Ở giá trị khoảng 50 tỷ USD, Xiaomi trở thành công ty thiết bị điện tử lớn thứ ba thế giới chính thức đưa cổ phiếu lên sàn, trở thành điểm tựa cho tham vọng trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghệ toàn cầu của Chủ tịch Xiaomia Lei Jun. Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa đủ sức thuyết phục được nhà đầu tư với chiến lược dài hạn của mình.
Trong ngày giao dịch đầu tiên (9/7), giá cổ phiếu Xiaomi ngay lập tức giảm 6% so với giá IPO, trở thành cổ phiếu có màn biểu diễn tệ nhất trong ngày giao dịch đầu tiên tại sàn Hồng Kông kể từ năm 2015. Trong ngày, chỉ số Hang Seng Index của sàn Hồng Kông tăng 1,3%.
Tới nay, mặc dù giá cổ phiếu đã có dấu hiệu hồi phục, kết thúc phiên 11/7 ở mức giá 19 HKD/cổ phiếu, so với mức 16,8 HKD/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên, diễn biến tiếp theo của cổ phiếu Xiaomi vẫn khó đoán định khi nhà đầu tư tỏ ra nghi ngại tầm nhìn của doanh nghiệp.
Thực tế, chuỗi ngày chuẩn bị cho việc niêm yết của Xiaomi đã gặp phải không ít trở ngại. Ban đầu, Công ty lên kế hoạch sẽ huy động được khoảng 10 tỷ USD và giá trị doanh nghiệp đạt khoảng 100 tỷ USD bằng cách tham gia vào chương trình khuyến khích các công ty Đại lục niêm yết tại quê nhà. Tuy nhiên, Xiaomi thất bại trong việc đưa ra đáp án thích đáng cho 84 câu hỏi được đặt ra bởi các nhà quản lý. Thực tế này buộc Xiaomi phải lựa chọn Hồng Kông là nơi niêm yết cổ phiếu.
Hiện tại, một trong những vấn đề chính khiến nhà đầu tư nghi ngại là tại sao Xiaomi - một công ty có doanh thu chính tới từ điện thoại di động, lại xác định mình là doanh nghiệp Internet, với P/E ước tính cho năm nay cao hơn cả Tencent Holdings Ltd, thậm chí cao gấp đôi Apple Inc?
Cụ thể, trong năm 2017, hơn 90% doanh thu của hãng tới từ việc bán điện thoại di động thông minh và các thiết bị khác, chủ yếu thông qua dịch vụ bán hàng online. Hiện tại, Xiaomi là nhà phân phối smartphone lớn nhất Ấn Độ, đang đẩy mạnh quá trình thâm nhập vào thị trường Nga, Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, tỷ phú Lei Jun lại đang nhìn nhận Xiaomi là công ty Internet, với giá trị gia tăng cao hơn so với nhà sản xuất thiết bị di động thông thường.
“Chúng tôi là doanh nghiệp Internet. Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã thiết lập cấu trúc cổ phiếu phân tầng để phục vụ con đường lâu dài này”, Lei Jun cho biết trong buổi đánh cồng lên sàn tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Về vấn đề này, Anthea Lai, chuyên gia kinh tế chia sẻ với Bloomberg Intelligence rằng: “Rắc rối với Xiaomi là nhà đầu tư bị bối rối. Họ chưa rõ vì sao Xiaomi lại tự gọi mình là công ty Internet. Theo quan sát của tôi, nhiều người cảm thấy không thoải mái khi giá cổ phiếu Xiaomi tương đương với Tencent, công ty đã có lịch sử kinh doanh tốt và 100% lợi nhuận tới từ Internet”.
Một yếu tố khác khiến cổ phiếu Xiaomi không gặp thuận lợi trong những phiên giao dịch đầu tiên, đó là yếu tố thời điểm. Việc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, đồng Nhân dân tệ mất giá… đang tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Trong bối cảnh này, các cổ phiếu trên sàn, trong đó có Xiaomi, cũng ít nhiều thiệt thòi.
“Đây là trường hợp cảnh tỉnh nhà đầu tư về giá trị thực của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng là vận rủi về việc lựa chọn thời điểm của Xiaomi”, Andrew Jackson, người đứng đầu bộ phận giao dịch chứng khoán tại Soochow CSSD Capital Markets nhận định.
Tuy nhiên, thực tế, Xiaomi có ít phương án tốt để lựa chọn lên sàn. Lần gây quỹ gần đây nhất của Công ty là vào năm 2014, với chiến lược mở rộng ra toàn cầu và dẫn đầu ngành công nghệ, từ trí thông minh nhân tạo cho tới điện toán đám mây, Xiaomi cần huy động nguồn vốn lớn hơn nữa, nhất là trong bối cảnh các ông lớn trong ngành như Alibaba Group Holding Ltd và Baidu Inc đang "phi nước đại".
Do đó, nếu không sớm lên sàn, Xiaomi có thể bỏ lỡ thời cơ để thực hiện tham vọng toàn cầu của mình.