Trăn trở BMP…
Tăng sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài của CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) luôn là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Từ năm 2015, thị trường đã được một phen buồn ra mặt, khi nới room chưa được Ban lãnh đạo Công ty đưa vào chương trình hoạt động, dù Nhựa Bình Minh được xem là đối tượng được mua vào của Tập đoàn nhựa đến từ Thái Lan, NawaPlastic.
Kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, câu chuyện nới room của BMP có thể sẽ được lặp lại, nhưng đến từ yếu tố khác.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, năm nay, Công ty có thể sẽ đưa vấn đề nới room vào chương trình nghị sự xin ý kiến cổ đông thông qua, vì từ mấy năm nay, Công ty cũng quan tâm và mong muốn vấn đề này.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang cân nhắc có đưa vấn đề này vào hay không. Một là HĐQT có thể họp và thông qua vấn đề nới room lên 100% mà không cần xin ý kiến cổ đông. Hai là, có cổ đông cũng không đồng ý với việc mở room. Vì thế, đây là trách nhiệm của HĐQT, chúng tôi sẽ cân nhắc trên cơ sở tôn trọng ý kiến các cổ đông”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, lý do khiến có cổ đông không muốn mở room là vì pháp luật Việt Nam chưa rõ ràng, nên việc mở room có thể không thuận lợi cho hoạt động của DN. Tuy nhiên, ông Doanh từ chối cho biết đó là cổ đông nào vì cho rằng, cổ đông dù sở hữu bao nhiêu cổ phần, cũng là cổ đông.
Theo cơ cấu hiện tại, Nhựa Bình Minh có một số cổ đông sở hữu lớn như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm 29,52% vốn điều lệ), The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co.,Ltd nắm 16,69%, FTIF - Templeton Frontier Markets Fund nắm 7,69%, Vietnam Holding Limited và Frontaura Global Frontier Fund nắm dưới 5%.
Trong cơ cấu này, cổ đông nào, SCIC hay chính cổ đông ngoại không muốn tăng room tại Nhựa Bình Minh? BMP sẽ xin ý kiến cổ đông để quyết định vấn đề mở room, hay nghe theo một (hoặc một số) cổ đông và tiếp tục dừng vấn đề này?
Cả hai câu hỏi chưa được Chủ tịch Công ty chia sẻ rõ, nhưng ông Doanh nói thêm, trong trường hợp nhà đầu tư hoặc nhóm nhà đầu tư có sở hữu từ 10% liên tiếp từ 6 tháng trở lên, thì họ có quyền đề xuất nội dung nới room tại cuộc họp. Khi đó, HĐQT buộc phải đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp ĐHCĐ.
Nghi vấn trì hoãn tăng room là ván bài của thâu tóm
Kết thúc cuộc họp trù bị cho kỳ họp ĐHCĐ thường niên năm nay, hầu hết cổ đông lớn của một doanh nghiệp niêm yết đã gần kín room ngoại ra về với tâm trạng bức xúc. Không phải vì DN hoạt động kém hiệu quả, mà vì HĐQT xin trì hoãn mở room trong khi tại Đại hội, nhà đầu tư đã đề xuất vấn đề này.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một nhà đầu tư - cổ đông của DN trên cho biết, ông rất bất ngờ với cách ứng xử của HĐQT. “Giai đoạn trước, chính các vị ấy, trên phương tiện thông tin đại chúng, đã nói ủng hộ việc mở room. Nay họ cố tình trì hoãn với lý do có một số cổ đông không muốn”, nhà đầu tư này cho biết.
Trong góc nhìn của nhà đầu tư, đây là việc rất không tôn trọng các cổ đông khác, không thể chỉ vì một hoặc một vài ý kiến cổ đông, mà không đem vấn đề mở room ra thảo luận tại Đại hội. “Tại sao lại không áp dụng nguyên tắc đa số, lấy tiếng nói của cổ đông làm quyết định?”, vị này nói.
Cũng theo cổ đông này, sự trì hoãn của HĐQT không ngoại trừ khả năng đang âm thầm ủng hộ nhà đầu tư ngoại mua thâu tóm Công ty với giá rẻ hơn.
“Định giá doanh nghiệp trên EBIDA hiện nay chỉ xấp xỉ 6,5 lần, trong khi với mua thâu tóm doanh nghiệp nhóm ngành và có lợi thế kinh doanh này, mức định giá phổ thông là 11 đến 12 lần EBIDA. Nếu công khai mở room, các NĐT ngoại sẽ phải cạnh tranh lẫn nhau, và điều đó có lợi cho các cổ đông nhỏ lẻ, vì nếu theo mức tính toán giá mua kia, giá cổ phiếu có thể sẽ tăng gần gấp đôi so với thị giá hiện nay”, vị này nói.