Vòng quay vay - gửi
Theo một lãnh đạo ngành tài chính, hiện một số doanh nghiệp không muốn đầu tư, sản xuất mà gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Nhưng nếu xét về thực tế, điều đó cũng bình thường, vì nếu có dòng tiền thừa, các doanh nghiệp thường để ở ngân hàng để hưởng lãi suất tiết kiệm.
Chuyện bình thường nhưng hơi bất bình thường ở chỗ, có không ít trường hợp các doanh nghiệp lớn, có nguồn tiền thừa hiện nay vẫn đem vào ngân hàng gửi, nhưng lại đi vay vốn khi cần. Nguyên nhân là do việc vay vốn hiện nay, nhiều ngân hàng chạy đua cạnh tranh để giành khách tốt nên chỉ cho vay lãi suất 5,5 - 7%/năm, trong khi không ít ngân hàng nhỏ cần vốn vẫn đang nhận tiền gửi với lãi suất 7 - 8%/năm.
Nói về câu chuyện này, tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn cho rằng, trước tình hình sức mua hiện nay thà tranh thủ để thời gian đi du lịch, nghỉ ngơi và đem tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng, thay vì sản xuất, kinh doanh không có lãi và nguy cơ lỗ lớn.
Lời nhận định trên không phải không có lý khi sức mua trên thị trường còn thấp, kinh doanh nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn. Gửi tiết kiệm là một giải pháp không hề tồi! Nếu có nhu cầu vốn kinh doanh, đặc biệt là vốn lưu động thì đi vay ngân hàng giá rẻ là giải pháp cần được tính.
Tình trạng vay - gửi như nói trên trong góc nhìn của các chuyên gia ngân hàng thì cũng không phải là lạm dụng. Vấn đề ở chỗ, không loại trừ trường hợp trong quá khứ đã từng xảy ra, một số doanh nghiệp có sức khỏe tốt, dự án khả thi được vay vốn lãi suất thấp sau đó đem tiền này gửi ngân hàng nhỏ để hưởng lãi suất cao.
Vấn đề này được TS Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN đánh giá sẽ rất có hại, vì vốn không ra được nền kinh tế mà chỉ chạy vòng quanh trong hệ thống ngân hàng.
Tín dụng không thể thúc bằng lãi suất
Trong khi đó, với ngân hàng, thanh khoản dồi dào, nhưng ngân hàng cũng tìm đến các doanh nghiệp tốt để cho vay, dù lãi suất thấp. Tăng trưởng tín dụng chậm trong nửa đầu năm cũng là điều dễ hiểu theo yếu tố mùa vụ. Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng tín dụng những tháng còn lại của năm 2014, theo các NHTM, vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhóm doanh nghiệp hết tài sản đảm bảo, nhưng có dự án kinh doanh khả thi và cơ hội phục hồi cần xem xét để rót vốn cho vay, nhưng các ngân hàng cũng hết sức thận trọng, vì trong bối cảnh hiện nay có quá nhiều rủi ro. Do đó, theo chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn, bản thân ngân hàng cũng không thể ồ ạt đẩy vốn ra thị trường để kỳ vọng đạt mục tiêu tín dụng nếu không kiểm soát được chất lượng tín dụng.
“Chính phủ đã có chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách xem xét để cho vay tín chấp, song với hoạt động ngân hàng không thể cho vay mà không có tài sản đảm bảo. Do đó, ngân hàng không dễ triển khai tín dụng tín chấp một cách ồ ạt, mà phải có sự chọn lọc rất gắt gao, nhất là trước tình hình nợ xấu vẫn có xu hướng tăng lên. Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, hoạt động tín dụng ngân hàng hiện nay không khác gì tiệm cầm đồ, nhưng với vai trò của ngân hàng, yếu tố cần đầu tiên là tài sản đảm bảo”, lãnh đạo một ngân hàng nói.
Bản thân tài sản đảm bảo cũng không phải là yếu tố quyết định doanh nghiệp có trả được nợ và lãi. Phương án kinh doanh tốt mới là yếu tố quyết định, tài sản đảm bảo là bất động sản thì nguy cơ đóng băng tiền tại tài sản đảm bảo là rất lớn nếu doanh nghiệp không kinh doanh được.
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, các ngân hàng phải “làm việc” nhiều hơn. Doanh nghiệp khó và ngân hàng cũng khó, tìm một tiếng nói chung và tư vấn những giải pháp tài chính tốt cho doanh nghiệp là vai trò của ngân hàng, chứ không chỉ là lãi suất thấp sẽ kích thích doanh nghiệp vay. Thực tế, lãi suất vay quá thấp thậm chí bị doanh nghiệp lợi dụng vay để gửi hưởng chênh lệch lãi suất.
Còn về mặt điều hành, theo TS. Kiêm, 6 tháng đầu năm tín dụng toàn ngành mới tăng được 3,52% thì khó tránh được tình trạng tăng dồn cục trong nửa cuối năm. Điều này đã từng xảy ra cuối năm 2013 và khi dòng vốn vận hành kiểu “dồn toa” sẽ dễ tạo ra các “di chứng” cho tương lai.