Nghịch lý đầu tư nước ngoài

Vài ngày trước Giáng sinh 2006, TTCK Thái Lan sụt giảm mạnh tới 15% ngay sau khi nước này công bố những biện pháp mới nhằm kiểm soát luồng vốn đầu tư nước ngoài. Ai đó có cho rằng, những lo ngại lịch sử đang lặp lại cũng không phải là vô cớ. Đã gần 10 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra, khi mà lượng vốn đầu tư tăng cao đến mức tột bậc, khiến cho các nền kinh tế và thị trường tài chính khu vực bị sụp đổ.

Mặc dù những biện pháp vụng về của Thái Lan đã được dỡ bỏ ngay sau đó, chỉ còn áp dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu, nhưng dưới góc nhìn của các nhà phân tích quốc tế, đây có thể coi là một triệu chứng xuất phát từ tình trạng dư thừa vốn trên toàn thế giới.

Vấn đề mà Thái Lan và các nước châu Á khác đang đối mặt hiện nay dường như hơi nghịch lý, đó là làm cách nào để hạn chế nguồn vốn đầu tư chảy vào. Lượng vốn dồi dào trên thế giới đang cuốn hút các nhà đầu tư nhảy vào những lĩnh vực có tính rủi ro cao nhằm tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn. Năm ngoái, dòng vốn này ồ ạt chảy vào các nền kinh tế mới nổi, đẩy giá đồng nội tệ lên cao hơn. Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2006 đến giữa tháng 12/2006, đồng baht Thái Lan đã tăng 16% so với đồng USD, mức tăng cao hơn hầu hết các đồng tiền khác.

Những diễn biến trên TTCK Thái Lan gần đây đã làm xói mòn lòng tin của giới đầu tư vào các nhà lập pháp nước này. Tuy nhiên, chính những biện pháp cứng rắn mà Thái Lan đề ra lại càng làm nổi bật lên tính nghiêm trọng của một nghịch lý mà đâu đó ở châu Á đang phải đối mặt: làm cách nào để kiểm soát khả năng thanh toán nội địa khi luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào. Thái Lan đã có thể để đồng baht tăng giá hơn nữa, nhưng đồng tiền này năm ngoái đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền châu Á khác, điều này gây nên lo ngại đến năng lực cạnh tranh của các nhà xuất khẩu.

Một số nước châu Á khác cũng đang tìm cách bớt khuyến khích luồng vốn đầu tư nước ngoài. Hồi tháng 12/2006, Hàn Quốc đã nâng mức yêu cầu dự trữ đối với trái phiếu bằng ngoại tệ để các ngân hàng khó khăn hơn trong việc vay nợ từ nước ngoài. Trung Quốc cũng đặt ra những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài, giúp nước này trong việc kiềm chế tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, điều này gây ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của các nền kinh tế châu Á khác. Nhiều nhà kinh tế tính toán rằng, nếu đồng Nhân dân tệ lên giá sẽ giúp thâm hụt thương mại của Mỹ giảm xuống một phần, ngoài ra nó giúp dỡ bỏ áp lực đè nặng lên các nhà xuất khẩu châu Á và góp phần kiềm chế sự lưu chuyển ồ ạt của vốn đầu tư trên toàn cầu.