Nghịch lý lãi suất giảm, tín dụng âm

Nghịch lý lãi suất giảm, tín dụng âm

Yêu cầu giảm thêm lãi suất cho vay trong Nghị quyết thường kỳ tháng 2 do Chính phủ vừa ban hành đã đáp ứng kịp thời mong mỏi của doanh nghiệp. Vấn đề còn lại hiện nay là, khi giảm lãi suất, liệu vốn có chảy vào sản xuất, bởi đây không đơn thuần là chuyện giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Yêu cầu giảm lãi suất được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh sản xuất vẫn trì trệ, huy động vốn vẫn tăng trưởng đều, trong khi tính đến ngày 20/2, tín dụng lại tăng trưởng âm 1,66%. Tình hình trên đang khiến nhiều ngân hàng dư thừa vốn phải đổ xô mua trái phiếu chính phủ.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia tài chính, mức lãi suất mà các ngân hàng có thể giảm thêm sẽ không lớn, chỉ 1 - 2%/năm. Cơ quan quản lý cũng cho rằng, ngân hàng thực chất là một doanh nghiệp, nếu giảm lãi suất cho vay quá sâu, thì tất yếu sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và sức khỏe của ngân hàng.

Chưa kể, từ ngày 1/6 tới đây, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng chuẩn phân loại nợ mới, nợ xấu của một số ngân hàng có khả năng tăng lên, đồng nghĩa với việc các ngân hàng này phải dành một lượng vốn không nhỏ để tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Tuy lãi suất giảm chỉ 1-2%/năm, nhưng doanh nghiệp vẫn hết sức mong chờ, bởi lãi suất giảm sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thêm động lực sản xuất. Trên thực tế, mặt bằng lãi suất của Việt Nam dù đã giảm mạnh trong 2 năm qua, song vẫn cao gấp đôi, gấp ba nhiều nước trong khu vực. Hiện lãi vay sản xuất thông thường của các doanh nghiệp dao động ở mức 11-12%/năm. Với mức chi phí giá vốn này, doanh nghiệp phải có lãi khoảng 15% mới kinh doanh hiệu quả. Đây quả thực là một thách thức trong bối cảnh hiện nay.

Giảm lãi suất được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2014 nhằm hỗ trợ giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Song vấn đề đặt ra là, liệu doanh nghiệp có tiếp cận được vốn?

Nghịch lý diễn ra là trước đây, dù lãi suất cho vay lên tới 25%/năm, nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng chấp nhận, nhưng hiện nay, khi giảm một nửa, thì tại sao, họ vẫn thờ ơ?. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp ngại vay vốn vì sản xuất vẫn bí đầu ra, lợi nhuận làm ra không đủ bù đắp chi phí.

Rõ ràng là, để phá băng tín dụng, kích thích sản xuất, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế thì lãi suất cần phải giảm thấp hơn nữa. Dĩ nhiên, không thể kỳ vọng tất cả doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn giá rẻ. Lý do là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương hạ lãi suất, song cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại đảm bảo an toàn vốn vay, kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng.

Song nói như vậy không có nghĩa là phó mặc cho doanh nghiệp và ngân hàng, mà Chính phủ cũng cần vào cuộc. Chương trình kết nối cung – cầu mà TP.HCM đã và đang thực hiện là một ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, mô hình cho vay nông nghiệp có bảo hiểm lãi suất, mô hình 4 nhà (nhà băng, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng, chủ đầu tư) mà Ngân hàng BIDV đang triển khai.. là những mô hình hiệu quả, cần được nghiên cứu, nhân rộng. 

Cuối cùng, nhằm hướng dòng vốn vào sản xuất, việc huy động trái phiếu cũng phải theo liều lượng thích hợp, tránh để trái phiếu chèn lấn tín dụng sản xuất. Đồng thời, đẩy nhanh giải ngân lượng trái phiếu này để kích cầu nền kinh tế.

Tin bài liên quan