Phiên thảo luận về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Siết quy định điều chỉnh cục bộ
Trình Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, trên cơ sở triển khai quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch năm 2017, Dự án Luật đề xuất kế thừa và hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và quy định về quy hoạch xây dựng (gồm quy hoạch nông thôn, khu chức năng) tại Chương II, Luật Xây dựng vào một luật với tên gọi là Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Việc này để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, làm cơ sở quy hoạch phát triển gắn kết đô thị và nông thôn theo định hướng của Đảng, Nhà nước. Phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là: “Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh; tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn. Tổ chức thực hiện, quản lý phát triển đô thị và nông thôn không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”.
Được thiết kế với 5 chương, 61 điều, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn (Dự thảo) tập trung vào 3 chính sách lớn, hoàn thiện các quy định hệ thống quy hoạch; về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch; về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác.
Trong những điểm mới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Dự thảo đã bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Cụ thể, Dự thảo đề xuất quy định phải rà soát quy hoạch trước khi thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đồng thời đáp ứng các căn cứ, điều kiện điều chỉnh như không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng của khu vực điều chỉnh; có đánh giá về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tác động tiêu cực của việc điều chỉnh và đề xuất giải pháp, biện pháp thực hiện đảm bảo tuân thủ, phù hợp với quy hoạch cấp trên, quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan...
Tại báo cáo đánh giá tác động, Bộ Xây dựng cho rằng, đối với điều chỉnh quy hoạch, việc tiếp tục thực hiện theo chính sách hiện tại dẫn đến không kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý và triển khai đầu tư xây dựng tại khu vực nông thôn. Việc không rà soát, đánh giá kịp thời, đầy đủ tình hình triển khai thực hiện quy hoạch sẽ dẫn tới việc điều chỉnh quy hoạch không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, gây ảnh hưởng tới hiệu quả, hiệu lực của công tác quy hoạch. Việc quy định về điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là điều chỉnh cục bộ chưa rõ ràng, chặt chẽ có thể dẫn tới các lợi ích nhóm như điều chỉnh quy hoạch khi đã triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kéo dài thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng...
Những bổ sung, sửa đổi quy định về điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là điều chỉnh cục bộ tại Dự thảo được đánh giá là sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế các lợi ích nhóm trong triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Theo đó, Dự thảo quy định, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và nông thôn được tiến hành khi nội dung dự kiến điều chỉnh không làm thay đổi tính chất, chức năng, phạm vi ranh giới và các giải pháp quy hoạch chính của khu vực đã được lập, phê duyệt quy hoạch; bảo đảm không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch.
Công khai thông tin để dân phát hiện
Cung cấp đầy đủ thông tin thì sẽ hạn chế tiêu cực
Tôi thống nhất cao với việc cần phải minh bạch hóa và quy định rất rõ ràng vấn đề tiếp cận thông tin đối với quy hoạch. Đây là vấn đề người dân rất quan tâm và là cơ sở để có thể triển khai các hoạt động quản lý phát triển đô thị và đảm bảo phòng ngừa tiêu cực, vì khi chúng ta cung cấp đầy đủ thông tin, thì sẽ hạn chế được cơ chế xin cho hoặc những tiêu cực có thể có trong quản lý, phát triển đô thị. Luật Tiếp cận thông tin và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có quy định rất cụ thể về việc công bố công khai thông tin liên quan đến các loại quy hoạch, khi nào phải công bố, hình thức công bố thế nào, phương thức ra sao. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ để thống nhất với quy định của hai luật này.
- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Bên cạnh điều chỉnh quy hoạch, nguy cơ cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ còn cần được ngăn chặn ở khâu huy động các nguồn lực để hỗ trợ hoạt động quy hoạch.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, pháp luật về quy hoạch đô thị đã quy định: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch xây dựng”. Tuy nhiên, cách thức tiếp nhận kinh phí tài trợ, sử dụng kinh phí tài trợ chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể, dẫn tới còn lúng túng trong thực hiện.
Dự thảo đặt mục tiêu tạo hành lang pháp luật để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ cho hoạt động quy hoạch, đảm bảo sử dụng đa dạng nguồn kinh phí hợp pháp cho công tác lập quy hoạch, nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt.
Giải pháp là sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về kinh phí cho hoạt động quy hoạch theo hướng cho phép sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài nguồn vốn đầu tư công; quy định cụ thể về cách thức tiếp nhận, sử dụng kinh phí tài trợ quy hoạch.
Cơ bản tán thành việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ hoạt động quy hoạch, song Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc huy động và sử dụng các nguồn lực cần được quy định chặt chẽ để tránh nguy cơ thông qua hỗ trợ quy hoạch để tác động chính sách, “cài cắm” lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Ông Cường đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về việc công bố công khai, minh bạch thông tin của tổ chức, cá nhân hỗ trợ, cơ quan, đơn vị tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ và việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ.
“Công bố thông tin của cơ quan, đơn vị hỗ trợ để sau này có liên quan đến việc cài cắm thì người dân sẽ phát hiện ra ngay. Nếu không, sẽ có thực tế ở địa phương, một số doanh nghiệp muốn tài trợ cho quy hoạch, nên nếu không công bố thông tin, sau đó người ta cài cắm các lợi ích, sẽ rất mệt. Dự thảo cần thiết phải có xã hội hóa nguồn lực nhưng cũng cần phải công bố rộng rãi việc này”, ông Cường nêu quan điểm.
Tổng thư ký Quốc hội cũng lưu ý, Điều 14 quy định, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan quyết định hoặc trình Thủ tướng quyết định việc tiếp nhận và quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài.
“Đề nghị làm rõ cơ quan liên quan có thẩm quyền quyết định tiếp nhận, sử dụng nguồn hỗ trợ là cơ quan nào, trường hợp nào thì được quyết định, trường hợp nào thì cần phải trình Thủ tướng quyết định việc tiếp nhận để đảm bảo chặt chẽ, khả thi khi luật có hiệu lực thi hành”, ông Cường góp ý.
Mỗi khi nói đến quy hoạch, dù giám sát hay xây dựng luật, nguy cơ cài cắm lợi ích đều nằm trong nỗi lo của không ít đại biểu Quốc hội. Bởi vậy, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, một trong những nội dung theo Thường trực Ủy ban Kinh tế cần đặc biệt nhấn mạnh là, kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế xin - cho, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “treo”, chậm triển khai thực hiện trên thực tế.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ bảy, dự kiến khai mạc ngày 20/5 tới.