Điểm giới hạn
Ông Bùi Sỹ Dân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Quang Dương Thái Nguyên chia sẻ, giai đoạn kinh tế thuận lợi trước đây, doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 18 - 19%/năm vẫn hoạt động tốt. Hiện nay, bối cảnh có nhiều khó khăn, dù lãi suất giảm sâu nhưng doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả.
Câu chuyện của ông Dân là tình hình chung của các doanh nghiệp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 9/2023, có 4.124 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 20,4% so với tháng 8, nhưng tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước; có 5.273 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tương ứng tăng 1,1% và tăng 25,9%; có 1.441 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tương ứng tăng 4,8% và giảm 4,9%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, có 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh khó khăn chung trên thị trường, bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đề cập đến câu chuyện lãi suất huy động hiện giảm tới 2%/năm so với cuối năm 2022, nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm 0,5 - 1%/năm.
“Một lãnh đạo ngân hàng nói, giảm 1 điểm phần trăm (1%/năm) là nhiều rồi, bởi ngân hàng cũng khó khăn”, bà Vinh nói.
TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, chính sách tiền tệ khó có thể nới lỏng thêm.
“Chính sách tiền tệ đang bộc lộ hạn chế. Hiện lãi suất huy động đã giảm sâu về thời kỳ dịch Covid-19. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng yếu, vấn đề này không hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất, mà còn phụ thuộc vào đầu ra của doanh nghiệp”, TS. Phạm Thế Anh nhận xét.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin, tính đến 29/9/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 6,92% so với cuối năm 2022. Tín dụng đã tăng mạnh hơn, nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn để đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh vì hàng tồn kho lớn, TS. Phạm Thế Anh cho rằng, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu có sớm phục hồi hay không là yếu tố quan trọng. Đáng chú ý, lạm phát tại Việt Nam sau khi giảm nhanh trong các tháng đầu năm thì gần đây tăng trở lại, tính đến cuối tháng 9 tăng 3,7% so với cùng kỳ.
“Đây là giới hạn mà chính sách tiền tệ đang gặp phải khi Việt Nam theo đuổi chính sách lãi suất thực dương. Ngoài ra, sức ép tỷ giá là rất lớn, do lãi suất ở Việt Nam giảm mạnh, trong khi môi trường lãi suất trên thế giới neo ở mức cao, khiến cho lãi suất khó có thể hạ thêm trong vòng một năm tới. Khi kinh tế thế giới chưa hồi phục, chúng ta phải trông chờ nhiều hơn vào chính sách tài khoá, trong đó chủ yếu là đầu tư công”, TS. Phạm Thế Anh nêu quan điểm.
Áp lực
9 tháng đầu năm 2023, có 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2% so với cùng kỳ.
Thừa nhận lãi suất đã giảm sâu mà kinh doanh chưa hiệu quả, hàng hóa tồn kho, nhưng ông Bùi Sỹ Dân vẫn kiến nghị hạ thêm lãi suất: “Ngân hàng Nhà nước nên hỗ trợ giảm lãi suất hơn nữa và duy trì thời gian giảm lâu dài. Đồng thời, nới lỏng các điều kiện cho vay tín dụng, không căn cứ nhiều đến yếu tố doanh thu trong khi thị trường ảm đạm”.
Ở khía cạnh khác, ông Vũ Văn Biên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất CaCO3 Quang Sơn cho biết, Công ty là chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Quang Sơn, quy mô hơn 15 ha tại địa bàn còn nhiều khó khăn là huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Khi có dự án, hàng chục ngân hàng đến để tìm hiểu, doanh nghiệp đã trình bày rõ, nhưng có những vướng mắc dẫn đến không tiếp cận được vốn vay ưu đãi, khiến tiến độ dự án bị chậm. Cụ thể, bên cạnh đơn giá cho thuê đất tăng theo hệ số làm chi phí đầu tư tăng, hiệu quả đầu tư giảm thì Công ty chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể thế chấp tài sản hình thành trên dự án để vay vốn ngân hàng.
Cán bộ tín dụng tại một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay: “Là bên “buôn” tiền, có cơ hội tốt nhẽ nào ngân hàng lại bỏ qua. Tuy nhiên, có những việc muốn cố nhưng không dám cố, bởi cố quá có thể trở thành quá cố”.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhận xét, cán bộ ngân hàng chịu áp lực rất lớn trong việc quyết định cho doanh nghiệp vay vốn. Nếu không cho vay thì không hoàn thành chỉ tiêu được giao, ảnh hưởng đến lương, thưởng, danh hiệu thi đua của đơn vị. Nhưng nếu cho vay dự án, doanh nghiệp chưa đủ điều kiện, thiếu tính khả thi sẽ gây ra nợ xấu, dẫn đến không thu hồi được nợ và bị ngân hàng kỷ luật.
Ông Lê Quang Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên kiến nghị, các ngân hàng quan tâm, tìm hiểu, tăng cường tiếp cận doanh nghiệp để cho vay mà không cần yêu cầu tài sản đảm bảo nếu có khả năng chi trả.
“Tài sản đảm bảo chỉ để dùng khi rủi ro phải mang ra đấu giá, chứ còn khi bình thường, ngân hàng đâu cần tài sản này. Điều quan trọng là sản xuất - kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp cần chứng minh cho ngân hàng nhận thấy điều này”, ông Tiến nói.
Về thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, ông Tiến khẳng định, chính quyền sẽ liên tục đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, qua đó cấp giấy chứng nhận để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng.
Về tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, ông Phạm Thanh Hà cho biết, đây là yếu tố giúp phòng ngừa rủi ro cho ngân hàng trong hoạt động cho vay, nhưng ngân hàng và doanh nghiệp nên đối thoại, thỏa thuận với nhau để có giải pháp hợp lý.
“Các ngân hàng phải chú ý, cần chắc chắn việc đảm bảo khách hàng hiểu rõ các điều khoản, điều kiện, quyền lợi, trách nhiệm, rủi ro trong hợp đồng giữa người vay và người cho vay, bởi đây là quan hệ bình đẳng, sòng phẳng”, ông Phạm Thanh Hà nói.
Trong diễn biến có liên quan, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định, rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao. Trong nước, các vấn đề có tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế là nguy cơ chính dẫn tới suy giảm tăng trưởng. Ở bên ngoài, kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đáng kể và Trung Quốc phục hồi kém có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm của Việt Nam.