“Sợ Tết lắm!”; “Đang yên đang lành, bỗng dưng lại Tết”!
Chẳng hiểu sao, càng ngày tôi càng nghe được nhiều câu nói như vậy, nhất là với những người ở quãng tuổi trung niên. Ở đời, nỗi sợ hay thích, cảm giác ghét yêu, tôi nghĩ đều gắn với những kỷ niệm, hay trải nghiệm có/không thú vị.
Tôi cũng hỏi nhiều bạn bè, anh chị - những người hay kêu sợ Tết thì đáp án chung là phải di chuyển nhiều giữa nhà chồng, nhà vợ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, rồi còn chi tiêu món nọ, tiền kia… Trong cái chung đó, mỗi người đều có những nỗi sợ rất riêng và đáng được tôn trọng.
Nhưng tôi cũng đi hỏi han nhiều người khác, rằng tại sao họ lại thích Tết. Câu trả lời thật lạ, cũng tương tự như cái lý do người ta sợ Tết, nhưng với nhóm này, Tết là dịp để được gặp mặt người thân, được thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ, được tụ tập bạn bè, được thoát khỏi những bộn bề công việc.
Anh bạn tôi bảo, thi thoảng, mình vẫn biếu các cụ bên nội, bên ngoại ít tiền tiêu vặt, đưa bà ít tiền đi chùa, đưa ông ít tiền uống cốc bia, nhưng tiền Tết nó khác hơn, kể cả cách đưa cũng khác nốt.
“Dù ít, nhiều, nhưng cảm giác là trân trọng những điều mình có, cả ở người biếu và người được nhận. Tôi nghĩ thế”, anh bảo.
Con người ta thật kỳ lạ, hay tiếc nuối về những hào quang quá khứ. Nhưng có lẽ đó cũng là điều may, bởi trong cái tiếc nuối chung đó, nhiều khi nó khiến người ta trở nên hướng thiện, giữ và thực hiện tốt các nét truyền thống, quê kiểng đầy văn hóa.
Bao năm nay, nhà tôi vẫn duy trì nếp quen gói bánh chưng và mổ lợn ăn Tết. Nhà giờ cũng vắng người, các chị lấy chồng cả, nhưng tôi vẫn cố động viên các cụ, giữa năm, nuôi lấy một con lợn để Tết thịt cho có không khí. Gà cũng vậy, năm nào cũng phải có một đàn trống thiến, ăn rả rích và để Tết có những con thật đẹp cúng Giao thừa.
Nhà tôi, năm nào cũng làm 2 nồi bánh chưng, một nồi cho hai chị gái, một nồi của nhà. Và y rằng, cứ sáng 27 sẽ thấy ông nội cu Bill (Bill là con trai tôi) bật một danh sách nhạc vàng, cắt gọn ghẽ những cái lá dong xanh mướt, một nồi nhân đậu xanh vàng ruộm, một nồi con thịt ba chỉ ướp đủ gia vị gồm mắm, muối, mỳ chính, hạt tiêu để ngồi gói bánh. Đám trẻ thì chạy quanh sân, vào ra “nhót” nhân đậu. Nhìn cảnh đó, tôi thấy mình ngày bé.
Giờ, công việc cuốn chúng ta đi mãi. Có người tháng đôi bận về quê, nhưng cũng có người cả năm, chỉ có mỗi dịp Tết để về. Nhưng bao giờ cũng vậy, cái cảm giác về Tết nó khác lắm.
Bữa trước, tôi đi Grab, cậu thanh niên trẻ tuổi bảo, còn tận 20 ngày nữa mới Tết anh nhỉ. Em đợi mãi. Mấy hôm nữa phải lên Quảng Bá kiếm cành đào về cắm. Đào quất quê em giờ bán đầy, nhưng kể có cành đào Nhật Tân mang về, nghe cũng khác.
Cả đoạn đường di chuyển hơn 10 km, Hà Nội những ngày này tắc kinh khủng, nhưng cũng hay, vì nhờ đó, hai anh em lại nói được bao chuyện. Cậu Grab kể: “Em thích Tết lắm. Làm cả năm, mấy ngày Tết chẳng phải lo nghĩ gì. Lại được gặp đủ ông bà, bố mẹ, anh chị và các cháu. Em chỉ thích Tết dài 1 tháng. Năm nào Tết cũng phải tiêu tiền, mua sắm, nhưng em vẫn khoái. Suy cho cùng, em thấy làm ra đồng tiền cũng để chi tiêu, mà Tết tiêu là rất hợp lý”.
Bữa khác, tôi lang thang ra khu The Manor ngồi ăn ngô nướng, cô bán quán là dân Thanh Oai, cô bảo: “Tôi làm thêm vài hôm nữa, đến 20 là nghỉ, về còn chuẩn bị Tết nhất. Cả năm có cái Tết, ít nhiều không quan trọng những cũng phải sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất còn đón con cháu”.
Vâng, ngay cửa khu đô thị vào loại sang trọng nhất Thủ đô, vẫn có những người quê cố gắng kiếm lãi vài nghìn đồng/bắp ngô trước khi về quê đón Tết. Nhưng điều khiến tôi nhớ, lại chính bởi người ta có được một tâm thế mong chờ.
Ngày càng nhiều giáo sư, tiến sĩ cho rằng nên ghép Tết ta, Tết Tây làm một, hay thậm chí bỏ Tết. Dĩ nhiên, ai cũng có lý lẽ riêng của mình, và đó là góc nhìn, quan điểm riêng của mỗi người, nhưng cá nhân tôi, khi nhìn vào năng lượng tích cực mà Tết mang lại, tôi vẫn muốn giữ mãi cái Tết cổ truyền như hiện tại.
Cả năm làm lụng, cuối năm, tôi thấy nhiều người vui lắm khi có dịp được sum họp gia đình, được tíu tít sắm sửa, trang hoàng nhà cửa. Có những người làm ăn ở xa, nếu không có Tết Nguyên đán, chẳng biết khi nào mới được về thăm nhà. Người Tây còn có cả Tết Dương và Noel, vậy hà cớ gì chúng ta không có cho mình một cái Tết nguyên vẹn, bản sắc. Với Tết Dương hay Noel, chúng ta có vui cùng cũng chỉ là vui lây, chơi vay, theo cái trào lưu là chính, chứ thực, tôi thấy nó cũng nhạt nhạt thế nào ấy.
Kể cả, với những bạn bè từng kêu hoài “Tự dưng lại Tết”, tôi vẫn thấy đó chỉ là câu cửa miệng, chứ phần đa, sau khi kêu vì quen miệng, tôi thấy họ vẫn háo hức với Tết lắm.
Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đã hội nhập nên cũng cần bỏ hay ghép Tết ta vào Tết Tây. Nhưng nhìn rộng ra, tôi thấy điều mà con người ta tìm kiếm lại là những giá trị truyền thống, văn hóa đẹp, riêng có của mỗi dân tộc, chứ không phải những thứ đại đồng.
Tại sao người ta thích và tìm đến đất nước hạnh phúc Bhutan? Phải chăng vì đất nước này đã hòa vào làm một với thế giới rộng lớn, bởi những tòa nhà trọc trời, những trung tâm thương mại sầm uất, bởi phố xá hiện đại? Tôi nghĩ không phải, mà bởi họ giữ lại được cho mình những nét đẹp văn hóa truyền thống, về quan niệm sống của người dân và không bị ảnh hưởng nhiều vì những xu hướng, trào lưu ngoài biên giới. Người Bhutan hạnh phúc với hiện tại được xây dựng từ truyền thống, lịch sử. Tôi nghĩ Việt Nam cũng vậy. Việt Nam ngày càng đón thêm nhiều khách du lịch quốc tế, trong đó, tôi tin vì chúng ta vẫn còn giữ lại được nhiều những truyền thống văn hóa, lễ nghi mà không đâu khác trên hành tinh này có được.
Thử hỏi, nếu không còn Tết Nguyên đán, chúng ta còn gì?