Nghiêm cấm ngân hàng, công ty tài chính ký hợp đồng biến tướng với các công ty mua bán nợ

0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, thời gian qua đã triệt phá rất nhiều đối tượng núp bóng công ty luật, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện đe dọa, cưỡng đoạt tài sản.
Nghiêm cấm ngân hàng, công ty tài chính ký hợp đồng biến tướng với các công ty mua bán nợ

Tín dụng đen diễn biến phức tạp

Ông Bùi Đức Tài, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho biết, lợi dụng những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm và vi phạm phát luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen có những diễn biến phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an vừa mở đợt tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen.

Qua đấu tranh triệt phá, cơ quan công an phát hiện đối tượng người nước ngoài gồm Trung Quốc, Nam Phi, Nga… đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1000%/năm, sau đó móc nối với một số nhân viên ngân hàng , công ty trung gian thanh toán, ví điện tử để giải ngân, thu hồi các khoản vay. Chính các ngân hàng là đối tượng mà chúng hướng tới, lợi dụng và thực hiện hành vi lừa đảo.

Một số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, khó đòi, nợ của các ứng dụng cho vay, nợ của các công ty tài chính, ngân hàng để đòi nợ.

Hành vi đòi nợ của các đối tượng này thể hiện ở ba cấp độ khác nhau gồm: Gọi điện đe dọa, chửi bới khách hàng để yêu cầu phải trả tiền; Gọi điện đe dọa, kể cả dọa giết người vay, đưa các hình ảnh của người vay lên mạng xã hội để bôi nhọ; Ném chất thải vào nhà, có trường hợp mang cả quan tài, can xăng đến nhà người vay vốn để đòi nợ.

Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá hàng loạt vụ việc núp bóng để xử lý hành vi cưỡng đoạt tài sản. Sau đó, hoạt động tội phạm có dấu hiệu tan rã, hoạt động cầm chừng, co cụm, gọi điện nhắn tin khủng bố có giảm.

Điển hình như Công an Tp.HCM triệt phá các băng nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ… Tiếp tục kiểm tra các Công ty TNHH Dịch vụ Galaxy DR, Chi nhánh một số công ty tài chính, tuy nhiên các công ty này đã đối phó, giải thể bộ phận thu hồi nợ, chuyển sang địa bàn khác, chia lẻ các nhân viên hoạt động tại nhà riêng...

Công an tỉnh Tiền Giang đấu tranh chuyên án triệt phá băng nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng công ty Luật TNHH Pháp Việt với 415 nhân viên chuyên mua lại các khoản nợ, đòi nợ thuê cho các chi nhánh ngân hàng, các công ty tài chính với tổng trên 2,6 triệu hợp đồng để hưởng hóa hồng từ 4 – 35%/hợp đồng (số hợp đồng đòi nợ là trên 500.000 hợp đồng vay), đã đòi nợ được từ 27.791 hợp đồng vay số tiền trên 100 tỷ đồng). Đến nay (tháng 8/2023) đã khởi tố 111 bị can về cưỡng đoạt tài sản.

Công an tỉnh Quảng Nam kiểm tra Công ty TNHH Legal Aplus (công ty luật) với khoảng 25 nhân viên thuê luật sư đứng tên đại diện pháp luật, có bộ phận thu hồi nợ, chuyên cắt ghép hình ảnh vu khống.

Công an TP.Hà Nội đấu tranh Chuyên án triệt phá băng nhóm núp bóng 7 Công ty, gồm Công ty Cổ phần đầu tư Omnia, Công ty TNHH thu hồi nợ CR, Công ty Luật TNHH Kiên Cường; Công ty TNHH Mua bán nợ DSP; Công ty TNHH Mua Bán nợ; Công ty CP DV tài chính Kiên Long, Công ty CPDV Bắc Án; Công ty CP DV tài chính Nam Á Lữ Gia với 119 nhân viên hoạt động đòi nợ thuê với các bộ phận kế toán, data khách hàng, IT -kỹ thuật, thu hồi nợ. Đến nay đã khởi tố 36 bị can.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo Cục Cảnh sát hình sự là có thiếu sót trong quản lý hoạt động của các chi nhánh ngân hàng thương mại, công ty tài chính (bộ phận thu hồi nợ) để các đối tượng móc nối, ký kết các hợp đồng mua bán nợ, ủy quyền thu hồi nợ, tư vấn pháp lý, tư vấn tài chính... nhưng thực chất là đòi nợ thuê.

Đồng thời, chưa kịp thời rà soát, phát hiện, kiến nghị xử lý đối với các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng nhưng kinh doanh dịch vụ cho vay (công ty cổ phần đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính...).

Do đó, Cục Cảnh sát hình sự kiến nghị rà soát, khắc phục sơ hở trong quy định, quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các bộ phận thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Nghiêm cấm các hành vi ký kết các hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ, đòi nợ thuê; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bùng nợ lan rộng, Cục Cảnh sát hình sự nói gì?

Tín dụng đen lan rộng thời gian gần đây, theo Bộ Công an là do tình hình sản xuất, kinh doanh, nhu cầu việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn của người dân tăng cao, trong khi chưa đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Một bộ phận người dân vẫn giữ thói quen tiêu dùng , vay vốn qua tín dụng đen. Chế tài xử lý hành vi liên quan tín dụng đen chưa đủ sức răn đe…

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ tín dụng đen bùng phát mạnh trở lại do các công ty tài chính tiêu dùng chính thống chưa được bảo vệ, tiêu biểu là tình trạng bùng nợ lan rộng, khiến các công ty này co hẹp hoạt động, buộc người dân phải tìm đến tín dụng đen.

Liên quan đến tình trạng "bùng" nợ, theo Cục Cảnh sát hình sự, nguyên nhân là nhận thức và ý thức cảnh giác của một bộ phận người dân vẫn còn chưa cao.

“Lợi dụng việc cơ quan chức năng xử lý các đối tượng cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty tài chính, mua bán nợ, doanh nghiệp, công ty luật, một số người vay vốn của hệ thống ngân hàng, công ty tài chính cố tình “chây ỳ” trả nợ, một số đối tượng thành lập các hội, nhóm lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tín dụng chính thống, phát sinh nhiều chi phí, rủi ro, buộc hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phải siết chặt các quy định, điều kiện cho vay để đảm bảo an toàn nguồn vốn, hạn chế nợ xấu, dẫn đến một số người dân tiếp cận vốn tín dụng khó khăn do không đáp ứng điều kiện vay nên nguyên nhân, điều kiện của hệ thống tín dụng đen chưa giải quyết triệt để, vẫn phức tạp”, ông Tài thừa nhận.

Tin bài liên quan