Giá gạo xuất khẩu được dự báo sẽ có diễn biến giảm trong những tháng cuối năm 2024

Giá gạo xuất khẩu được dự báo sẽ có diễn biến giảm trong những tháng cuối năm 2024

Nghịch lý với doanh nghiệp xuất khẩu gạo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng cao từ đầu năm 2023 đến giữa năm 2024, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống, thậm chí lỗ lớn.

Ngành gạo vui, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu buồn!

Năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam là 580 USD/tấn, tăng hơn 19% so với năm 2022; giá gạo trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức cao kỷ lục là 636 USD/tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam là một trong số ít ngành hưởng lợi trong và sau đại dịch Covid-19 khi giá gạo tăng và neo ở vùng cao, giúp kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng và ghi nhận giá trị kỷ lục.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng xuất khẩu gạo cả nước đạt hơn 6,15 triệu tấn, tăng 5,8% và tổng giá trị đạt 3,85 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước đó, trong năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu gạo đạt 3,54 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm 2021; sang năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo tăng 35,3%, lên 4,67 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu gạo tăng trưởng cao hơn nhiều mức tăng trưởng về sản lượng mang lại kỳ vọng doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, nhưng thực tế tại nhiều doanh nghiệp cho thấy điều ngược lại.

Cụ thể, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã TAR) sau khi ghi nhận lợi nhuận suy giảm trong năm 2022 đã báo cáo thua lỗ 15,5 tỷ đồng trong năm 2023 và lỗ thêm 8,2 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, dù doanh thu liên tục tăng.

Tính đến 30/6/2024, Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An có 138,3 tỷ đồng tiền mặt, nhưng tổng nợ vay lên tới 1.757,06 tỷ đồng, bằng 141% vốn chủ sở hữu. Đáng lưu ý, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính bán niên 2024.

Tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã AGM), doanh nghiệp này lỗ 233 tỷ đồng trong năm 2022, lỗ 220,9 tỷ đồng năm 2023 và lỗ thêm 98,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Tính tới ngày 30/6/2024, Angimex có lỗ luỹ kế 264,3 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ (182 tỷ đồng). Kinh doanh thua lỗ nên Công ty liên tục chậm trả lãi và gốc các trái phiếu có mã AGMH2123001 và AGMH2223001.

Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG), doanh nghiệp liên tục báo cáo doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm. Trong đó, năm 2023, Lộc Trời đạt doanh thu 16.088,1 tỷ đồng, tăng 37,6%; lợi nhuận 16,5 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2022. Hiện tại, Công ty chưa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.

Trong giai đoạn khó khăn về dòng tiền, Lộc Trời chậm thanh toán tiền cho người nông dân, dù thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên khoản chi trả tiền lúa cho bà con nông dân.

Hồi tháng 5/2024, Lộc Trời trúng thầu cung cấp 60.000 tấn gạo cho Indonesia với mức giá 563 USD/tấn, thấp hơn 16 USD/tấn so với giá chào ban đầu, gây ra phản ứng từ một số doanh nghiệp khác trong ngành về việc hạ giá để trúng thầu, ảnh hưởng tới giá xuất khẩu toàn thị trường.

Khi đó, đại diện Lộc Trời chia sẻ: “Khi ký kết các đơn hàng, từng mức giá đều được tính toán rất kỹ lưỡng, bù đắp được các khoản chi phí, Lộc Trời có lợi nhuận đồng thời hài hòa lợi ích của bà con nông dân, lợi ích thị trường và lợi ích của nông sản Việt Nam về lâu dài. Theo đó, mức giá của đơn hàng 100.000 tấn lần này (bao gồm 60.000 tấn cung cấp cho Indonesia - PV) đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời phản ánh tình hình thị trường lúa gạo hiện tại, đúng phẩm cấp chất lượng gạo theo yêu cầu, có tính thời điểm và không làm ảnh hưởng tới các đợt đấu thầu tiếp theo cũng như giá xuất khẩu của 6 - 8 triệu tấn gạo mà Việt Nam xuất khẩu hàng năm ra thị trường thế giới”.

Tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính bán niên 2024 và do đang có sự biến động về nhân sự cấp cao nên đại diện truyền thông Lộc Trời cho biết, chưa thể tiếp tục chia sẻ câu chuyện về tình hình kinh doanh cũng như tác động của biến động giá gạo gần đây tới triển vọng kinh doanh.

Theo Công ty Chứng khoán DSC, lĩnh vực lương thực - lúa gạo là mảng đóng góp chính cho doanh thu của Lộc Trời, nhưng biên lợi nhuận mảng này thấp, chỉ từ 2 - 3%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có dư nợ vay lớn, áp lực chi phí tài chính tăng cao, đồng thời chịu khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá.

“Việc tăng vay nợ để thúc đẩy mảng lúa gạo đang trở thành con dao hai lưỡi, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Lộc Trời”, Chứng khoán DSC nhận xét.

Thực tế, tình trạng trên của Lộc Trời là câu chuyện chung của ngành khi các doanh nghiệp đẩy mạnh vay nợ để tích trữ lúa gạo, nhưng do biên lợi nhuận mỏng, giá gạo khi bán nhiều khi không cao như giá thị trường vì hợp đồng được ký từ trước, trong khi giá thu mua của bà con nông dân lại điều chỉnh tăng, nên doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm, thậm chí thua lỗ.

Ấn Độ là biến số nguồn cung

Hiện tại, thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là lượng tồn kho giá cao còn nhiều, trong khi nguồn cung gạo trên thế giới có thể tăng trở lại, khi Ấn Độ mở rộng vùng gieo trồng và dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngày 13/9/2024, Ấn Độ bỏ chính sách áp giá sàn xuất khẩu với mặt hàng gạo basmati và đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati, vốn được áp dụng từ ngày 20/7/2023 để ứng phó với tình trạng khan hiếm gạo và giá cả nội địa tăng cao. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đã hoàn thành cuộc tổng tuyển cử, tồn kho gạo cao và giá bán lẻ trên thị trường đang ở mức bình ổn.

Dù gạo non-basmati bị cấm xuất khẩu, nhưng Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2023, cung cấp khoảng 20,3 triệu tấn, tương ứng với khoảng 37% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.

Tình trạng mưa nhiều đã giúp diện tích đất gieo trồng lúa tại Ấn Độ tăng cao, dự báo nguồn cung gạo sẽ gia tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm nhẹ.

Trong báo cáo tháng 9/2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, sản lượng gạo toàn cầu niên độ 2024/2025 có thể đạt mốc cao lịch sử là 527,5 triệu tấn, do nguồn cung dồi dào từ Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Thái Lan và Việt Nam.

Bà Nguyễn Hà Minh Anh, chuyên viên phân tích cấp cao, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết: “Nếu Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong lúc nguồn cung toàn cầu khả quan sẽ có tác động tiêu cực lên giá gạo xuất khẩu. Theo quan sát của chúng tôi, giá gạo thế giới đang có xu hướng giảm, cụ thể giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện giảm trung bình 2%, còn giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm trung bình 7% so với quý II/2024”.

“Với khả năng dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và nguồn cung toàn cầu tương đối dồi dào, chúng tôi cho rằng, giá gạo Việt Nam sẽ giảm trong những tháng cuối năm 2024 và ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu gạo vẫn sẽ khả quan nhờ các khách hàng lớn của Việt Nam như Philippines và Indonesia gia tăng nhập khẩu nhằm phục vụ cho tiêu dùng nội địa cuối năm, đồng thời doanh nghiệp Việt Nam chủ động tìm kiếm khách hàng ở thị trường mới nhằm đa dạng hóa đầu ra”, bà Minh Anh chia sẻ.

Tin bài liên quan