Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe  ở sân bay Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, hôm 27/1. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe ở sân bay Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, hôm 27/1. Ảnh: Reuters.

Người bình phục vẫn có nguy cơ tái nhiễm nCoV

Các chuyên gia của Ủy ban Y tế Trung Quốc hôm 31/1 cảnh báo bệnh nhân đã hồi phục sau khi nhiễm nCoV có thể bị nhiễm loại virus này lần nữa.

Zhan Qingyuan, giám đốc phòng ngừa và điều trị viêm phổi ở Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật, người đứng đầu nhóm chuyên gia về nCoV, cảnh báo ngay cả những người khỏi bệnh cũng có thể không miễn nhiễm với virus.

"Vẫn có nguy cơ tái nhiễm đối với bệnh nhân đã hồi phục. Cơ thể họ sẽ sản sinh kháng thể. Tuy nhiên, ở một số cá nhân, kháng thể không tồn tại lâu dài", ông Zhan cho biết.

Ông Zhan khuyến cáo các bệnh nhân xuất viện cần chủ động nâng cao phòng bị, cải thiện sức khỏe và tránh nhiễm lạnh. Chuyên gia người Trung Quốc cũng đề nghị bệnh nhân đã hồi phục tiến hành kiểm tra định kỳ theo yêu cầu của bác sỹ.

Họ virus corona bao gồm những virus gây ra cảm lạnh thông thường, dịch SARS và MERS. Phần lớn virus corona có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp trên từ nhẹ tới vừa và lây lan từ động vật sang người. Khi virus xâm nhập vào cơ thể người, chúng sẽ tìm cách bám vào và xâm chiếm tế bào vật chủ. Để đối phó, hệ miễn dịch của chúng ta tạo ra kháng thể là các protein nhận dạng và loại bỏ virus. Đó là cách con người trở nên miễn dịch với một số loại bệnh như đậu mùa. Vắcxin cũng là biện pháp khác để phát triển tính miễn dịch.

"Với nhiều bệnh truyền nhiễm, con người có thể phát triển miễn dịch chống lại một chủng cụ thể sau khi nhiễm virus. Thông thường, người đó sẽ không tái nhiễm trong lần tiếp theo tiếp xúc với mầm bệnh. Trong trường hợp chủng virus corona mới, các nhà khoa học đang tìm cách giải đáp vấn đề này", Amira Roess, giáo sư Y tế và Dịch tễ Toàn cầu ở Đại học George Mason, chia sẻ.

Các bác sỹ và nhà virus học chưa biết rõ về nCoV để kết luận con người có phát triển miễn dịch đầy đủ sau khi nhiễm bệnh hay không.

Theo Zhan, giới nghiên cứu không chắc chắn liệu kháng thể do cơ thể bệnh nhân sản sinh có đủ mạnh hoặc tồn tại đủ lâu để ngăn họ nhiễm bệnh lần nữa. nCoV cũng có thể đột biến nhanh chóng, do đó miễn dịch với một chủng không đảm bảo hiệu quả với chủng khác.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO tuyên bố dịch hô hấp do nCoV là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hôm 30/1. Tính đến ngày 4/2, số người chết vì dịch viêm phổi cấp do virus corona tăng lên 426, chủ yếu ở Trung Quốc, người nhiễm bệnh cũng tăng lên 20.622. Hôm 2/2, Ủy ban Y tế Trung Quốc thông báo 475 bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và xuất hiện.

Các nhà chức trách cho rằng nCoV có thể truyền từ động vật sang người ở chợ hải sản Vũ Hán bán động vật hoang dã. SARS cũng lây nhiễm sang người ở một chợ buôn động vật Trung Quốc. Số ca nhiễm nCoV được ghi nhận ở 24 nước ngoài Trung Quốc.

Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng khuyến cáo người dân không nên hoảng loạn, chủ động tiến hành những biện pháp phòng ngừa hàng ngày để giảm nguy cơ nhiễm bệnh như tăng cường rửa tay, đeo khẩu trang và hạn chế chạm vào mặt.

Tin bài liên quan