Ngừng hoạt động từ nhiều năm, Vinaxuki Thanh Hóa vẫn nợ nần dai dẳng

Ngừng hoạt động từ nhiều năm, Vinaxuki Thanh Hóa vẫn nợ nần dai dẳng

(ĐTCK) Vinaxuki ngừng hoạt động từ nhiều năm nay. Nhưng trách nhiệm pháp lý liên quan nợ nần chưa chấm dứt.

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết vụ kiện đòi nợ đối với Công ty TNHH MTV Ô tô Việt Nam Thanh Hóa (Vinaxuki Thanh Hóa), công ty con của CTCP Ô tô Xuân Kiên Việt Nam.

Theo đơn khởi kiện, từ cuối năm 2009, Vinaxuki Thanh Hóa bắt đầu có quan hệ tín dụng với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Vinaxuki Thanh Hóa vay tiền để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô. Do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, mất cân đối tài chính, Công ty không thể trả nợ đúng hạn.

Vinaxuki Thanh Hóa có 3 hợp đồng tín dụng với VCB, hợp đồng lớn nhất hạn mức 150 tỷ đồng, đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Song Lộc (Thanh Hóa) và nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng Việt Nam.

Ngoài ra, còn một hợp đồng tín dụng 11,7 tỷ đồng nhằm thanh toán tiền nhập thép cuộn, thép không gỉ, săm lốp để phục vụ kinh doanh và một hợp đồng tín dụng 15 tỷ đồng nhằm thanh toán chi phí phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô.

Tính đến tháng 4/2019, Vinaxuki Thanh Hóa còn nợ VCB 97,9 tỷ đồng nợ gốc, hơn 90 tỷ đồng nợ lãi.

Khoản vay được thế chấp bằng tài sản hình thành trên đất tại Nhà máy của CTCP Ô tô Xuân Kiên Việt Nam tại xã Tiền Phong, Mê Linh, Vĩnh Phúc, tài sản gắn liền với đất tại Nhà máy ô tô tại Thanh Hóa và hàng loạt máy móc thiết bị, trung tâm gia công cơ, gia công kim loại phục vụ sản xuất ô tô.

Tại phiên tòa, Vinaxuki Thanh Hóa chỉ đồng ý với 97 tỷ đồng nợ gốc. Có 64 tỷ đồng nợ lãi trong hạn và 7 tỷ đồng nợ lãi quá hạn, Công ty không đồng ý vì cho rằng VCB không thực hiện đúng chính sách Nhà nước, không cho công ty vay vốn để phục hồi sản xuất, không hỗ trợ lãi suất dẫn đến doanh nghiệp không có khả năng phục hồi.

Doanh nghiệp này đồng ý để VCB xử lý các tài sản thế chấp và sau đó xóa nợ cho Công ty theo thỏa thuận hai bên từ năm 2015.

Vụ kiện tưởng như đơn giản vì khách hàng đã chấp nhận xử lý tài sản thế chấp. Tuy nhiên, Viện KSND huyện Hậu Lộc có kháng nghị vì Tòa án mới chỉ xem xét tại chỗ đối với một phần tài sản thế chấp và việc áp dụng quy định về lãi, lãi suất, phạt vi phạm chưa chính xác.

Ngoài ra, Vinaxuki Thanh Hóa cũng kháng cáo vì cho rằng, việc tính lãi không phù hợp.

Được biết, có một số tài sản thế chấp theo 2 hợp đồng bao gồm trung tâm gia công khuôn xốp, hệ thống máy nghiền đá...; các loại máy hàn, nén khí, dây chuyền lắp rắp, kiểm định... phục vụ sản xuất ô tô chưa được thẩm định đầy đủ. Do đó, không rõ các tài sản này còn hay không.

Trước kháng nghị này, VCB xin rút yêu cầu kê biên các tài sản chưa được thẩm định.

Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu này của VCB. Với kháng cáo lãi suất của bị đơn, Tòa án cho rằng ngân hàng đã áp dụng đúng các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng, đã hỗ trợ lãi suất theo đúng chủ trương của Nhà nước.

Bản án phúc thẩm tuyên buộc Vinaxuki Thanh Hóa phải trả cho VCB 187,9 tỷ đồng. VCB được quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. 

Tin bài liên quan