Theo bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, đậu nành (hay còn gọi là đậu tương) là một thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào nói rằng ăn đậu nành gây ung thư hoặc ăn đậu nành giúp tránh ung thư.
Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy người Nhật Bản và Trung Quốc, nơi thường xuyên sử dụng đậu nành, có nguy cơ mắc ung thư vú, buồng trứng và tuyến tiền liệt và những bệnh liên quan đến hormone thấp hơn.
Đậu nành là một nguồn cung cấp protein có giá trị sinh học cao, chất xơ, kali và acid folic chất lượng cao. Nó cũng là nguồn cung cấp protein tốt, nhưng đậu nành lại không chứa cholesterol (do có nguồn gốc thực vật) và là nguồn cung cấp acid béo thiết yếu. Do đó sử dụng đậu nành rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Tuy nhiên, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành gây ra nhiều tranh cãi vì trong đậu nành có chứa chất có tên là “phytoestrogen”, hay còn gọi là estrogen thực vật. Ở người, estrogen là một hormone. Mối lo ngại rằng phytoestrogen gây ung thư liên quan đến hormone xuất phát từ nghiên cứu được thực hiện trên ống nghiệm và động vật.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy quan điểm đó là không khoa học. Việc sử dụng ở mức độ trung bình từ 2-3 đơn vị còn mang lại lợi ích cho một số bệnh ung thư. Bởi vậy, bệnh nhân ung thư vú không phải kiêng các thực phẩm này mà nên lựa chọn để chế độ ăn của mình đa dạng, phong phú hơn.
Một nghiên cứu được công bố vừa qua trên tạp chí Cancer gần đây , một lần nữa khẳng định, đậu nành không những không gây bất lợi cho bệnh nhân ung thư vú mà thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích cho những bệnh nhân này.
Đậu nành cũng là một loại thực phẩm. Người dân cần tuân thủ nguyên tắc vàng “đa dạng thực phẩm” để đạt hiệu quả tối ưu với sức khỏe.
Hạt đậu nành chứa: 8% nước, 5% chất vô cơ, 15-25% glucose, 15-20% chất béo, 35-45% chất đạm với đủ các loại amino acid cần thiết (isoleucin, lysin, metionin, pheny lalanin, tryptophan, valin) và nhiều sinh tố, khoáng chất, Ca, Fe, Mg, P, K, Na, S, các vitamin A, B1, B2, D, E, F, các enzyme, sáp, nhựa, cellulose.
Vì có nhiều chất đạm nên đậu nành đã được coi như “thịt không xương” ở nhiều quốc gia Á Châu. Nó là nguồn cung cấp đạm rất tốt để thay thế cho thịt động vật vì có ít mỡ và cholesterol. Đậu nành có nhiều đạm hơn thịt, nhiều canxi hơn sữa bò, nhiều lecithin hơn trứng. Các amino acid cần thiết mà cơ thể không tạo ra được đều có trong đậu nành.
Thành phần dinh dưỡng của sữa đậu có nhiều điểm tương tự với sữa bò. Sữa đậu nành có lượng protein cao gần bằng sữa bò, nhưng nhiều canxi hơn sữa bò. Sữa đậu nành có ưu điểm là không có lactose, có thể thay thế sữa bò cho những người bị dễ bị đau bụng do lactose. Sữa đậu nành cũng chứa ít chất béo bão hòa hơn sữa bò, có thể có lợi cho tim mạch hơn.
Bệnh nhân điều trị ung thư nên có chế độ ăn tự nguyện và chọn các món ăn, thực phẩm theo sở thích của bệnh nhân, tuy nhiên cần đảm bảo tính cân đối của bữa ăn dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng.