Không thể chống hàng giả, hàng nhái nếu doanh nghiệp không tích cực hợp tác (ảnh minh họa)

Không thể chống hàng giả, hàng nhái nếu doanh nghiệp không tích cực hợp tác (ảnh minh họa)

Nghịch lý doanh nghiệp “sợ” chống hàng giả, hàng nhái

Bản thân các doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái hàng hóa lại hờ hững, e ngại, không hợp tác chống hàng giả đang là một nghịch lý có thật.     

Doanh nghiệp “ngán”  chống hàng giả?

“Lẽ ra, khi công an bắt được đối tượng làm giả sản phẩm của mình doanh nghiệp phải vui, nhưng họ lại chạy đến vò đầu bứt tai nói rằng “thế thì chết doanh nghiệp”, rằng công bố ra doanh nghiệp sẽ bị giảm doanh thu. Thế thì chống hàng giả, hàng nhái sao được!”, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã công khai nghịch lý này ngay tại Hội nghị Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp diễn ra giữa tuần này.

Có doanh nghiệp được thông báo, hàng của họ bị làm giả trong dịp gần Tết, nhưng lại xin chúng tôi đừng công bố danh tính, vì sợ người tiêu dùng bị “ám”, nên hàng thật sẽ dính vạ lây mà nằm lưu kho.

“Vậy thì tuyên chiến với hàng giả để làm gì, nếu không vì lợi ích của doanh nghiệp, của người tiêu dùng”, một đại diện Ban Chỉ đạo 389 cũng bức xúc nói.

Có doanh nghiệp được thông báo, hàng của họ bị làm giả trong dịp gần Tết, nhưng lại xin chúng tôi đừng công bố danh tính, vì sợ người tiêu dùng bị “ám”, nên hàng thật sẽ dính vạ lây mà nằm lưu kho.

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), một những nguyên nhân khiến công tác chống hàng giả, gian lận thương mại chưa đạt kết quả cao là do “ý thức của cộng đồng về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế”. Bên cạnh đó, còn do nguồn lực kinh phí, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực của quản lý thị trường phục vụ công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... còn quá mỏng.

“Quan trọng hơn, không ít những doanh nghiệp, chủ thể bị xâm phạm lại chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng, chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng”, ông Tín nhận xét thêm.

Hạn chế về tâm lý sợ hàng giả ảnh hưởng đến doanh thu, thương hiệu, mất uy tín của doanh nghiệp, phần nào đã lý giải vì sao cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn gian nan và mỗi năm vẫn có hơn 25.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ…

Phải “cùng chung chiến hào”!

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, để chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các địa phương - đóng vai trò quyết định. Hơn thế, cần làm rõ vai trò doanh nghiệp trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm.

“Cần phải quan tâm xem doanh nghiệp đã ý thức và đầu tư đúng mức độ vào công tác chống hàng giả, quyền xâm phạm sở hữu trí tuệ hay chưa? Doanh nghiệp đã đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác chống hàng giả? Sự phối hợp với các đơn vị thực thi đã thực sự hiệu quả?”, ông Hải nói.

Phó cục trưởng Cục cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an), ông Hoàng Văn Trực, cũng nhấn mạnh, đối với các doanh nghiệp, hãy chủ động tự bảo vệ mình, bằng cách khai báo, để các cơ quan nắm được về các loại hàng hóa của doanh nghiệp bị các đơn vị khác giả nhãn hiệu, thương hiệu.

Ông Lê Thế Bảo cho rằng, không thể chống hàng giả, hàng nhái nếu doanh nghiệp không tích cực hợp tác.

“Các doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị thực thi chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần phải ủng hộ các lực lượng thực thi trong vấn đề này”, ông Bảo nhấn mạnh.

Bày tỏ sự sẵn sàng phối hợp vối cơ quan chức năng, nhưng ông Nguyễn Anh Ngọc, Trưởng phòng Nhãn hiệu và xử lý vi phạm (Công ty cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip) cũng đề xuất, việc xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ hiệu quả hơn nhiều, nếu có thể điều tra để tìm ra được đơn vị sản xuất, hoặc đầu mối nhập khẩu hàng giả. Tuy nhiên, đây là công việc rất khó khăn và nguy hiểm. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của lực lượng công an trong việc điều tra và xử lý đối với các trường hợp nêu trên.

Theo ông Trần Nam, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Viglacera, khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, Công ty dù đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm.

“Chế tài xử lý quá nhẹ khiến người bán hàng giả, hàng nhái không sợ, người ta cứ ngang nhiên tiếp tay cho các hành vi phạm pháp. Chúng tôi đề nghị phải có chế tài mạnh hơn nữa để chống hàng giả và để doanh nghiệp có lòng tin về công cuộc này”, ông Nam đề xuất.

Còn Nguyễn Đức Hiệp, Ủy viên HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết, để đối phó với vấn nạn này, Tổng công ty Thép Việt Nam đã thành lập Tổ chống hàng giả để điều tra và tiếp nhận thông tin; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý khi phát hiện ra đối tượng sản xuất, mua bán  hàng giả, xây dựng quy trình xử lý khi phát hiện ra hàng giả để có thể phản ứng kịp thời, tham gia vào Hiệp hội VATAP, thiết lập mối quan hệ với các cơ quản quản lý nhà nước trong việc chống hàng giả để phối hợp kịp thời khi xử lý.

Tin bài liên quan