Ngóng ngày T

Ngóng ngày T

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường dần hồi phục cả về điểm số lẫn thanh khoản, dòng chứng khoán có vẻ “tưng bừng” hơn cả sau đà giảm sâu và kéo dài, nhất là khi nhà đầu tư kỳ vọng chu kỳ thanh toán sắp được rút ngắn.

Kỳ vọng T+1,5 vào cuối tháng 8/2022...

Giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE đang được cải thiện rõ rệt, từ vùng 8.000 - 11.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 7 lên quanh mức 15.000 tỷ đồng/phiên tuần qua. Điểm số VN-Index cũng tích cực khi kéo dài đà hồi phục từ dưới 1.150 điểm ngày 6/7 lên gần 1.253 điểm lúc đóng cửa phiên 5/8. Giá nhiều cổ phiếu hồi phục 7 - 15% trong 2 tuần qua.

Chu kỳ thanh toán T+2 sắp được đẩy lên sớm hơn, giới đầu tư gọi là T+1,5, có khả năng áp dụng từ cuối tháng 8/2022.

Cổ phiếu chứng khoán vốn rất nhạy với xu hướng thị trường được khuyến nghị là một trong những nhóm ngành nên chọn vào danh mục. Bên cạnh đó, nhóm này còn đón nhận thông tin tích cực khi chu kỳ thanh toán T+2 sắp được đẩy lên sớm hơn, giới đầu tư gọi là T+1,5, có khả năng áp dụng từ cuối tháng 8/2022.

Với quy định mới, chứng khoán đã mua sẽ về tài khoản lúc 11h30 - 12h00 ngày T+2, nhà đầu tư có thể giao dịch trong phiên chiều cùng ngày, thay vì sáng phiên sau đó (do chứng khoán về tài khoản vào lúc 15h30 - 16h00 ngày T+2, khi thị trường đã kết thúc phiên giao dịch). Tương tự, tiền bán chứng khoán sẽ về tài khoản vào trưa ngày T+2 và nhà đầu tư có thể sử dụng trong phiên chiều cùng ngày.

“Thị trường tốt thì cổ phiếu chứng khoán tăng giá là bình thường, nhưng chỉ thích hợp để lướt sóng T+, nhiều cổ phiếu tăng kỹ thuật”, một môi giới chứng khoán chia sẻ quan điểm với khách hàng.

Cổ phiếu tăng giá, nhà đầu tư thường tìm các lý do hỗ trợ để an tâm hơn. Với cổ phiếu chứng khoán, bên cạnh xu hướng thị trường cả về điểm số lẫn thanh khoản được cải thiện trong 2 tuần gần đây, nhà đầu tư còn kỳ vọng chu kỳ thanh toán được rút ngắn, giúp vòng quay vốn nhanh hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro nhờ thời gian chờ chứng khoán về tài khoản giảm xuống. Đây là cơ sở hợp lý.

... Và T+0 vào năm 2023

Với các nhà đầu tư lâu năm, các thành viên thị trường, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán lẽ ra phải hoàn thành từ lâu, họ chờ đợi hệ thống công nghệ thông tin mới mà HOSE ký kết với nhà thầu Hàn Quốc đi vào hoạt động, giúp chu kỳ thanh toán trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có T+0 trong năm nay, thay vì xuống T+1,5. Bởi vậy, rút ngắn thời gian T dĩ nhiên là tốt, nhưng chờ đợi hiệu ứng vượt trội thì có lẽ là chưa.

Ở góc độ thị trường chứng khoán, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) đánh giá, mặt bằng giá đã xuống vùng thấp, sau thời gian dài phản ánh nhiều thông tin tiêu cực, rồi đi vào vùng trống thông tin, thì nay đang ở vùng có triển vọng tích cực hơn.

Thị trường khi đã tích luỹ đủ, cạn kiệt thanh khoản, định giá hấp dẫn thì chỉ cần một vài lý do (dù rằng không quá vững chãi) cũng có thể đi lên.

Bên cạnh đó, thị trường thế giới đang có diễn biến khả quan trong bối cảnh lạm phát Mỹ được giới đầu tư kỳ vọng đã tạo đỉnh, bởi giá nhiều hàng hoá, nguyên nhiên liệu trong tháng 7/2022 có diễn biến giảm.

Ông Ngọc chia sẻ, kinh tế Mỹ đã có 2 quý suy thoái đầu năm 2022 nên nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại để không có quý suy thoái thứ ba liên tiếp. Với Việt Nam, GDP quý III/2022 dự báo tăng trưởng ở mức 2 con số, vì mức nền của năm ngoái rất thấp.

“Tổng hoà các thông tin trong và ngoài nước, diễn biến chứng khoán thế giới đang hồi phục mạnh, thị trường Việt Nam cũng sẽ mạnh mẽ theo”, ông Ngọc nói.

“Còn câu chuyện T+ chỉ là một trong số các thông tin tích cực, không phải là tâm điểm của các vấn đề hiện nay”, lãnh đạo CSI nhận xét. Dĩ nhiên, điều này có 2 tác động tích cực là về tâm lý và thanh khoản. Thanh khoản 5 - 6 phiên gần đây tăng lên 15.000 tỷ đồng/phiên, chu kỳ thanh toán nếu rút ngắn về T+1,5 và đơn vị giao dịch lô lẻ giảm từ 100 xuống 10 như trước đây, thì thanh khoản có thể tăng thêm.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, mong muốn của thị trường là T+0, nhưng chưa chắc sẽ được triển khai trong năm nay. Trong bối cảnh đó, T+1,5 có thể xem là đáp ứng được 50% kỳ vọng.

“Thị trường tăng nhiều thì giảm. Giảm đủ sâu, đủ dài thì hồi phục”, ông Phương nói và đánh giá, thị trường đang trong giai đoạn hồi phục. Nhìn chung, người bán hiện không còn tâm lý thoát hàng, người mua thì “sốt ruột”, các thông tin tiêu cực đã thẩm thấu hết. Nhà đầu tư không còn sợ hãi như trước, mà tìm đến các thông tin tích cực nhiều hơn. Chẳng hạn, Ukraine nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc, giá lương thực thế giới hạ dần, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng không còn mạnh tay tăng lãi suất...

Với giá dầu hiện nay, xu thế bứt phá không còn, trước đây đạt trên 120 USD/thùng nhưng nay giảm xuống dưới 100 USD/thùng. Giá dầu nếu được kiểm soát và giữ ổn định thì áp lực lạm phát do chi phí đẩy sẽ hạ xuống. Nhìn ở các góc độ này, nhà đầu tư cảm thấy triển vọng tích cực hơn là tiêu cực.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đang làm tốt vai trò kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế, lãi suất cho vay tăng không đáng kể, trong khi các nước khác tăng mạnh. Chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tỷ giá hạ nhiệt, giải ngân đầu tư công đang được thúc đẩy...

“Đó là những cơ sở để nhà đầu tư tin rằng, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp được đảm bảo”, ông Phương nhận định.

Nhà đầu tư cũng có thể tin rằng, sau các thông tin tiêu cực, các hoạt động “thanh lọc thị trường”, thì thị trường chứng khoán đang tạo đáy, chuyển từ trạng thái tiêu cực sang tích cực.

Về chu kỳ thanh toán, thị trường Việt Nam có đến 90% giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư cá nhân, với gu ưa thích là “lướt sóng”, nên việc giảm xuống T+1,5 sẽ hỗ trợ thanh khoản và giúp nhà đầu tư mua bán chủ động hơn. Nhìn xa hơn, T+0 là mục tiêu cần hướng đến, đáp ứng một trong những tiêu chí quan trọng để thị trường được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Cơ quan quản lý cùng các thành viên thị trường đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình này. T+1,5 là tiền đề. T+0 có lẽ không kịp triển khai trong năm 2022, nhưng năm 2023 thì có thể.

Thị trường đã có 2 tuần tăng điểm, nên ông Phương cho rằng, áp lực bán nhằm chốt lời sẽ xuất hiện, chỉ số nhiều khả năng “rung lắc” và tốc độ tăng chậm lại. Tuy nhiên, lực mua rất có thể sẽ nhanh chóng nhập cuộc sau khi thị trường điều chỉnh khoảng 3 - 5%.

Với riêng nhóm chứng khoán, kết quả kinh doanh quý II/2022 rất thấp, không ít công ty thua lỗ, chủ yếu do mảng tự doanh và doanh thu dịch vụ giảm. Sang quý III, thị trường có triển vọng hồi phục thanh khoản và điểm số, danh mục tự doanh đã phải trích lập cuối quý II (nền giá thấp) có thể sẽ được hoàn nhập một phần. Mặc dù vậy, sự bứt phá ở nhóm này chưa được các chuyên gia đánh giá cao.

Tin bài liên quan