andrew Johnson năm 1868 và tổng thống Bill Clinton năm 1999, hai chánh án tối cao có cách xử lý khác nhau.
"Trong phiên xét xử Johnson, Chánh án (Salmon P.) Chase đóng một vai trò khá chủ động", Seidman nhận xét. "Ông đã bỏ phiếu quyết định trong một số trường hợp, khi các thượng nghị sĩ bất đồng quan điểm, đồng thời chủ động chỉ đạo phiên tòa. Trong phiên xử Clinton, Chánh án (William H.) Rehnquist lại hầu như không làm gì cả".
Chưa rõ Chánh án Roberts sẽ thể hiện vai trò ra sao trong phiên xét xử Trump. Nhưng Seidman cho rằng trong trường hợp không có hướng dẫn cụ thể trong Hiến pháp, ông có thể giúp điều chỉnh cách phiên tòa diễn ra.
"Ông ấy cũng có thể ra một số hành động, chẳng hạn phản đối lời khai hay lập luận tại phiên tòa, thừa nhận hoặc phủ nhận bằng chứng và nhân chứng cùng nhiều vấn đề khác", Seidman viết. "Dù vậy, ông cũng có thể bị đa số thượng nghị sĩ phủ quyết".
Theo Seidman, Roberts là một chánh án có quan điểm bảo thủ và không muốn thể hiện rằng Tòa án Tối cao có tính đảng phái, vậy nên, có rất ít khả năng ông sẽ đưa ra những quyết định gây ảnh hưởng lớn tới quá trình xét xử bãi nhiệm Trump.
"Nếu phe Dân chủ nghĩ ông ấy sẽ can thiệp và đứng về phía họ thì họ đang tự đùa với chính mình", Seidman cho biết.