GS-TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

GS-TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Ngoài đấu thầu vàng miếng, cần đánh thuế hoạt động đầu tư vàng

0:00 / 0:00
0:00
Tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu vàng miếng nhằm bình ổn thị trường vàng. Theo GS-TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ngoài đấu thầu vàng miếng, cho phép nhập khẩu vàng, cần phải đánh thuế hoạt động đầu tư vàng.

Ông có tin rằng, giá vàng SJC sẽ hạ nhiệt sau khi NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng?

Chưa cần phải tổ chức đấu thầu, giá vàng SJC trên thị trường mấy hôm nay đã dần hạ nhiệt sau khi liên tục lập đỉnh. Quan sát thị trường vàng nhiều năm qua, tôi thấy một điều khá thú vị là, mỗi khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đưa ra tuyên bố liên quan đến việc can thiệp vào thị trường là y như rằng, giá vàng trên thị trường sẽ hạ.

Kể từ năm 2013, NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng, lần đầu tiên cho đến nay, tất cả các tuyên bố về việc can thiệp vào thị trường vàng đều chỉ là... tuyên bố, nên sau một thời gian, giá vàng tăng trở lại với mức độ mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ, trước đây, cơ quan quản lý bỏ lửng việc can thiệp thị trường vàng là thấy giá vàng đã hạ, theo sát giá thế giới nên không cần phải can thiệp nữa.

Nhưng lần này, NHNN “làm thật”, chứ không chỉ tuyên bố. Bằng chứng là, NHNN đã yêu cầu doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng phải thực hiện đúng chế độ hóa đơn, chứng từ; áp dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch mua, bán vàng theo các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động mua, bán vàng, đặc biệt là mua, bán vàng miếng.

Giả sử vì lý do nào đó, NHNN trì hoãn việc đấu thầu vàng miếng, thì giá vàng có tăng trở lại không, thưa ông?

Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cho đến tháng 6/2020, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng trên thị trường thế giới. Từ tháng 6/2020 đến nay, chỉ có vàng SJC mới tăng đột ngột, đột biến, còn vàng nữ trang, các loại vàng thương hiệu khác vẫn biến động theo giá vàng thế giới.

Trên thực tế, mỗi khi kinh tế thế giới rơi vào bất ổn, nhà đầu tư bao giờ cũng tìm vàng là nơi trú ẩn, nhu cầu tăng thì giá tăng. Chúng ta đều biết, tháng 6/2020, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, hoạt động đầu tư, kinh doanh bị ngưng trệ, nhu cầu đầu tư vào vàng gia tăng, khiến giá vàng trên thế giới tăng, kéo theo giá vàng trong nước tăng.

Sau khi mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh lập lại trạng thái bình thường như trước đại dịch, thì hầu hết các nền kinh tế phải đối phó với lạm phát, mọi thứ hàng hóa, dịch vụ đều tăng giá, cộng với bất ổn thế giới càng ngày càng lan rộng, nên nhà đầu tư vẫn tiếp tục tìm đến vàng làm nơi trú ẩn, khiến giá vàng trên thế giới tiếp tục tăng, kéo theo vàng trong nước tăng.

Chỉ có điều, vàng trang sức và vàng miếng thương hiệu khác tăng nhịp nhàng với giá vàng thế giới, riêng vàng SJC lại tăng quá mạnh, khiến chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới lên đến cả chục triệu đồng mỗi lượng. Nguyên nhân là tâm lý người dân coi vàng SJC là thương hiệu quốc gia, nên giá cao hơn thị trường thế giới và các loại vàng khác ở thị trường trong nước rất nhiều.

Trước thực tế này, tôi nghĩ, NHNN chắc chắn phải tổ chức đấu thầu vàng miếng để giải “cơn khát” vàng.

Nghĩa là “cơn khát” vàng sẽ chấm dứt sau khi NHNN tổ chức đấu thầu vàng, thưa ông?

Theo khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới, cứ 100 người Việt Nam được hỏi, thì có 73 người muốn mua vàng, tức là tỷ lệ thích mua vàng của người Việt chiếm đến 73%, trong khi chỉ có 55% người dân ở những quốc gia nổi tiếng thích vàng là Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Ả-rập muốn mua vàng. Tâm lý của người Việt từ ngàn xưa, mua vàng ngoài làm vật trang sức, còn là tài sản tích trữ, dự phòng, làm của để dành.

Tổng giao dịch trên thị trường vàng Việt Nam vào khoảng 45-50 tấn mỗi năm, NHNN có thực hiện đấu thầu thì cũng chỉ cung cấp ra thị trường tối đa được 1%. Vì vậy, nếu chỉ thực hiện đấu thầu thì khó có thể kéo giá vàng SJC về sát giá vàng thế giới.

Theo ông, cần thêm giải pháp gì nữa?

Nhu cầu mua vàng của người dân lớn, nhưng chắc chắn không thể có đột biến mỗi khi giá vàng có xu hướng tăng, mà người mua vàng chủ yếu là đầu cơ, tức là coi vàng là kênh đầu tư tài chính. Tại sao đầu tư vào các kênh đầu tư tài chính khác như chứng khoán, bất động sản phải nộp thuế, mà đầu tư vào vàng không phải nộp thuế.

Trong mấy năm gần đây, đầu tư vào vàng thu được lợi nhuận rất cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân giá vàng tháng 3/2024 tăng trên 80% so với cuối năm 2019, tăng 22,71% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng gần 9,5% so với cuối năm 2023. Nghĩa là, đầu tư vào vàng lãi tương ứng 80%; 22,71% và 9,5% - lợi nhuận thu được cao gấp nhiều lần kênh đầu tư khác, nhưng không phải nộp thuế là vô lý.

Vì vậy, cùng với giải pháp đấu thầu vàng miếng, cần phải nghiên cứu đánh thuế đối với hoạt động kinh doanh, đầu tư vàng. Tất nhiên, mức thuế suất phải hợp lý để phát triển thị trường vàng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư.

Đánh thuế bằng cách nào, khi mà đi mua vàng, người dân chỉ được tiệm vàng ghi cho tờ giấy biên nhận?

Mọi hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn, chứng từ ghi nhận giao dịch. Trước đây, hóa đơn được thực hiện bằng bản giấy, kể từ ngày 15/7/2022 được thực hiện bằng hóa đơn điện tử. Ngay cả hoạt động kinh doanh xăng dầu bán lẻ, kể từ ngày 1/4/2024 bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử. Nếu mua bán vàng mà không thực hiện thì không công bằng với các mặt hàng khác.

Mới đây, NHNN yêu cầu tất cả doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng phải thực hiện hóa đơn điện tử trong giao dịch mua - bán vàng. Giao dịch được xác lập bằng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng kết nối với cơ quan thuế, thì mọi giao dịch mua vào - bán ra được ghi nhận, từ đó sẽ thu được thuế. Còn thu với tỷ lệ bao nhiêu, thu thế nào, cơ quan thuế sẽ tính toán để bảo đảm phát triển thị trường vàng, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Tin bài liên quan