Trở lại tháng 8, thời điểm Nga phản ứng với các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng một danh sách dài các thực phẩm bị cấm nhập khẩu. Lệnh cấm đã gây ra vấn đề cho tất cả các nước liên quan, từ việc tăng giá ở Nga đến việc dư thừa sản lượng ở phương Tây, làm trầm trọng thêm áp lực giảm phát nơi đây.
Nghề cá là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nga là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nhà sản xuất cá hồi ở Na Uy, một nước không thuộc Liên minh châu Âu, nhưng cũng bị Nga trả đũa do tham gia phạt nước này. Trong tháng 8, xuất khẩu hải sản của Na Uy sang Nga đã giảm 82% so với cùng kỳ năm trước. Những ngư dân “láu cá” của Na Uy có vẻ như đã tìm cách gián tiếp xuất khẩu phần nào đó sang Nga qua Belarus, nước có tham gia vào một liên minh thuế quan với Nga. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế đã gây ảnh hưởng đến giá cá. Tại Nga, giá thực phẩm này đã tăng 14% trong tháng 9 so với 1 năm trước đó. Còn ở Na Uy, giá cá hồi đã giảm mạnh.
Biểu đồ giá cá hồi Na Uy
Trong khi đó, những nước chọn cách đứng ngoài cuộc chơi trừng phạt đang trở thành “ngư ông đắc lợi”. Hãy xem xét trường hợp của quần đảo Faroe, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch với dân số 50.000 người. Mặc dù là một phần của thành viên EU Đan Mạch, do Đan Mạch đảm nhận quốc phòng, cảnh sát, chính sách tiền tệ và đối ngoại, nhưng Faroe độc lập với EU do chính quyền tự trị nơi đây không đồng ý với chính sách nghề cá chung của khối. Vì thế, Faroe không liên quan đến quyết định của Đan Mạch trong việc tham gia vào các biện pháp trừng phạt Nga.
“Tôi phải có trách nhiệm với người dân của mình và tôi không tin vào sự tẩy chay”, Thủ tướng Kaj Leo Holm Johannesen của Faroe cho biết. Ông Johannesen hiểu những gì mình nói. Năm ngoái, EU đã áp dụng một cuộc tẩy chay với Faroe, vì quần đảo này chống lại các hạn ngạch đánh bắt hải sản, bằng cách cấm các tàu cá Faroe đến các cảng của châu Âu. Lệnh cấm này chỉ mới được bãi bỏ hồi tháng 8.
Người Faroe, cũng như các cư dân trên Băng Đảo và Chi Lê xa xôi, hiện đang nhận được các đơn đặt hàng từ Nga nhiều hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đây do các lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU của Nga. Giám đốc điều hành một trong những công ty hải sản lớn nhất của Faroe, Bakkafrost, ước tính, sản lượng xuất khẩu vào Nga của Công ty sẽ tăng gấp ba.
Ngày nay, nếu các chính trị gia hành động làm gián đoạn các dòng chảy thương mại, việc đó cũng ảnh hưởng đến bản thân nước họ.
Các nhà sản xuất thực phẩm châu Âu sẽ thay đổi về mặt địa lý thị trường xuất khẩu. Các nhà nhập khẩu Nga cũng sẽ tìm kiếm nguồn thay thế từ nơi khác. Khi các mối quan hệ mới được thiết lập, giá sẽ ổn định trở lại, mặc dù có thể không giống như trước. Các dòng chảy tài chính khó thay đổi hơn, nhưng như Silvia Merler, cố vấn của Brussels đã nhấn mạnh gần đây, Nga đã chuyển hướng sang Trung Quốc khi các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây khiến các công ty Nga không thể vay mượn tiền ở châu Âu và Mỹ. Theo một ngạn ngữ của Faroe, “con chuột nghèo thì chỉ có một cái lỗ”.
Khi các sợi dây kinh tế được nối lại, vết hằn của các biện pháp trừng phạt, không phải là không thể chịu được với cả hai bên ngay cả ở thời điểm hiện tại, sẽ khó mà mất hẳn. Ukraine sẽ đạt được một thỏa thuận với Nga để cả hai nước còn tiếp tục hướng về tương lai tốt đẹp hơn. Chỉ không khí ngờ vực và vị đắng quan hệ còn đọng lại. Cả Nga và phương Tây sẽ tự hỏi, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau rốt cuộc đã giúp được gì.
Chỉ các ngư dân trên đảo Faroe là không có gì phải hối tiếc. Cổ phiếu của Bakkafrost vẫn đang tăng giá.
Biểu đồ giá cổ phiếu Bakkafrost