Nghị trường hôm nay (23/10): Quốc hội họp phiên khai mạc, bàn về kinh tế xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong ngày làm việc thứ nhất, sau phiên khai mạc, Quốc hội nghe các báo cáo và thẩm tra báo cáo về kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công; đánh giá kết quả thực hiện gói tiền tệ - tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Ngày 23/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV họp phiên khai mạc và tiến hành ngày làm việc đầu tiên của đợt 1, dự kiến kéo dài 15 ngày, từ 15/10 đến hết ngày 10/11/2023.

Sau đó, Quốc hội nghỉ 10 ngày để các đại biểu có thời gian nghiên cứu tài liệu, các đại biểu là lãnh đạo địa phương xử lý công việc của bộ, ngành, địa phương; trước khi bước vào đợt 2 kéo dài 9 ngày, từ ngày 20 đến sáng ngày 29/11/2023.

Trong sáng 23/10, lúc 7h15, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

8h00: Quốc hội họp phiên trù bị để báo cáo và biểu quyết thông qua dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

9h00: Sau khi tiến hành nghi thức chào cờ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp. Phiên khai mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp

Đây là kỳ họp quan trọng giữa nhiệm kỳ 2021-2025, có khối lượng công việc đồ sộ, đòi hỏi trách nhiệm nặng nề của các đại biểu. Đặc biệt, Kỳ họp sẽ thông qua cùng lúc 4 dự án luật quan trọng đối với hoạt động kinh tế đầu tư là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

Tại Kỳ họp này, có một hoạt động quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm các vị trí do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu, được tiến hành ngay những ngày đầu.


Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan, mặc dù kết quả 9 tháng đầu năm rất đáng ghi nhận nhưng dự kiến năm 2023, tăng trưởng GDP đạt 5% (thấp hơn mức 6,5% Quốc hội giao), dự kiến sẽ đạt và vượt chỉ tiêu 10/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu, còn 5/15 chỉ tiêu không đạt được.

Thẩm tra Báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề: việc 5/15 chỉ tiêu không đạt (tăng 3 chỉ tiêu so với năm 2022); một số động lực tăng trưởng chính (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) suy giảm ngoài lý do khách quan còn thể hiện tính chất cơ cấu, thiếu định hướng dài hạn và giải pháp kịp thời; thị trường tài chính tiền tệ còn nhiều rủi ro, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, bất động sản trầm lắng; tín dụng tăng chậm trong khi doanh nghiệp khó hấp thụ vốn...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Ông Thanh đề nghị tập trung một số giải pháp căn cơ, trong đó nhấn mạnh nâng cao vai trò của chính sách tài khoá.


Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tối đa 15 phút).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tối đa 15 phút).

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình

Việc giải quyết kiến nghị của cử tri, như thường lệ, là một trong những nội dung được trông đợi nhất tại mỗi kỳ Quốc hội. Theo ông Bình, 99,5% ý kiến của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5 đã được tổng hợp, xử lý, giải đáp. Tuy nhiên một số bộ ngành vẫn chậm trả lời cử tri, gây khó khăn cho việc tổng hợp xử lý như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường...

Buổi chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Dũng, sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển KTXH, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư khái quát, tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, năng lực hấp thụ vốn giảm...

Chính phủ cũng cho biết sẽ giải quyết hiệu quả các vấn đề ngắn hạn và dài hạn, vừa đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khi trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nói trên của Chính phủ đã đánh giá, nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng...; tuy nhiên, năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.

Trong bài viết Sở hữu chéo, cho vay doanh nghiệp “sân sau” còn phức tạp, Uỷ ban Kinh tế đề nghị tập trung các giải pháp trong các năm còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Thời gian còn lại của buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2024 – 2026; Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo trên.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra 2 báo cáo nói trên.

Nghị trường ngày mai (24/10):

Buổi sáng:

- Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024;...; Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu cũng nghe Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Buổi chiều:

Trên Hội trường, Quốc hội thảo luận dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Vào 16h00: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Các đại biểu thảo luận ở đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Tin bài liên quan