5 năm trở lại đây, doanh nghiệp trong nước đã rất nỗ lực tái cấu trúc để tồn tại và vượt qua khủng hoảng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động. Một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp triển khai là M&A.
Đây cũng chính là cơ hội để những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh sở hữu những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt. Giá trị thị trường M&A vì thế tăng trưởng liên tục, lần lượt cán mốc 1 tỷ USD đến 5 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã tận dụng cơ hội, với chiến lược M&A phù hợp, trở thành những tập đoàn mạnh, kinh doanh đa ngành như Vingroup, Masan...
Thông qua M&A, Masan liên tục bổ sung thêm nhiều ngành hàng mới, bên cạnh mì ăn liền, nước chấm, như cà phê (với việc thâu tóm Vinacafe Biên Hòa), nước giải khát (mua Nước khoáng Vĩnh Hảo), bia (mua Bia Phú Yên, với thương hiệu bia Sư Tử Trắng), thức ăn gia súc (mua cổ phần chi phối của Proconco và Anco) và mới đây, doanh nghiệp này đã bỏ ra 1.427 tỷ đồng để sở hữu 14% vốn của Vissan, doanh nghiệp hàng đầu trong nước trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Trong giai đoạn này, thị trường M&A Việt Nam cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài nhằm huy động nguồn tài chính lớn, tiếp thu những kinh nghiệm quản trị tiên tiến từ cổ đông chiến lược nước ngoài để nâng tầm hoạt động. Điển hình là thương vụ Vietcombank bán cổ phần cho đối tác Mizuho, Vietinbank bán cổ phần cho đối tác chiến lược Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ…
Ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là có sức hút lớn nhất với các nhà đầu tư, bởi Việt Nam là thị trường có quy mô gần trăm triệu dân, nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng tăng lên cùng với việc thu nhập bình quân đầu người được cải thiện. Nhà đầu tư có xu hướng M&A để mở rộng chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường.
Các doanh nghiệp bị mua là các doanh nghiệp đã có thương hiệu, có thị trường, như hãng bia Carlsberg bỏ ra 93 triệu USD để mua lại 50% cổ phần của Bia Huda Huế; Unicham mua 95% cổ phần của Diana; hay Masan mua lại Vinacafe, Nước khoáng Vĩnh Hảo… Theo nghiên cứu của MAF, đến năm 2015, tổng giá trị các thương vụ M&A trong lĩnh vực hàng tiêu dùng chiếm tới 36% tổng giá trị toàn thị trường.
Trong lĩnh vực bán lẻ, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám như Berli Jucker (BJC - Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam; Central Group mua lại 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim; Vingroup nhận chuyển nhượng 100% cổ phần tại CTCP Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group)…
Bên cạnh lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, hoạt động M&A diễn ra khá sôi nổi trên thị trường tài chính - ngân hàng. Thị trường M&A Việt Nam đang thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và một số nước ASEAN. Trong đó, Nhật Bản hiện đang là quốc gia dẫn đầu về số lượng giao dịch cũng như giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam. Các giao dịch có giá trị lớn như: Vietinbank bán 20% cổ phần trị giá 743 triệu USD cho Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Vietcombank bán 15% cổ phần trị giá 567,3 triệu USD cho Mizuho; Sumitomo mua cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt; Tập đoàn Daiichi mua cổ phần của Bảo Minh…
Trong giai đoạn tái cấu trúc ngành ngân hàng vừa qua, M&A cũng được xem là giải pháp hữu hiệu để xử lý các ngân hàng yếu kém, thu gọn số lượng ngân hàng hoạt động trên thị trường để nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng.
Sau thương vụ hợp nhất giữa SCB – Tín Nghĩa - Đệ Nhất, Habubank sáp nhập vào SHB, thị trường đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A khác trong ngành ngân hàng, như PVFC hợp nhất với Ngân hàng Phương Tây, DaiA Bank sáp nhập vào HDBank, Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank, Mekong Bank sáp nhập vào Maritime Bank (năm 2015), hay gần đây là VietinBank nhận sáp nhập PGBank. Thông qua M&A, ngân hàng có thể rút ngắn con đường vươn tầm thành ngân hàng khu vực, nhờ tận dụng được mạng lưới chi nhánh, khách hàng có sẵn của ngân hàng bị sáp nhập.
Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế, với hai trụ cột chính là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước (gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn đầu tư ngoài ngành) thực sự đã mở ra cơ hội cho sự phát triển sôi động của thị trường M&A.
Trong suốt 2 năm vừa qua, thông qua hoạt động đấu giá cổ phần trên các sở giao dịch chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ thâu tóm được các doanh nghiệp đầu ngành, có tiềm năng phát triển và đặc biệt là sở hữu được những khu đất vàng. Trong số đó, có thể kể đến những cái tên nổi bật như Vingroup, BRG, Geleximco, TNG…
Trải qua một giai đoạn hình thành và phát triển, thị trường M&A Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển có chiều sâu. Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước đã sẵn sàng hơn trong việc rộng cửa đón các cổ đông chiến lược. Góc nhìn của lãnh đạo các doanh nghiệp hiện tại đã có độ mở tương đối lớn khi xác định “Chiến lược đúng đắn nhất là chọn đúng thời điểm doanh nghiệp ở đỉnh của đồ thị phát triển hình sin để thoái vốn” và các nhà đầu tư ngày càng có chiến lược thâu tóm bài bản, với những mục tiêu rõ ràng hơn.
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico
Trải qua giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động M&A tại Việt Nam phát triển hơn bao giờ hết và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhờ các yếu tố pháp lý từng cản trở quá trình M&A dần trở nên thông thoáng hơn, nhiều thương vụ sáp nhập, hợp nhất đã được thực hiện giữa các định chế tài chính cả trong và ngoài nước.
Trong 2 năm trở lại đây, hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ nhất tại lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán và hàng tiêu dùng.
Trong lĩnh vực ngân hàng - bảo hiểm, có thể kể đến một số thương vụ mua bán cổ phần giữa Vietcombank - Mizuho, Vietinbank - Mitsubishi Bank, Sumitomo mua cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Daiichi mua lại Bảo Minh…
Tại lĩnh vực chứng khoán, các cuộc chuyển nhượng vốn đầu tư giữa các cổ đông lớn diễn ra thường xuyên, tuy nhiên hoạt động tái cấu trúc theo hướng hợp nhất, sáp nhập mới xuất hiện gần đây. Từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường chứng kiến thương vụ hợp nhất đầu tiên giữa CTCK MB và CTCK VIT, năm 2014 là CTCK Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), CTCK Hải Phòng (HPC).
Về xu hướng sắp tới, tôi cho rằng, thị trường M&A sẽ vẫn tiếp tục sôi động, bởi xu hướng đầu tư đang chuyển dịch từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang đầu tư gián tiếp qua M&A. Hơn nữa, bối cảnh trong nước cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có mức định giá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi cho rằng, các ngành chủ chốt của Việt Nam như ngân hàng, hàng tiêu dùng, bất động sản, vật liệu xây dựng, dược phẩm sẽ tiếp tục là tâm điểm của làn sóng M&A.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dù đặt trong bối cảnh được nhiều người nhắc tới là “không gian kinh tế mở”, nhưng hoạt động M&A vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó, có việc các văn bản điều chỉnh hoạt động M&A chưa theo kịp các diễn biến và yêu cầu đa dạng của thực tiễn hoạt động M&A tại Việt Nam. Cơ bản nhất như việc xác định M&A là đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, loại giao dịch M&A nào phải theo những quy định nào... cũng đang gây khó khăn cho chính các bên thực hiện và cơ quan quản lý.
Do đó, để hoạt động M&A đi đúng hướng, tôi cho rằng, cần sớm có giải pháp để tạo một cơ chế thông thoáng hơn cho cả doanh nghiệp nội và ngoại cùng tham gia vào thị trường M&A.
Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược đầu tư CTCK MSI
Hoạt động M&A mới bắt đầu được chú ý và được phát triển tầm 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của TTCK. Làn sóng cổ phần hóa từ các doanh nghiệp nhà nước đến các doanh nghiệp tư nhân đã kéo các quỹ đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam. Các hoạt động M&A chủ yếu xuất hiện nhiều ở những ngành nghề cơ bản như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, tiêu dùng, bán lẻ... Quy mô các thương vụ M&A ngày càng lớn hơn và tập trung ở các mảng kinh doanh cốt lõi của nền kinh tế.
Trong năm nay, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm và thâu tóm đối thủ cạnh tranh hoặc tham gia chi phối quản lý các công ty cấp 2 trong mô hình chuỗi cung cấp giá trị gia tăng cho khách hàng (GTN, VIC, BCG...) hoặc đơn giản là các doanh nghiệp có những quỹ đất lớn, đất vàng nằm ở các vị trí đắc địa sẽ là mục tiêu của các thương vụ M&A thù địch. Các hoạt động M&A không chỉ năm nay, các năm sắp tới sẽ rất sôi nổi.
Thủ tục hành chính, các quy định về pháp luật cũng như câu chuyện bảo mật thông tin đang ảnh hưởng đến các hoạt động M&A. Cả bên mua và bên bán doanh nghiệp vẫn chưa đánh giá cao vai trò quan trọng của đối tác tư vấn chuyên nghiệp trung gian - đối tác có thể tham gia vào đánh giá, định giá tài sản để có thể nâng cao hiệu quả cũng như tiết kiệm thời gian cho các bên.
(còn nữa)
Bài 3: Cơ hội phía trước