Nghiên cứu người có nhóm máu A dễ bị nhiễm NCoV gây tranh cãi

Nghiên cứu người có nhóm máu A dễ bị nhiễm NCoV gây tranh cãi

(ĐTCK) Theo nghiên cứu sơ bộ nhóm bệnh nhân bị nhiễm nCoV tại Trung Quốc,  những người có nhóm máu A có tỷ lệ nhiễm nCoV cao hơn hẳn nhóm khác.

Nhật báo SCMP cho biết, nhóm nghiên cứu gồm các giáo sư, bác sỹ trên khắp Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Vũ Hán, Thượng Hải và Thâm Quyến dưới sự dẫn dắt của giáo sư Wang Xinghuan, người của Trung tâm y học chứng cứ và nghiên cứu y sinh, Bệnh viện Chung Nam Sơn, Đại học Vũ Hán đã lấy mẫu máu của những bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán và Thâm Quyến, sau đó so sánh với nhóm dân cư khỏe mạnh ở địa phương.

Nhóm này đã phát hiện ra những bệnh nhân có nhóm máu A có tỷ lệ nhiễm virus corona chủng mới cao hơn và có xu hướng bộc phát những triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Wang Xinghuan cho biết: "Những người thuộc nhóm máu A có thể sẽ cần tự tăng cường bảo vệ bản thân để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đối với những người nhóm máu A đã bị nhiễm bệnh sẽ cần được theo dõi và điều trị tích cực hơn."

Ngược lại, nghiên cứu cũng chỉ ra những người có nhóm máu O có nguy cơ nhiễm nCoV thấp hơn hẳn so với phần còn lại. Các nhà nghiên cứu công bố kết quả phát hiện trên kho dữ liệu Medrxiv.org hôm 11/3.

Cụ thể, trong số 206 bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tại Vũ Hán, người có nhóm máu A chiếm tỷ lệ 63% (85 người) cao hơn so với tỷ lệ 52% người có nhóm máu O. Thống kê bao gồm tất cả độ tuổi và giới tính khác nhau.

Nhóm tác giả nhấn mạnh, đây là nghiên cứu sơ bộ chưa qua thẩm duyệt của hội đồng chuyên gia và cần tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, họ vẫn đề xuất chính phủ và các cơ sở y tế xem xét khác biệt về nhóm máu khi hoạch định biện pháp giảm thiểu lây lan hoặc điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV.

Nghiên cứu người có nhóm máu A dễ bị nhiễm NCoV gây tranh cãi ảnh 1

Mô hình nhóm máu của hơn 2.000 bệnh nhân bị nhiễm NCoV ở Vũ Hán và Thâm Quyến được so sánh với các nhóm dân số khỏe mạnh tại địa phương. Ảnh: Shutterstock

Nghiên cứu trên cũng đã vấp phải không ít ý kiến tranh cãi. 

Gao Yingdai, nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm huyết học tại Thiên Tân, người không tham gia nghiên cứu cho rằng con số 2.000 người nghiên cứu là quá ít so với tổng số hơn 180.000 người nhiễm bệnh trên thế giới.

Một hạn chế khác của nghiên cứu là không đưa ra giải thích rõ ràng về hiện tượng, như tương tác phân tử giữa virus và các loại tế bào hồng cầu khác nhau.

Nhóm máu được được xác định thông qua kháng nguyên, phân tử kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Nhà sinh vật học người Áo Karl Landsteiner phát hiện các nhóm máu chính năm 1901 và đặt tên là nhóm A, B, AB, O, giúp truyền máu trở nên an toàn.  

Nhóm máu có tỷ lệ biến động trong dân số. Ở Mỹ, khoảng 44% dân số có nhóm máu O trong khi 41% thuộc nhóm máu A. Tại Vũ Hán, thành phố có dân số khoảng 11 triệu người, nhóm máu O chiếm 32% còn tỷ lệ nhóm máu A là 34%. Đối với bệnh nhân Covid-19, tỷ lệ nhóm máu O và A lần lượt là 38 và 25%.

Các nhà khoa học đến nay vẫn không biết chắc nhóm máu phát triển, tiến hóa khác nhau như thế nào. Nhiều ý kiến cho rằng yếu tố như: môi trường như độ cao, nhiệt độ hoặc độ ẩm có thể đóng vai trò thúc đẩy sự gia tăng của một nhóm máu nào đó trong dân số.

Những nghiên cứu trước đây ghi nhận nhiều bệnh truyền nhiễm khác như virus Norwalk, viêm gan B và hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm chia theo nhóm máu.

Theo Gao Yingdai, nghiên cứu mới này có thể hữu ích đối với các chuyên gia y tế, tuy nhiên người dân cũng nên vì thế mà quá lo lắng.

"Nếu thuộc nhóm máu A, bạn không cần hoảng sợ. Điều đó không có nghĩa tỷ lệ nhiễm bệnh của bạn là 100%. Nếu bạn có nhóm máu O, điều đó cũng không có nghĩa là bạn an toàn tuyệt đi. Bạn vẫn cần rửa tay thường xuyên và tuân theo hướng dẫn của cơ quan chức năng."

Tin bài liên quan