Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ toàn cầu tích lũy ở mức 235.000 tỷ USD vào cuối năm 2022, gần gấp 10 lần quy mô của toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Tất cả được gắn kết với nhau bằng sự tin tưởng và ý thức rõ ràng về trật tự phân hạng. Mỗi người đi vay đều có vị trí thích hợp trên thị trường, dựa trên tín nhiệm hoặc khả năng trả nợ. Ai có thể vay bao nhiêu và với giá bao nhiêu - tất cả đều được hiểu rất rõ ràng.
Ví dụ, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới với các doanh nghiệp lớn nhất và là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư toàn cầu. Sức mạnh kinh tế vô song như vậy có nghĩa là chính phủ Mỹ có thể vay tiền với chi phí rẻ hơn nhiều so với các thực thể có chủ quyền khác - đặc biệt là các quốc gia thuộc thị trường mới nổi có xếp hạng tín nhiệm yếu hơn.
Nhưng trong một diễn biến đáng ngạc nhiên đi ngược lại một số quy ước lâu đời của thị trường trái phiếu toàn cầu, chi phí đi vay của Chính phủ Mỹ đã vượt xa chi phí đi vay của các quốc gia đang phát triển có xếp hạng kém hơn nhiều như Maroc và Bulgaria.
Tất cả là do cuộc chiến kiểm soát lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khiến lãi suất tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ những năm 1980. Fed đã nâng lãi suất - mức sàn cho tất cả lãi suất thị trường theo mặc định - lên hơn 500 điểm cơ bản trong 20 tháng qua.
Và điều đó đã đẩy lợi suất trái phiếu Kho bạc - đại diện cho chi phí đi vay của chính phủ - lên cao. Lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm đã tăng gần gấp ba kể từ cuối năm 2021 lên khoảng 4,5% - giảm từ mức cao nhất trong 16 năm trên 5% đạt được vào tháng trước.
Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ hiện cũng cao hơn lợi suất ở các thị trường mới nổi như Maroc và Bulgaria. Lãi suất tương tự chỉ ở mức 3,8% ở Hy Lạp - nền kinh tế nằm ở trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu cách đây một thập kỷ và cần nhiều gói cứu trợ của Liên minh châu Âu trong những năm tiếp theo.
Lãi suất cao của Mỹ cũng phản ánh mối lo ngại của nhà đầu tư về tình hình tài chính công đang xấu đi của Mỹ. Tổng nợ của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua lên 33.700 tỷ USD - cao hơn 25% so với GDP của quốc gia.
Moody's Investor Service đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Mỹ vào tuần trước từ “ổn định” xuống “tiêu cực” với lý do nợ ngày càng tăng và lãi suất cao. Vào tháng 8, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng nợ dài hạn của Mỹ từ AAA xuống AA+.