Ngoại hối căng như dây đàn

Ngoại hối căng như dây đàn

(ĐTCK-online) Khi các ngân hàng thương mại (NHTM) “kêu” ngoại tệ dư thừa thì vào đầu tuần trước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (đề nghị không nêu tên) đã khẳng định, không có chuyện dư thừa ngoại tệ trên thị trường. Tuy nhiên, cho đến cuối tuần qua, không chỉ một vài ngân hàng mà khá nhiều lãnh đạo ngân hàng lớn trong nước cũng như ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã phải thốt lên rằng, họ ngồi trên đống ngoại tệ như ngồi trên đống lửa. Mong muốn duy nhất của họ đến lúc này là NHNN “mở hầu bao” mua vào ngoại tệ để “giải phóng” cho họ.

Cũng theo các ngân hàng, việc NHNN dừng mua ngoại tệ một tháng qua khiến thị trường ngoại hối “căng như dây đàn”, và tình hình căng thẳng hơn rất nhiều so với thời điểm cuối tháng 12 năm ngoái. Nếu tình trạng ứ đọng ngoại tệ này kéo dài thêm 1 - 2 tuần nữa thì sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới thị trường, không chỉ với các ngân hàng mà thậm chí tác động tới cả các hoạt động kinh tế vĩ mô như đầu tư, xuất nhập khẩu.

 

“Ông nói chẳng, bà nói chuộc”

Trao đổi với ĐTCK, vị lãnh đạo NHNN trên khẳng định, trạng thái ngoại hối (tỷ lệ ngoại tệ nắm giữ trên tổng tài sản) các ngân hàng hiện nay bình quân vẫn ở dưới 15% nên không thể nói là các ngân hàng dư thừa ngoại tệ. Đây là con số báo cáo hàng ngày của các NHTM gửi lên NHNN.

“Vì sao là thừa, tiêu chuẩn nào để nói một ngân hàng kinh doanh ngoại hối là thừa, anh phải chứng minh bằng con số thừa ra ở điểm gì. Theo pháp luật Việt Nam , chỉ thừa ngoại tệ khi trạng thái ngoại hối vượt trên 30%, còn chưa vượt là chưa thừa”, vị lãnh đạo này nói.

“Theo luật thì NHNN là người buôn bán cuối cùng trên thị trường liên ngân hàng, NHNN mua bán cuối cùng là lúc trạng thái ngoại tệ của NHTM vượt 30%, hoặc khi trạng thái của NHTM chưa vượt nhưng hết nội tệ thì NHNN sẽ mua vào để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng”. Đây là lý do mà NHNN vẫn chưa mua vào ngoại tệ cho dù ở phía ngược lại, các ngân hàng đang “kêu la”.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một ngân hàng lớn khẳng định, mặc dù quy định trạng thái ngoại tệ là 30% nhưng thực tế không ngân hàng nào dám giữ một lượng ngoại tệ chiếm tới 30% vốn chủ sở hữu của mình bởi rất rủi ro. Đặc biệt, trong hơn hai tuần trở lại đây, tỷ giá bắt đầu giảm mạnh, việc nắm giữ một lượng lớn ngoại tệ đồng nghĩa với sự thua lỗ.

Trên thực tế thị trường ngoại tệ từ giữa tuần trước, các ngân hàng đã công bố giá mua ngoại tệ và giá bán ngoại tệ bằng nhau ở mức sàn cho phép của NHNN (tỷ giá bình quân liên ngân hàng trừ đi 0,5%). Đây là điều hiếm thấy trên thị trường ngoại tệ. Lãnh đạo một NHTM còn cho biết, đó là giá họ niêm yết, còn thực tế do dư thừa quá lớn nên một số ngân hàng đã “lách” bằng việc sử dụng một số công cụ phái sinh (như option - hoán đổi) để mua bán thấp hơn giá sàn tới 60 điểm.

“Từ đầu tháng 9 tới nay, tuần cao điểm tỷ giá giảm 100 điểm, như vậy cứ 1 triệu USD là ngân hàng lỗ 100 triệu đồng, mất một điểm là mất 1 triệu đồng”, vị lãnh đạo này nói và cho biết: “Các ngân hàng sử dụng công cụ option không nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro mà nhằm mục đích lách giá để đẩy giá mua xuống dưới mức giá sàn như quy định của NHNN. Đây là hành động từ chối mua ngoại tệ của khách hàng (doanh nghiệp bán ngoại tệ), khách hàng nào vẫn muốn bán thì phải bán với giá cực thấp, như ngày 11/10 giá sàn là 16.079 đồng/USD thì trên thị trường chỉ mua vào ở mức 15.995 đồng/USD, thấp hơn giá sàn mấy chục điểm. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, không sớm thì muộn doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ “kêu” rất mạnh và ảnh hưởng đến cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài”.

 

Cầm chừng và chờ

Do tỷ giá bị khống chế trong biên độ, nên các ngân hàng chỉ có thể lách mà không thể tự ý hạ tỷ giá mua bán của mình xuống. Lãnh đạo một ngân hàng nước ngoài lớn tại Việt Nam cho biết, trong thời điểm bình thường của thị trường thì doanh số mua bán ngoại tệ của ngân hàng khoảng 100 triệu USD/ngày, khách hàng bán ngoại tệ là doanh nghiệp và quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, khách hàng mua ngoại tệ là doanh nghiệp và các ngân hàng trong nước. Nhưng đến thời điểm hiện tại, do “bí” đầu ra nên các ngân hàng trong nước đã ngừng mua vào ngoại tệ. Chính vì vậy, những khách hàng có nhu cầu bán USD cho ngân hàng buộc phải chia nhỏ các khoản bán ra theo kiểu “mỗi hôm một chút”, còn khách hàng nào bán quá lớn, trên 10 triệu USD/ngày thì họ buộc phải từ chối.

Cũng theo vị lãnh đạo này, tình hình trên kéo dài thêm một chút thì không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu muốn bán USD cho ngân hàng chịu thiệt về giá hoặc khó bán được, mà các nhà đầu tư nước ngoài muốn đổi ngoại tệ sang nội tệ để giải ngân cũng không thể thực hiện được.

Hiện tại, do thị trường còn nhỏ, tỷ giá ngoại tệ chưa được thả nổi nên việc áp dụng các công cụ phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro là rất khó bởi hiệu quả thấp. Thêm vào đó, NHNN ngừng mua trong thời gian dài và không có thông báo cụ thể nên các ngân hàng cũng không thể dự báo sớm để sử dụng các công cụ này. Do đó, tình trạng bây giờ của các ngân hàng vẫn là nộp đơn xin bán ngoại tệ và… chờ một ngày nào đó NHNN sẽ mua vào.