Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6 - 6,5%.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6 - 6,5%.

Ngóng kế hoạch phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi “cơn bão” biến thể Omicron chưa đi qua, nhà đầu tư đang chờ đợi các thông tin về kế hoạch phục hồi kinh tế như một trợ lực mới cho thị trường dịp cuối năm.

Vùng trũng thông tin

Dòng tiền 2 phiên cuối tuần qua đã cho thấy có sự trầm lắng trở lại khi giá trị giao dịch trên 3 sàn khá yếu ớt, trong vùng 30.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với các phiên cuối tháng 11. Khá dễ hiểu khi các thông tin hỗ trợ thị trường không còn nhiều và phần lớn rơi vào dạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Có lẽ đây là lý do nhóm cổ phiếu đầu tư công vốn đã chạy tít mù từ 2 - 3 tháng trước lại được lôi ra hâm nóng 2 - 3 phiên, còn nhóm cổ phiếu ngân hàng được nhiều nhà đầu tư ví von như mắc bệnh “tiền đình” khi lên được một chút rồi lại chìm xuống, lâu lâu lại “lên đồng” được 1 - 2 phiên, không kéo dài được thêm.

Kết quả kinh doanh quý IV khó dự đoán, trong khi kế hoạch 2022 có nhiều ẩn số, nên thông tin từ doanh nghiệp cũng ít có điểm nào nổi bật.

Ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment nhận định, nếu tính thời điểm tháng 3/2020 là đáy dài hạn của thị trường chứng khoán để bắt đầu một chu kỳ mới thì với thời gian và tốc độ tăng từ đó tới giờ, thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam có lẽ đã bắt đầu vào giữa chu kỳ (Mid Cycle).

Trong giai đoạn Mid Cycle, thị trường chứng khoán không còn khả năng tăng mạnh mẽ như khi đi từ đáy đi lên. Tính từ đáy ngắn hạn tháng 7/2021 tới nay, thị trường đã đi lên được hơn 5 tháng và vượt đỉnh cũ.

Theo nghiên cứu của Passion Investment, ở Mid Cycle, mỗi đợt tăng mới của thị trường chỉ vượt qua đỉnh cũ gần nhất bình quân là 5%. Vậy nếu xét trong ngắn hạn, thị trường đã rất gần đỉnh ngắn hạn. Với lý do này, Passion Investment đã hiện thực hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư nắm giữ khá lâu trước đó.

Một số nhà đầu tư cá nhân tỏ ra thận trọng với thị trường trong tháng 12, bởi lo ngại dòng tiền sẽ có sự co hẹp nhất định do nhiều tổ chức chốt lãi cuối năm, các doanh nghiệp đầu tư tài chính cũng có xu hướng hiện thực hóa lợi nhuận sau một năm bươn bả trên thị trường. Trong tuần vừa qua, phần lớn nhóm cổ phiếu tăng nóng đã điều chỉnh mạnh trở lại do áp lực chốt lời.

Nhiều nhà đầu tư hiện đứng giữa hai thái cực: mua mới thì e ngại thị trường đắt đỏ, đứng ngoài thì không có cơ hội đầu tư khi các kênh khác đều cho thấy sự khó khăn.

Để bứt khỏi vùng trũng thông tin này và nhà đầu tư mạnh tay giải ngân cho cơ hội đầu tư với tầm nhìn dài hạn hơn cho năm 2022, yếu tố được ngóng chờ là kế hoạch phục hồi kinh tế 2022 - 2023 được trình Chính phủ và sớm được công bố chi tiết.

“Với tầm nhìn dài hạn hơn từ 1 - 2 năm, chúng ta sẽ thấy là sau 1 - 2 năm nữa, mức 1.500 điểm không phải quá đắt đỏ khi mà nền kinh tế tiếp tục phục hồi và lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng trong các năm tới”, ông Lã Giang Trung nhìn nhận.

Động lực cho tương lai

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ, Bộ đã hoàn thành dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, trình Chính phủ cho ý kiến và đang tiếp tục hoàn thiện để triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến, trong tháng 12/2021, Quốc hội sẽ có phiên họp chuyên đề để thảo luận và thông qua một số vấn đề mang tính cấp bách cho quốc kế dân sinh.

Dự kiến, trong tháng 12/2021, Quốc hội sẽ có phiên họp chuyên đề để thảo luận và thông qua một số vấn đề mang tính cấp bách cho quốc kế dân sinh.

Thông tin được nhiều nhà đầu tư trên thị trường truyền tai nhau là gói kích thích kinh tế lên tới 800.000 tỷ đồng, tuy nhiên, cho tới thời điểm này, quy mô của chương trình chưa được tiết lộ. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, quy mô của gói hỗ trợ phải rất lớn. Cuối tuần qua, một cuộc hội thảo quốc gia do Quốc hội tổ chức đã bàn sâu và bao quát nhiều khía cạnh, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế mà các nước đã tiến hành.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6 - 6,5%. Đây là bước nhảy vọt 4% trên mức nền thấp của năm 2021. Vì vậy, để tăng trưởng đột phá, gói hỗ trợ cũng phải ở mức đột phá”.

Hai yếu tố được mong đợi nhất hiện nay là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang tính toán công cụ tài khóa để thực hiện cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Theo đó, Bộ Tài chính đang tính phương án phát hành trái phiếu chính phủ và công trái ngoại tệ để huy động khoảng 180.000 tỷ đồng trong dân trong 2 năm.

Về chính sách tiền tệ, khả năng có những giải pháp đột phá, dưới góc nhìn thận trọng của giới chuyên gia là khó khả thi. E ngại lớn nhất là tác động phụ của chính sách này khi bài học năm 2009 được đưa ra như một nỗi sợ vô hình. Khi ấy, gói hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD được tung ra, song GDP tăng không đáng kể, trong khi lạm phát tăng phi mã. Gói kích cầu năm 2009 chỉ có thể khiến GDP tăng từ mức 5,3% lên 5,89% năm 2011, song lại làm lạm phát nhảy từ 6,88% lên tới 18,58% năm 2011 (do tín dụng năm 2009 tăng trên 37%, tín dụng năm 2010 tăng 27%).

Tiền được bơm quá nhiều ra thị trường trong giai đoạn này không chỉ khiến kinh tế vĩ mô bất ổn, mà cả hệ thống ngân hàng cũng đứng trước bờ vực khủng hoảng. Giai đoạn năm 2011 - 2012, có 3 ngân hàng lâm vào tình trạng mất thanh khoản, buộc phải sáp nhập.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ về tiền tệ phải được thiết kế thận trọng, dựa trên một số nguyên tắc. Thứ nhất, gói hỗ trợ tín dụng phải nằm trong tính toán hạn mức tín dụng hàng năm của Ngân hàng Nhà nước, không được đẩy vốn vào nền kinh tế quá nhiều.

Thứ hai, phải luôn song hành với mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá (bơm tiền quá lớn sẽ khiến lạm phát và tỷ giá tăng). Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán mức độ nợ xấu có thể chấp nhận được khi thực hiện gói cấp bù, không để ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Chuyên gia này nhắc đến một “gót chân achiles” của nền kinh tế là từ nhiều năm nay, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao trên thế giới và khu vực (143% năm 2020). Doanh nghiệp dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp mới đạt 14% GDP, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt thấp.

Vậy động lực cho tăng trưởng kinh tế 2022 là gì? Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, phải là tổng hòa nhiều yếu tố, bao gồm sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hay sản xuất nông nghiệp… Trong các giải pháp tổng thể phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư công được nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, giải pháp này có ý nghĩa kép, tức là vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời trong gian đoạn ngắn để kích thích tăng trưởng, vừa có ý nghĩa lâu dài là tạo ra các kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển giai đoạn sau.

Theo kế hoạch, Kỳ họp chuyên đề của Quốc hội tháng 12 này cũng sẽ xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Sự thận trọng không thừa, nhưng trong khi cả thế giới đã thích ứng nhanh với đại dịch để hồi phục nền kinh tế thì quốc gia nào càng chậm sẽ càng vuột trôi cơ hội.

Theo phân tích của chuyên gia Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển thương hiệu, rủi ro còn nhiều khi chưa ai dự báo dịch bệnh sẽ đi đến đâu, lo ngại về lạm phát, cảnh báo về nợ gia tăng ở hầu hết các nền kinh tế, nhưng có lẽ Chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023 cần nhấn mạnh đến tốc độ quan trọng hơn quy mô.

Lúc này cần các quyết sách nhanh, kịp thời, có thể áp dụng các quy trình, thủ tục đặc biệt, đề cao những cách làm mới, chưa tiền lệ, phải học cách ứng xử với các gói hỗ trợ, kích cầu chưa từng có, học cách quản trị rủi ro…

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nêu quan điểm, Chính phủ có thể dựa vào một số nguồn như nguồn tiết giảm chi phí chi thường xuyên; nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; phát hành trái phiếu chính phủ trong nước; vay các tổ chức tài chính quốc tế (ADB, WB đều đang có gói vay hỗ trợ phục hồi với điều kiện vay không quá khắt khe, lãi suất ở mức thấp); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư tư nhân…

TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán, hiện mới chiếm hơn 1/3 vốn cung ứng cho nền kinh tế (so với mức bình quân 2/3 của các thị trường trong khu vực ASEAN), nên cần phát triển thị trường vốn theo chiều sâu, nhằm gia tăng vốn trung và dài hạn, hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ phát triển kinh tế.

Nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế Quốc dân

Ngân hàng Nhà nước nên giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong thời gian còn lại của năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022. Việc này sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Bởi vì, giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng để cho vay đối với nền kinh tế, chưa tính đến chi phí tín dụng của các tổ chức tín dụng sẽ giảm xuống, đồng thời tăng khả năng tạo tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán (M2) cho nền kinh tế.

Ông Trương Văn Phước, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn, lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn “bạo bệnh”, trong khi nguy cơ tiềm ẩn là có thêm đợt bùng phát mới.

Hiện tại, dư địa điều hành chính sách tiền tệ vẫn còn. Với mức lạm phát đến cuối tháng 11/2021 thấp (CPI tăng dưới 2%, lạm phát cơ bản dưới 1%) và có khả năng dưới 3% đến cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn..., qua đó đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.

Một số chỉ tiêu như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nên được duy trì từ nay đến ít nhất cuối năm 2023, nhằm giảm áp lực về tăng lãi suất huy động. Về hệ số rủi ro tín dụng, trong khi vẫn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) thì các doanh nghiệp chịu tổn thất trong đại dịch có thể có hệ số rủi ro tín dụng thấp hơn mức hiện nay để giúp các doanh nghiệp này tiếp cận được vốn tín dụng. Tiếp tục cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đến giữa năm 2023.

Quốc hội cần xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3 - 5 năm. Không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành sao cho lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu (4%), mà có thể trong khoảng 3 - 5%/năm, bình quân dưới 4%.

Lãi suất trên thị trường quốc tế đang tăng dần, nên việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp. Theo kinh nghiệm các nước về việc ngân hàng trung ương vừa mua trực tiếp trái phiếu kho bạc, vừa tiến hành hoạt động repo (giao dịch mua bán lại trái phiếu) thì nên xem xét cho Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu chính phủ, đây vừa là hành động hỗ trợ ngân sách nhà nước, vừa nắm công cụ để điều hành chính sách tiền tệ: bơm tiền (mua trái phiếu), hút tiền (bán trái phiếu) cho các tổ chức tín dụng.

Dư địa chính sách tài khóa cũng còn lớn: thu ngân sách dự kiến cả năm 2021 tăng so với dự toán; bội chi ngân sách và trần nợ công duy trì trong mức cho phép; nợ công thấp so với ngưỡng an toàn và với mức trần đã được Quốc hội phê chuẩn; khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước khá dồi dào khi lãi suất trái phiếu chính phủ hiện quanh mức 2,09%/năm đối với kỳ hạn 10 năm (lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng kỳ hạn là hơn 1,6%/năm).

Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Đề đối phó với đại dịch Covid-19, chính phủ các nước đã sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm chống lại suy thoái kinh tế, an sinh xã hội và tạo việc làm cho người dân.

Quy mô các gói hỗ trợ tài khóa trong khu vực có sự phân biệt do tiềm lực kinh tế và không gian tài khóa của mỗi quốc gia cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh. Các nước Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan có các gói kích thích tương đối lớn, chiếm trên 15% GDP, trong khi các nước còn lại, quy mô các gói kích thích khiêm tốn hơn. Việc thực hiện các gói kích thích kinh tế khiến các nước đối mặt với bội chi ngân sách tăng cao, một số nước phải nới lỏng trần nợ công để ứng phó với đại dịch, gần đây nhất là Thái Lan nâng trần nợ công từ 60% lên 70% GDP.

Các nước đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong ứng phó với những tác động bất lợi từ đại dịch. Để tạo nguồn tài chính rẻ hơn cho các biện pháp cứu trợ, một số nước như Hàn Quốc, Indonesia, Philippines cho phép ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ từ thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Ở chiều ngược lại, một số nước thông qua ngân hàng trung ương hỗ trợ nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi cho các tổ chức tín dụng để thực hiện công cụ tài chính chuyển nhượng và thỏa thuận mua lại tài sản. Sự phối hợp chính sách được thể hiện rõ nét hơn trong việc hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tín dụng thông qua cơ chế bảo lãnh của chính phủ (Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…).

Tại Việt Nam, trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp khi lãi suất ở mức rất thấp, áp lực lạm phát và nợ xấu gia tăng, thì vai trò của chính sách tài khoá càng lớn, trong khi chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ.

Các gói hỗ trợ tài khóa rất cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và không kém phần quan trọng khi kinh tế bước sang giai đoạn chuyển tiếp hướng tới phục hồi. Vấn đề là phải xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn (gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5 - 7% GDP), đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm nhằm mang lại hiệu quả như mong đợi.

Đầu tư công là trụ đỡ phát triển kinh tế. Theo đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững sẽ hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Cần coi giải ngân vốn đầu tư công như một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 - 2023 để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (giao thông, năng lượng, viễn thông, nước…); đầu tư vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho xuất khẩu; hạ tầng số; hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp

Chúng ta cần đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới hoạt động doanh nghiệp nhà nước và quyết liệt trong lựa chọn, thanh lọc doanh nghiệp FDI kém hiệu quả.

Có chính sách để doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò mở đường, kết nối và vực dậy doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị trường cả trong và ngoài nước. Có lộ trình thoát ra khỏi bẫy “sản xuất gia công”.

Đã đến lúc đột phá đưa kinh tế hộ (nhất là nông dân) vào đội hình kinh tế hợp tác, để chiếm lĩnh nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tạo điều kiện để kinh tế hợp tác mở đường, dẫn dắt kinh tế hộ phát triển thành kinh tế doanh nghiệp và tách ra lực lượng lao động phi nông nghiệp.

Hình thành các hệ sinh thái: tập đoàn kinh tế mạnh dẫn dắt doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ; cơ quan khoa học công nghệ - doanh nghiệp; hợp tác xã - doanh nghiệp…

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính

Để đạt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6,5%, Việt Nam cần chi thêm khoảng 243.000 tỷ đồng so với năm 2021. Kịch bản này cho thấy, Việt Nam chỉ cần duy trì gói hỗ trợ tài khóa thêm khoảng 2,4 - 2,8% GDP cho năm 2022 và giảm xuống còn 1,4 % GDP cho năm 2023 (theo số GDP mới). Từ năm 2024, kết thúc gói hỗ trợ, bội chi sẽ quay về mức trung bình là 3% GDP.

Với kịch bản này, nợ công chỉ dao động khoảng 48% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tăng không đáng kể khi Chính phủ huy động các khoản vay qua trái phiếu chính phủ dài hạn.

Để huy động nguồn, có thể xem xét đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ quyền chi phối, đồng thời tiếp tục phát hành trái phiếu nội địa.

Năm 2022 có rủi ro lạm phát từ quốc tế, song tổng cầu trong nước đang yếu, chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất kể từ năm 2016, thì dư địa mở rộng chính sách tiền tệ vẫn còn.

Để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét một số giải pháp như điều chỉnh các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn), cho phép sự cạnh tranh nhất định về cung cấp tín dụng ở nhóm các ngân hàng tốt (nhằm hạ lãi suất cho vay), điều chỉnh tạm thời các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng nhằm hỗ trợ cho việc huy động và cho vay.

Tin bài liên quan