Tổ 18 của Quốc hội (bao gồm các đoàn Thanh Hoá, Trà Vinh, Hà Nam) họp bàn về kinh tế xã hội sáng 24/10.

Tổ 18 của Quốc hội (bao gồm các đoàn Thanh Hoá, Trà Vinh, Hà Nam) họp bàn về kinh tế xã hội sáng 24/10.

Nghị trường hôm nay (24/10): Họp tổ về kinh tế xã hội, thông qua danh sách 44 cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong ngày làm việc thứ hai, Quốc hội tiến hành họp tổ để thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội, phân bổ ngân sách, đầu tư công; thảo luận hội trường về Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; biểu quyết thông qua danh sách 44 cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm...

BUỔI SÁNG

Quốc hội thảo luận ở tổ để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024...; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025...

Bên cạnh đó, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng...

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho các báo cáo của Chính phủ; trong đó chỉ rõ những tồn tại và đề nghị, khuyến nghị giải pháp khắc phục, tháo gỡ.

Các vấn đề được đại biểu quan tâm nhiều nhất là làm sao hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững, cải cách tiền lương đi vào thực chất, tháo gỡ vướng mắc thể chế, khơi thông nguồn lực các thị trường tiền tệ bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giải quyết bài toán thiếu điện, khắc phục nạn sách giáo khoa nhiều lỗi, nạn dạy thêm học thêm, chấn hưng văn hoá...

Tại tổ Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu một số ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội của năm 2023. Bên cạnh những ghi nhận thành tựu đạt được, theo Chủ tịch nước, hạn chế, khó khăn còn rất nhiều, rất lớn.

“Chủ trương nhiều, kỳ vọng rất lớn, nhưng khả năng thì thực hiện chậm, mà tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu Quốc hội cũng có nói là con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm, hay là trong các kết luận của Đảng vẫn thường hay nói là tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu. Tôi thấy đây là cái rất là khó khăn của chúng ta”, ông Thưởng phát biểu.

Tại tổ Cần Thơ, khi được đại biểu Quốc hội đề nghị xác định rõ định hướng phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, ứng phó với biển đổi khí hậu..., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu quan điểm, xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm khu vực và cả nước. Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo cấp cho khu vực này 4.000 tỷ đồng để giải quyết những vấn đề trước mắt còn về lâu dài cần những dự án lớn hơn để xử lý sụt lún, hạn mặn...

Người đứng đầu Chính phủ cũng góp ý với Đồng bằng sông Cửu Long một số giải pháp, đặc biệt cần giải quyết thêm 2 vấn đề ưu tiên là đào tạo nguồn lực và giải quyết hạ tầng giao thông, để giúp khu vực phát triển nhanh và bền vững.

Tại tổ TP Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu ý kiến thảo luận về hai vấn đề là thị trường tiền tệ (tín dụng tăng chậm trong khi doanh nghiệp khát vốn) và bất động sản (hiện đang trầm lắng, nhiều dự án đóng băng).

Đặc biệt, Bí thư Hà Nội băn khoăn khi hàng loạt dự án bất động sản "đắp chiếu" trên khắp cả nước, trong đó 712 dự án tại Hà Nội, đang gây lãng phí cả nguồn lực đầu tư công lẫn đầu tư tư. Ông Dũng đề nghị Quốc hội có cơ chế giám sát và ra nghị quyết tháo gỡ bởi vì Chính phủ không có công cụ để giải quyết triệt để.

Tại tổ TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Trí Thức nêu nhiều vấn đề vướng mắc trong chính sách hỗ trợ cho ngành Y tế. Cụ thể, theo ông Thức, đại dịch Covid đã qua đi nhưng đến giờ ngành y tế chưa hề được giải ngân một đồng hỗ trợ theo Nghị quyết 43 nào vì vướng nhiều quy trình, thủ tục.

Đặc biệt, việc ách tắc trong đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết, hiện nay các bệnh viện ở miền Tây thiếu máu trên diện rộng chỉ vì không đấu thầu được sinh phẩm y tế như túi đựng máu, khiến họ phải xin viện trợ máu từ cơ sở y tế khác.

Về nguyên nhân, ông Thức cho rằng do quy định về đấu thầu gây khó khăn cho hoạt động đấu thầu, trong khi đó các giải pháp liên kết, xã hội hoá đang bị chững lại.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị đánh giá nghiêm túc vấn đề xã hội hoá bệnh viện để góp phần tháo gỡ khó khăn này.

Ở tổ Quảng Nam, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý lại trăn trở về chương trình, sách giáo khoa phổ thông đang bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, đại biểu đề nghị nhanh chóng khắc phục những lỗi sai trong sách giáo khoa hiện nay, yêu cầu Quốc hội giao Chính phủ đánh giá tác động việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định...

BUỔI CHIỀU

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự .

Sau đó các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật và Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phần thời gian còn lại, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử, sau đó thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả, có 44 chức danh lãnh đạo sẽ được lấy phiếu tín nhiệm ở Kỳ họp này.

Nghị trường ngày mai (25/10/2023):

Buổi sáng:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.

- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước, sau đó Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều:

- Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu tín nhiệm. Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm; Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết.

- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông. Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông, sau đó cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tin bài liên quan