Nghi vấn sử dụng tiền sai mục đích tại LCM

Nghi vấn sử dụng tiền sai mục đích tại LCM

(ĐTCK) Huy động vốn từ cổ đông hiện hữu về phục vụ dự án, nhưng CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai (LCM) lại sử dụng vốn để cho vay. Chỉ đến thời hạn báo cáo, Công ty mới chuyển tiền đầu tư đúng mục đích ban đầu. Kèm theo đó là động thái bán ra cổ phiếu của lãnh đạo DN.

Nghi vấn sử dụng tiền sai mục đích tại LCM ảnh 1

LCM huy động vốn cổ phần sau đó cho vay với lãi suất 10 - 14%/năm

 

Huy động vốn về cho vay ngắn hạn

BCTC năm 2012 có kiểm toán của LCM cho thấy, tại thời điểm 31/12/2012, LCM có 119 tỷ đồng khoản cho vay, đều được hạch toán dưới dạng đầu tư ngắn hạn. Các khoản này gồm: cho vay bà Đào Thị Lơ 20 tỷ đồng, ông Nguyễn Hải Minh 15 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Quyên 34 tỷ đồng, bà Vũ Thị Lệ 14 tỷ đồng, CTCP Khoáng sản Quảng Nam 36 tỷ đồng. Theo thuyết minh BCTC, đây là các khoản vay ngắn hạn theo hợp đồng vay tiền lãi suất từ 10 - 14%/năm, thời hạn vay từ 6 tháng đến 1 năm, trả lãi 1 lần vào ngày trả gốc, điều chỉnh 6 tháng 1 lần.

Các khoản vay này có số hợp đồng liền nhau (từ 14/2012/LCM đến 16/2012/LCM và 18/2012/LCM) và đến ngày 15/3/2013 đã được tất toán. Đây cũng là thời điểm LCM chính thức tăng số vốn góp tại Công ty TNHH Gia Long Hòa Bình (GLHB) lên 88,2 tỷ đồng, như mục đích sử dụng vốn đã được ĐHCĐ thông qua trong phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu.

So sánh mức lãi suất cho các cá nhân và Khoáng sản Quảng Nam vay (từ 10 - 14%/năm) với lãi suất khoản tiền LCM gửi tại ngân hàng thời điểm cuối năm 2012 là 8%/năm, thì việc cho vay như trên là có lợi cho Công ty. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: các cá nhân trên là ai mà có thể vay được lượng tiền lớn như vậy? Ngoài ra, mốc thời điểm hoàn thành góp vốn vào GLHB ngay trước thời điểm báo cáo tiến độ sử dụng vốn khiến NĐT nghi vấn về việc sử dụng vốn của LCM. Trong email gửi về Báo ĐTCK, NĐT đặt câu hỏi về mức độ minh bạch trong phương án sử dụng vốn của LCM. Sự lo lắng của NĐT càng lớn hơn khi Ban lãnh đạo, cụ thể là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT và cổ đông lớn của LCM liên tục bán ra cổ phiếu và giá cổ phiếu giảm.

Khúc mắc mang tên Gia Long Hòa Bình

Nghi vấn sử dụng tiền sai mục đích tại LCM ảnh 2

Khoảng thời gian gần 6 tháng sử dụng vốn huy động để cho vay thay vì đầu tư vào dự án như kế hoạch huy động vốn tạm gác sang một bên. Câu hỏi thứ hai được NĐT quan tâm là về GLHB.

Trong các tài liệu đã từng gửi cổ đông, LCM cho biết, GLHB do Công ty nắm giữ 49% vốn điều lệ từ năm 2011. Công ty này đang sở hữu 100% vốn Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản Hà Tây, là DN sở hữu mỏ đá bazan chất lượng cao, diện tích 11 héc-ta tại Lương Sơn, Hòa Bình. Theo dự kiến, từ đầu quý II/2013, mỏ này sẽ bắt đầu đi vào khai thác.

Với những thông tin trên, NĐT có thể hình dung sơ bộ tình hình kinh doanh của công ty liên kết với LCM, nhưng vẫn có một điều chưa rõ, những ai/DN nào đồng sở hữu 51% tại GLHB?

Tất nhiên, vấn đề ai đồng sở hữu GLHB không phải là vấn đề DN buộc phải công bố, nếu đây là DN hoàn toàn không có mối liên hệ lợi ích nào khác với LCM. Nhưng trường hợp này lại khác. Dữ liệu của UBND tỉnh Hòa Bình cho thấy, GLHB vốn là công ty TNHH một thành viên, thành lập từ 20/11/2009, vốn điều lệ 1 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Đức Thanh, chính là Chủ tịch HĐQT của LCM. Đến tận năm 2011, LCM mới tham gia góp vốn vào GLHB. Chưa rõ ông Thanh có mối quan hệ sở hữu như thế nào tại GLHB, nhưng trong trường hợp này, đây rõ ràng là giao dịch với bên có liên quan. Như vậy, theo quy định về công bố thông tin (áp dụng cho cả công ty niêm yết và CTCP), LCM đều có nghĩa vụ phải công bố thông tin chi tiết. Điều này có nghĩa là, những mối liên hệ giữa LCM và GLHB và cá nhân ông Thanh phải được làm rõ, để cổ đông biết, nhằm tránh xung đột lợi ích, nhưng rất tiếc, trên bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng, LCM chỉ nói “đây là công ty liên kết với một số cá nhân”.

Trong khi đó, ông Bùi Đức Thanh, Chủ tịch HĐQT LCM liên tục giảm sở hữu tại LCM trong thời gian gần đây. Cụ thể, ngày 14/12/2012, ông Thanh đăng ký bán ra 1,2 triệu cổ phiếu LCM trên tổng số 3,75 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu về 11,9% vốn điều lệ. Đến đầu tháng 3/2013, ông Thanh đăng ký bán tiếp cổ phiếu, giảm sở hữu về 5,84%. Cổ đông lớn khác là bà Lưu Thị Thanh Mai, nguyên thành viên HĐQT LCM cũng đăng ký thoái toàn bộ số cổ phần LCM sở hữu. Hiện nay, ngoài ông Thanh, LCM không có cổ đông lớn, Tổng giám đốc Công ty cũng chỉ sở hữu 60.000 cổ phiếu LCM.

Vì sao lại có sự thoái lui đầu tư cổ phiếu LCM của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ LCM? Mối quan hệ 3 bên giữa LCM, GLHB và ông Thanh như thế nào? NĐT đang chờ câu trả lời từ phía LCM.