Tỷ lệ vốn khả dụng tại thời điểm cuối tháng 6/2014 của DVSC là 281%

Tỷ lệ vốn khả dụng tại thời điểm cuối tháng 6/2014 của DVSC là 281%

Nghịch cảnh, nhiều CTCK âm vốn chủ vẫn có chỉ tiêu an toàn tài chính cao

(ĐTCK) Hiện tại, nhiều CTCK không rơi vào tình trạng bị kiểm soát, nhưng tình hình tài chính không thực sự cho thấy sự bền vững như lợi nhuận âm, lỗ luỹ kế lớn dẫn đến âm vốn chủ sở hữu và hoạt động khá “bê bết”.

Theo Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, CTCK sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát khi có tỷ lệ vốn khả dụng dao động từ 120 - 150% và kiểm soát đặc biệt khi tỷ lệ này giảm xuống dưới 120%.

CTCK Đại Việt (DVSC) vừa công bố báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính với tỷ lệ vốn khả dụng tại thời điểm cuối tháng 6/2014 là 281%, vượt xa mức quy định để bị đưa vào diện kiểm soát. Tuy nhiên, cũng tại thời điểm này, lỗ luỹ kế của DVSC lên đến 195,5 tỷ đồng, gần bằng vốn chủ sở hữu và chỉ còn cách vốn điều lệ 50,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo quyết toán, DVSC lỗ 208 triệu đồng trong quý II/2014, luỹ kế 6 tháng lãi gần 883 triệu đồng. Vậy nhưng, sau khi báo cáo tài chính bán niên được kiểm toán soát xét, lợi nhuận 6 tháng chuyển thành âm gần 20 tỷ đồng.

Tình trạng chênh lệch số liệu quá lớn như trên đã từng xảy ra trước đây. Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2011 do Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam (AASCS) kiểm toán ghi nhận mức lỗ của DVSC trong năm là gần 3,4 tỷ đồng. Đến năm sau, khoản lỗ này được công ty kiểm toán khác “trình bày lại” là âm gần 57,4 tỷ đồng. Nhờ lỗ được chuyển sang năm trước nên năm 2012, DVSC lãi gần 3,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, DVSC có các khoản phải thu khác trị giá 96,8 tỷ đồng, nhưng trích lập dự phòng lên đến 81,4 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là những khoản mà DVSC cho khách hàng vay chưa thu hồi được, đã quá hạn từ năm 2009.

Nói cách khác, 84% số tiền cho nhà đầu tư vay trước đây giờ đã “cuốn theo chiều gió”. Lưu ý thêm, đến thời điểm này, DVSC vẫn chưa tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2013.

Không ít CTCK khác có tỷ lệ an toàn tài chính cao nhưng hoạt động cũng bê bết không kém, chẳng hạn CTCK Kenanga (KVS). Tỷ lệ an toàn tài chính của KVS tại thời điểm cuối tháng 6/2014 là 235,49%, nhưng trong vòng 2 năm trở lại đây, chưa có quý nào KVS có lãi.

Theo báo cáo quyết toán, KVS lỗ hơn 1 tỷ đồng trong quý II/2014, sau khi được kiểm toán soát xét, khoản lỗ này tăng lên thành âm 5,56 tỷ đồng. Vốn điều lệ của KVS là 135 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 97,8 tỷ đồng.

Doanh thu chính của KVS là lãi tiền gửi và cho vay ẩn dưới hình thức “hợp đồng hợp tác kinh doanh” và “hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư”. Từ lâu, nội bộ KVS lục đục. CTCK này đã gửi hồ sơ xin chấm dứt tư cách thành viên tại 2 Sở GDCK.

Một trường hợp khác, CTCK Phương Đông (ORS) có vốn điều lệ 240 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 80 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của ORS ở mức trên 150% (cuối tháng 6/2014 là 178,54%) nên chưa bị xem xét đưa vào diện kiểm soát.

ORS vẫn còn một “mớ bòng bong” của quá khứ để lại. Trong số 429 tỷ đồng tiền mặt được ghi nhận trong báo cáo tài chính tại thời điểm cuối tháng 6/2014 có đến 380 tỷ đồng là tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã ngưng giao dịch. Kiểm toán cho biết, đây là số tiền ORS nhận từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong để thực hiện các hợp đồng môi giới mua bán chứng khoán. Số tiền này đã được Toà án xác định trách nhiệm bồi hoàn của Huỳnh Thị Huyền Như (Huyền Như bị phạt tù chung thân do phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức). ORS chưa trích lập dự phòng cho khoản tiền này.

Cũng tại thời điểm cuối tháng 6/2014, ORS có khoản phải thu khác gần 136,5 tỷ đồng, trong đó xấp xỉ 62% số này thuộc vào loại khó đòi. Bên cạnh đó, danh mục đầu tư chứng khoán dài hạn của Công ty trị giá hơn 102 tỷ đồng, nhưng nay chỉ đáng giá 44 tỷ đồng.

Đối với CTCK Châu Á (ASC), tỷ lệ an toàn vốn khả dụng đạt 230% tại thời điểm cuối tháng 6/2014. Cũng tại thời điểm này, vốn điều lệ của ASC là 56 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn chưa đến 28,2 tỷ đồng, tức lỗ luỹ kế hơn 27,8 tỷ đồng. ASC được thành lập từ năm 2009, đến nay chưa năm nào có lãi, trừ năm đầu tiên lãi vài chục triệu đồng.      

Tỷ lệ vốn khả dụng = (Vốn khả dụng x 100%)/Tổng giá trị rủi ro

- Định kỳ hàng tháng, CTCK phải báo cáo UBCK về tỷ lệ vốn khả dụng.

- Khi vốn khả dụng xuống dưới 180%, CTCK phải báo cáo 1 tháng 2 lần với UBCK.

- Khi vốn khả dụng xuống dưới 150%, CTCK phải báo cáo 1 tuần 1 lần với UBCK.

- Khi vốn khả dụng xuống dưới 120%, CTCK phải báo cáo hàng ngày với UBCK.

Tin bài liên quan