Ngồi lầu cao ăn cao lầu mới đúng điệu!

Ngồi lầu cao ăn cao lầu mới đúng điệu!

Là đặc sản của Quảng Nam, Huế và Đà Nẵng, nhưng cao lầu ngon nhất là khi thưởng thức tại phố cổ Hội An. Cao lầu Hội An ngon không chỉ bởi được chế biến cầu kỳ mà còn do cách thưởng thức đặc biệt của người phố Hội.
Đúng điệu cao lầu

Người Hội An không ai là không biết câu ca dao: “Hội An trăm vật trăm ngon - Từ từ cái miệng để chồng con được nhờ”. Nhắc đến những món ngon của phố Hội thì không thể không nhắc đến cao lầu - món ăn nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất. 

Cao lầu theo chân nhiều người đi khắp 3 miền đất nước, nhưng thưởng thức cao lầu ở Hội An - nơi nó xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam là đúng điệu nhất.

Cho đến nay, nguồn gốc và xuất xứ của cao lầu vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãu. Người thì cho rằng nó giống món mì udon của Nhật Bản. Người khác lại bảo cao lầu là món ăn bắt nguồn từ Trung Quốc, đọc trại từ “cao lâu”, nghĩa là muốn ăn thì phải lên lầu mới có. Cũng có người đặt câu hỏi, nếu xuất xứ từ Trung Quốc, tại sao ở Sài Gòn - Chợ Lớn không có món này dù đây tập trung nhiều người gốc Hoa? 

Nhưng dù bàn cãi thế nào thì không ai có thể phủ nhận sự khéo léo và cách chế biến tài tình của người dân phố Hội khi cho ra đời món ăn mang nhiều màu sắc và dư vị Hội An. Có lẽ, sự giao thoa giữa các nền văn hóa tại thương cảng sầm uất bậc nhất Đông Nam Á thế kỷ 17, 18 đã ảnh hưởng ít nhiều đến ẩm thực Hội An, tạo nên những món ăn “danh bất hư truyền” cho nơi đây.

Ngồi lầu cao ăn cao lầu mới đúng điệu! ảnh 1

Cao lầu Hội An. Ảnh: Tuoitre. 

Ở Hội An, tô cao lầu vàng ươm, dai giòn trộn kèm với thịt xíu, tóp mỡ, rau thơm Trà Quế, giá trần cùng ít nước lèo, hấp dẫn du khách xa gần bằng tên gọi đặc biệt của nó.

Theo lời truyền miệng, sở dĩ món ăn này được gọi là cao lầu bởi những người thuộc tầng lớp giàu có xưa kia tới các quán ăn ở Hội An thường ngồi trên lầu. Món ăn này thường được xướng mang “lên lầu”, lâu dần rút lại chỉ còn “cao lầu”.

Cũng có ý kiến cho rằng, xưa kia các quán ăn ở Hội An đều thiết kế không gian ăn uống ở tầng 2, các thương nhân khi tới dùng bữa đều phải leo lên lầu 2 (lầu cao), từ đó sinh ra cái tên cao lầu. Không biết, tên gọi “cao lầu” có phải xuất phát từ việc này hay không, nhưng mỗi khi nhắc tới món ăn này, người ta vẫn kể vui với nhau về gốc tích như vậy.

Bởi thế mà nhiều người cho rằng, chọn lầu cao để thưởng thức cao lầu mới đúng điệu. Vừa thưởng thức vị thơm ngon đậm đà tinh tế của cao lầu, vừa được ngắm nhìn cảnh quan Hội An qua khung cửa sổ trên cao là những trải nghiệm tuyệt vời mà du khách nên khám phá.

Niềm tự hào của ẩm thực phố Hội

Từ lâu, cao lầu đã được coi là niềm tự hào của ẩm thực phố Hội. Nhìn thoáng qua, cao lầu cũng giống mì Quảng, nhưng lại “khó tính” và công thức hơn trong khi thưởng thức. Cả mì Quảng và cao lầu đều có những sợ mì làm từ bột gạo, trộn ăn kèm với thịt, rau sống và ít nước lèo.

Ngồi lầu cao ăn cao lầu mới đúng điệu! ảnh 2

 Cao lầu là món ăn đặc sắc trong nền ẩm thực Hội An. Ảnh: Internet.

Nhưng khi ăn mì Quảng, ta có thể chế thêm nhiều loại thịt như: tôm, cua, cá, lợn, gà… thì cao lầu chỉ chung thủy với món thịt heo xá xíu (người Quảng Nam thường gọi là thịt xíu). Thịt xíu góp phần quan trọng trong việc định vị món cao lầu. Thịt càng thơm ngon, nước xíu ngọt vừa phải thì tô cao lầu càng hấp dẫn.

Có hình thức giống mì, bún, phở, bánh đa nhưng sợi cao lầu khác hẳn và cách làm cũng công phu hơn nhiều. Cao lầu là món trộn chứ không phải món chan. Sợi cao lầu màu vàng ruộm, vuông vức là điểm khác biệt dễ nhận biết nhất so với bún, phở, bánh đa.

Người Hội An cầu kỳ ở chỗ, họ ngâm gạo bằng tro củi tràm lấy từ mảnh đất Cù Lao Chàm để sợi cao lầu có màu vàng, độ giòn và dẻo khô đặc trưng. Họ cũng dùng nước giếng Bá Lễ mát lành nổi tiếng để xay gạo nhằm giữ cổ vị của cao lầu xưa. Ăn kèm theo là rau sống Trà Quế thơm ngon đặc biệt trồng trên chính mảnh đất quê hương.

Ngồi lầu cao ăn cao lầu mới đúng điệu! ảnh 3

 Đến Hội An để thưởng thức cao lầu mới đúng điệu. Ảnh: ivivu.

Cao lầu Hội An không phải một món ăn thượng hạng mà hấp dẫn vì độ vừa miệng và được thưởng thức trong khung cảnh rất trữ tình. Sợi mì giòn sần sật hòa cùng vị chua, cay, ngọt, ngậy, thơm, thanh thanh của nước lèo, rau sống, tóp mỡ hoặc bì lợn chiên giòn và thịt xíu khiến món ăn không bị ngấy mà rất dễ ăn.

Cao lầu - món ăn đậm chất phố Hội khiến biết bao người say mê. Năm 2014, tạp chí Huffington Post của Mỹ đã ca ngợi cao lầu Hội An là một trong những món thuộc “kho tàng ẩm thực của Việt Nam”. Dường như cao lầu không chỉ là món ăn gợi nhớ nét xưa cũ của phố Hội, mà còn gói ghém cả phong vị của mảnh đất cổ kính và đa sắc màu văn hóa này.

Tin bài liên quan