Ngành mía đường Việt Nam đang hưởng lợi từ giá đường duy trì ở mức cao.

Ngành mía đường Việt Nam đang hưởng lợi từ giá đường duy trì ở mức cao.

"Ngọt - đắng" cổ phiếu đường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Niên độ tài chính 2022-2023, nhiều doanh nghiệp ngành mía đường ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng cao, nhưng không ít doanh nghiệp khác có diễn biến ngược lại.

Lợi nhuận phân hóa mạnh

Niên độ tài chính của doanh nghiệp ngành mía đường bắt đầu từ ngày 1/7 năm trước và kết thúc vào ngày 30/6 năm sau. Từ tháng 9/2022, chính sách chống trợ cấp, chống bán phá giá đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp mía đường trong nước.

Bức tranh kinh doanh ngành mía đường niên độ 2022-2023 cho thấy, ngành này đang dần phục hồi với sản lượng tiêu thụ và doanh thu tăng. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi còn chậm, áp lực gia tăng chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã chứng khoán LSS), doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý IV niên độ 2022-2023 là 721 tỷ đồng và 5,2 tỷ đồng, giảm 5,9% và 78% so với cùng kỳ niên độ trước. Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận giảm mạnh do giá vốn giảm ít hơn mức giảm của doanh thu (3,2% so với 5,9%), khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 49,6 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí quản lý tăng 25,3%.

Luỹ kế cả niên độ 2022-2023, Lasuco đạt doanh thu 1.807 tỷ đồng, giảm 11,4%; lợi nhuận sau thuế 22 tỷ đồng, giảm 50,6% so với niên độ trước.

Tương tự, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC-BH, mã chứng khoán SBT) cho hay, lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý IV niên độ 2022-2023 giảm 66%, dù doanh thu hợp nhất tăng 24% so với cùng kỳ niên độ trước. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay tăng mạnh.

Ngược lại, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty đạt doanh thu 5.298 tỷ đồng, tăng 31%; lợi nhuận sau thuế 1.028 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Đường Quảng Ngãi, sản lượng tiêu thụ sản phẩm sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo giảm nhẹ, nhờ nỗ lực kiểm soát chi phí nên lợi nhuận các sản phẩm này tương đương cùng kỳ. Trong khi đó, không ít sản phẩm khác có diễn biến khả quan như đường có sản lượng tiêu thụ tăng 133%, doanh thu tăng 151%; điện có sản lượng tiêu thụ tăng 35%, doanh thu tăng 39%; nha có sản lượng tiêu thụ tăng 13%, doanh thu tăng 14%.

Thời gian qua, Đường Quảng Ngãi tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp, giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía. Dây chuyền sản xuất đường hoạt động ổn định, giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành phẩm. Ngoài ra, các biện pháp phòng vệ thương mại của Nhà nước đối với sản phẩm đường và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu giúp cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh đường của Công ty.

Hai doanh nghiệp khác ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao là Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS) và Công ty cổ phần Đường Kon Tum (mã chứng khoán KTS).

Quý IV niên độ tài chính 2022-2023, Mía đường Sơn La đạt doanh thu 550 tỷ đồng, tăng 152%; lợi nhuận sau thuế 225 tỷ đồng, tăng 261% so với cùng kỳ niên độ trước. Lũy kế toàn niên độ 2022-2023, Công ty đạt doanh thu hơn 1.676 tỷ đồng, tăng 93%; lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng, tăng 179% so với niên độ trước. Đây là mức lãi kỷ lục của Mía đường Sơn La nhờ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động chế biến nông sản tại tỉnh Sơn La (địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Còn Đường Kon Tum đạt doanh thu gần 289 tỷ đồng, lợi nhuận 24 tỷ đồng trong quý IV niên độ 2022-2023, lần lượt gấp 6 lần và 7 lần so với cùng kỳ niên độ trước. Lũy kế cả niên độ 2022-2023, Công ty đạt doanh thu 548 tỷ đồng, tăng 210%; lợi nhuận sau thuế 38 tỷ đồng, tăng 377% so với niên độ trước.

Cơ hội từ giá mía đường tăng

Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong, giá đường thế giới dao động quanh mức 520 USD/tấn trong năm 2023 vì thiếu hụt nguồn cung do yếu tố thời tiết bất lợi tại một số nước xuất khẩu nhiều đường như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, xung đột Nga - Ukraine và xu hướng tăng sản xuất cồn sinh học từ mía. Dự báo, niên vụ 2023-2024, sản lượng đường cung ứng trên toàn cầu khoảng 178,8 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ khoảng 178,9 triệu tấn.

Giá đường trên thế giới neo ở mức cao đã tác động tích cực đến giá đường trong nước, trong khi tình hình tiêu thụ vẫn khả quan, với triển vọng tăng trưởng kép hàng năm dự kiến đạt khoảng 5% về mặt giá trị trong giai đoạn 2023 - 2028.

Đường là thành phần không thể thiếu trong quá trình chế biến nhiều loại thực phẩm và đồ uống. Năm 2022, đường được tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 41% tổng lượng đường tiêu thụ toàn cầu, tiếp theo là châu Âu chiếm 25%, Bắc Mỹ chiếm 17%. Quy mô thị trường đường toàn cầu trong năm 2022 đạt 44,5 tỷ USD, năm 2023 ước đạt 46,4 tỷ USD.

Chi phí lãi vay đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp mía đường.

Các doanh nghiệp mía đường trong nước đã có sự chuẩn bị để đón nhận cơ hội từ sự thiếu hụt nguồn cung trên thế giới. Đường Quảng Ngãi hiện có Nhà máy đường An Khê, công suất ép mía đạt 18.000 tấn/ngày, dây chuyền sản xuất đường tinh luyện có công suất 1.000 tấn đường/ngày. Doanh nghiệp này có diện tích mía đường lớn thứ hai (30.000 ha) và chiếm 13% thị phần đường cả nước.

Trong khi đó, Mía đường Sơn La có công suất chế biến 5.000 tấn đường/ngày, cung cấp ra thị trường khoảng 60.000 tấn đường/năm, diện tích mía đường 9.000 ha. Tỷ lệ chuyển đổi đường sang mía của Công ty cao nhất cả nước, ở mức 114 kg đường/tấn mía (các doanh nghiệp khác là 100 kg đường/tấn mía), giúp hạ giá thành sản xuất.

Tại Lasuco, Công ty có quy mô sản xuất đứng thứ ba cả nước, với hai nhà máy, công suất khoảng 7.000 tấn/ngày, diện tích trồng mía 15.000 ha và chiếm 10% thị phần đường cả nước.

Dẫn đầu thị trường đường nội địa với 46% thị phần và có quyền sử dụng 68.000 ha đất nông nghiệp ở 4 quốc gia gồm Việt Nam, Lào,Campuchia, Úc, tự chủ được 52% nhu cầu nguyên liệu là TTC-BH (48% nhu cầu nguyên liệu còn lại được Công ty hợp tác với người nông dân).

Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự phóng, năm 2023, TTC-BH sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất từ khi niêm yết với doanh thu 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 950 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp mía đường trong niên độ 2022-2023 có sự đóng góp không nhỏ từ chính sách chống bán phá giá đường vào Việt Nam, nhưng việc bảo hộ ngành đường khó có thể duy trì trong thời gian dài. Trong khi đó, lợi thế cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam được đánh giá không cao. Vì thế, triển vọng tăng trưởng dài hạn của đa số doanh nghiệp nhìn chung bấp bênh, kết quả kinh doanh biến động mạnh theo diễn biến giá đường trên thị trường.

Tin bài liên quan