Thị trường chứng khoán luôn nhạy cảm với diễn biến tỷ giá, lãi suất. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường chứng khoán luôn nhạy cảm với diễn biến tỷ giá, lãi suất. Ảnh: Dũng Minh

Ngóng theo lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ngoài dự đoán, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định không nâng lãi suất trong cuộc họp giữa tuần qua, song định hướng chính sách tiền tệ của nền kinh tế số 1 thế giới trong giai đoạn tới vẫn là điều được giới đầu tư quan tâm đặc biệt.

Fed duy trì lập trường cứng rắn

Tại cuộc họp ngày 20 - 21/9 vừa qua, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5%/năm, mức cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây. Hiện thị trường còn chưa chắc chắn về bước đi kế tiếp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC), nhưng nhiều dự báo được đưa ra, có thể cơ quan này sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất trước khi hết năm.

Tuyên bố sau cuộc họp, FOMC cho rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể hợp lý. Cùng với đó, Fed kỳ vọng GDP của Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm nay, cao gấp đôi so với dự báo đưa ra tại cuộc họp hồi giữa năm. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng dự báo triển vọng tăng trưởng GDP năm 2024 của Mỹ tăng từ 1,1% lên 1,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,8%, thay vì mức 4,1% trước đó.

Chỉ số CPI lõi tháng 8 của Mỹ tăng 4,3%, khớp với dự báo đã đặt ra trước đó, mặc dù vẫn còn cao so với mục tiêu đặt ra là 2%, nhưng đang có xu hướng giảm dần, nên việc Fed tạm giữ mức lãi suất như hiện nay là không gây nhiều bất ngờ đến các thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhận định về động thái chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, xuyên suốt năm 2023, Fed đã và sẽ còn cứng rắn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ. Theo ông Đạt, có thể cách điều hành lãi suất của Fed như thời gian qua vẫn chưa tác động tới diễn biến thị trường chứng khoán trong nước, khi xu thế tăng điểm vẫn được duy trì, nhưng lại có tác động đáng kể tới động thái của nhà đầu tư nước ngoài. Việc Fed duy trì mặt bằng lãi suất ở mức rất cao đã khiến nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ròng và điều này có thể ảnh hưởng rõ ràng hơn tới thị trường chứng khoán trong nước nếu tiếp tục kéo dài.

“Chưa kể, lãi suất và tỷ giá vốn có mối liên hệ mật thiết. Việt Nam đang có rất nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá, khi 8 tháng đầu năm xuất siêu 20 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 13 tỷ USD và nguồn tiền kiều hối vẫn chảy về tích cực (ước cả năm đạt 14 tỷ USD). Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã vượt qua con số 100 tỷ USD. Dù có nguồn cung USD dồi dào, nhưng với chính sách tiền tệ đi ngược xu hướng thế giới, tỷ giá USD/VND vẫn chịu áp lực đáng kể. Trong kịch bản cơ sở, DSC dự phóng USD/VND sẽ trượt giá từ từ và Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng”, ông Đạt nói.

Báo cáo phân tích được Công ty Chứng khoán VPBank đưa ra cho biết, trong lịch sử 15 năm gần nhất, mỗi khi VND mất giá trung bình dưới 1,7% so với USD thì tác động lên thị trường chứng khoán là không đáng kể, thậm chí, thị trường vẫn duy trì tăng điểm tích cực như giai đoạn 2013 - 2014. Ngược lại, nếu VND mất giá so với USD quá ngưỡng 1,7% thì thông thường sau đó, thị trường có những nhịp giảm rất mạnh.

Theo Chứng khoán VPBank, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện tại, chấp nhận để tỷ giá USD/VND tăng ở mức vừa phải và sẽ chưa có can thiệp nếu không có biến động bất thường do lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, song song với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Áp lực tỷ giá – yếu tố cần theo dõi

Việc Fed duy trì mặt bằng lãi suất ở mức rất cao đã khiến nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ròng và điều này có thể ảnh hưởng rõ ràng hơn tới thị trường chứng khoán trong nước nếu tiếp tục kéo dài.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC

Tuần qua, thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến những phiên giao dịch biến động mạnh. Sau khi hồi phục vào phiên 20/9, chỉ số VN-Index đã có hai phiên liên tiếp rơi sâu.

Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), diễn biến thị trường hiện tại là phù hợp trước khi có thể lấy lại đà tăng điểm theo chu kỳ kinh tế.

Ông Khoa lý giải, sau 4 lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước kể từ tháng 4/2023, lãi suất huy động bắt đầu xu hướng giảm, dòng tiền dần chuyển hướng từ kênh tiết kiệm và các kênh đầu tư kém hấp dẫn khác sang chứng khoán. Nhờ vậy, thanh khoản thị trường chứng khoán được cải thiện một cách rõ nét. Tuy nhiên, sau một thời gian tăng điểm, mặt bằng giá cổ phiếu đã lên mức khá cao và thị trường sẽ cần có thông tin để kiểm định lại kỳ vọng tăng trưởng.

Tất nhiên, sau một nhịp tăng mạnh, thị trường chứng khoán thường có nhịp điều chỉnh về mức cân bằng hơn, nhưng ở thời điểm này, khi tỷ giá USD/VND có thời điểm áp sát mốc 25.000, trong giới đầu tư xuất hiện những e ngại áp lực tới chính sách lãi suất trong nước cũng như thị trường chứng khoán.

Từ góc nhìn của ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group, ở thời điểm hiện tại, áp lực lên tỷ giá là có và là điểm cần theo dõi chặt chẽ, tuy nhiên, mức mất giá hiện tại vẫn trong biên độ kiểm soát. Trong trường hợp Fed tiếp tục tăng lãi suất trong giai đoạn từ nay đến cuối năm có thể sẽ có tác động tiêu cực lên thị trường. Vì lúc đó, USD sẽ tiếp tục mạnh lên, khối ngoại sẽ tăng cường xu hướng bán ròng để rút vốn về thị trường Mỹ. Ngân hàng Nhà nước có thể phải có những động thái can thiệp để giữ ổn định tỷ giá.

“Trong bối cảnh thị trường đang giằng co tích lũy, nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu kỹ lưỡng hơn, do cổ phiếu sẽ phân hoá rõ nét, chứ không còn mua đâu thắng đó như thời gian vừa qua”, ông Trung nói.

Cụ thể hơn, vị chuyên gia cho rằng, giai đoạn này, nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu của các doanh nghiệp có tài sản tốt, định giá vẫn còn hấp dẫn và các ngành có dấu hiệu đã chạm đáy lợi nhuận, dự kiến phục hồi trong thời gian tới cũng như các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III được dự báo tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trên thế giới vẫn cao, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, chiến lược đầu tư giá trị - chọn lọc các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, có triển vọng tăng trưởng bền vững để nắm giữ với tầm nhìn dài hạn - đang được xem là lựa chọn hợp lý hơn. Mặc dù vậy, việc giao dịch ngắn hạn cũng được nhiều nhà đầu tư linh hoạt ra/vào ở những phiên điều chỉnh để tối ưu hóa các khoản đầu tư.

“Nhà đầu tư nên cơ cấu lại cổ phiếu theo hướng thu gọn danh mục và giữ tỷ trọng cân bằng khi vận động thị trường chưa rõ ràng. Lựa chọn các cổ phiếu cơ bản và có tiềm năng tăng trưởng tốt, đồng thời tranh thủ chốt lãi ở những nhịp cổ phiếu tăng mạnh và canh mua ở những nhịp rung lắc”, chuyên gia Bùi Nguyên Khoa khuyến nghị.

Tin bài liên quan