Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần về tác động của Nghị quyết đối với nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng, cũng như cụ thể câu chuyện xử lý nợ xấu tại ngân hàng.
Nghị quyết giúp gỡ bỏ “vòng kim cô” xử lý nợ xấu
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch LienVietPostBank
Nghị quyết đã gỡ một nút thắt kinh niên mà hàng chục năm qua bó buộc cả hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng Việt Nam trong mớ bòng bong, vô tình từ chủ nợ thành con nợ, ngân hàng trở thành người hành khất, “đứng cho vay, quỳ thu nợ”.
Do vậy, Nghị quyết ra đời, “chiếc vòng kim cô” này đã được gỡ bỏ, các rào cản xử lý nợ xấu trở nên thông thoáng, các TCTD được công nhận các quyền của chủ nợ, được chủ động thu giữ, xử lý tài sản thế chấp để thu nợ, khơi thông nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế, “ích nước,lợi ngành”.
LienVietPostBank nói riêng, cũng như mọi ngân hàng khác cùng chung niềm vui khi quyền hạn chủ nợ được pháp luật công nhận, hỗ trợ, “cục máu đông” nợ xấu sẽ được khơi thông, bổ sung nguồn vốn cho vay, lợi nhuận các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên trong 6 tháng cuối năm, cũng như các năm tới.
Theo đó, dự báo trong 2 năm tới sẽ xử lý được khoảng 50% số nợ xấu hiện hành nhờ có luật pháp thông thoáng, ra đời đúng thời điểm, giá cả bất động sản có khả năng thanh khoản tốt, đồng nghĩa với việc khơi thông được 300.000 tỷ đồng vốn phục vụ phát triển kinh tế, giúp các ngân hàng và doanh nghiệp làm ăn tốt.
Xa hơn, trong 5 năm tới sẽ xử lý được khoảng 80% số nợ xấu. Có khoảng 20% nợ xấu thuộc diện rất khó xử lý, đòi hỏi phải có nhiều thời gian hơn, vì thực tế luôn phát sinh những điều ngoài ý muốn.
Tôi muốn đề cập một vấn đề nữa là, Nghị quyết dù đã rất cụ thể, chi tiết, nhưng vẫn cần phải có hướng dẫn chỉ đạo đồng bộ, nhất quán của Chính phủ, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước và sự hợp tác, giúp đỡ của cơ quan công an cũng như các ngành pháp luật. Có như vậy, Nghị quyết mới thực sự mang lại kết quả như mong đợi.
Nghị quyết tạo cơ chế thúc đẩy xử lý nợ xấu tồn đọng
Ông Nguyễn Anh Phước, Phó tổng giám đốc SCB
Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD ra đời trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng kéo dài, nợ xấu có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ vẫn còn khá cao và trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác xử lý tài sản bảo đảm nói riêng và hoạt động xử lý nợ xấu nói chung.
Do đó, Nghị quyết chính thức có hiệu lực có ý nghĩa thiết thực, không những thể hiện ý chí quyết tâm của Nhà nước trong việc tạo cơ chế thúc đẩy xử lý nợ xấu tồn đọng được ví như “cục máu đông”, làm cản trở cho hoạt động kinh doanh và gây tắc nghẽn trong cả hệ thống kinh tế, mà còn có ý nghĩa thể hiện đường lối, chính sách rất tích cực cho nền kinh tế.
Cụ thể, Nghị quyết đã làm rõ và đưa ra những giải pháp cụ thể đối với vấn đề xử lý nợ xấu đang gặp vướng mắc trong thời gian qua; khẳng định lại quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD nói riêng và bên nhận bảo đảm nói chung là quyền cơ bản phải được pháp luật bảo hộ, mà các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định rõ; cho phép việc mua bán nợ, tài sản bảo đảm theo cơ chế thị trường đã tạo hành lang pháp lý để TCTD và tổ chức, cá nhân có liên quan mạnh dạn trong việc xử lý nợ xấu, giúp cho việc xử lý nợ được linh động và thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đã giúp tháo gỡ một số vướng mắc về thủ tục hành chính và thuế liên quan đến khoản nợ xấu được thu hồi. Nội dung này không những có ý nghĩa khích lệ TCTD trong công tác thu hồi nợ xấu, mà còn giúp TCTD có cơ hội thu hồi khoản nợ được trọn vẹn hơn.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đã chạm đến một vấn đề khá thiết thực khi có quy định về việc phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu. Bởi trước khi khoản vay bị chuyển nợ quá hạn đã có khoản lãi dự thu, sau khi chuyển sang nợ xấu thì TCTD cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý khoản lãi này.
Việc có quy định về phân bổ dần số lãi dự thu sẽ giúp lành mạnh hơn đối với bảng cân đối kế toán của TCTD. Từ đó, các TCTD sẽ thuận lợi hơn trong việc cân đối nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, giúp lưu thông dòng vốn cho cả hệ thống kinh tế nói chung.
Nghị quyết đã trao quyền hợp pháp cho bên cho vay
Ông An Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc VIB
Nhìn chung, Nghị quyết đã hệ thống hóa và thống nhất lại các quy định pháp luật hiện hành để trao lại cho các TCTD quyền hợp pháp của bên cho vay.
Từ đó, góp phần bảo vệ quyền hợp pháp của các TCTD, thúc đẩy nhanh hơn quá trình xử lý tài sản đảm bảo, hỗ trợ khả năng xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng được tốt hơn.
Nghị quyết có 4 tác dụng chính: Thứ nhất, khơi tăng nguồn vốn đưa vào đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Khoảng 600.000 tỷ đồng nợ xấu cả nội bảng và ngoại bảng được công bố chính thống, khi được xử lý và thu hồi sẽ là nguồn lực khá lớn để đưa vào nền kinh tế.
Thứ hai, việc xử lý khối tài sản bảo đảm của nợ xấu nói trên sẽ góp phần đưa khối tài sản rất lớn bị đóng băng hiện nay vào sử dụng, tăng thêm nguồn lực vật chất cho xã hội.
Thứ ba, giúp bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng lành mạnh hơn, phần nào giảm chi phí cho việc trích lập dự phòng rủi ro. Nếu “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng tốt hơn, “mạch máu” của nền kinh tế mạnh lên, nguồn vốn được lưu thông giúp nền kinh tế tăng trưởng tích cực hơn.
Thứ tư, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ những thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay giữa bên vay và cho vay, tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến quan hệ tín dụng. Từ đó, tạo nên sự bình đẳng giữa hai bên vay và cho vay, cũng như tạo được môi trường lành mạnh hơn cho quan hệ tín dụng.
Vấn đề quan trọng tiếp theo là việc tổ chức thực thi Nghị quyết một cách hiệu quả, giúp các quy định của Nghị quyết thực sự phát huy được hiệu lực như bản chất của nó trong thực tiễn xử lý nợ xấu. Ngành ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung kỳ vọng quá trình này sẽ được tiến hành nhanh chóng, chất lượng, tạo tác động tích cực.
Về phía VIB, với mức độ nợ xấu và tiềm lực tài chính như hiện nay, chúng tôi kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm nợ xấu phát sinh từ quá khứ trong thời gian tới.
Chúng tôi tin tưởng, Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu của Ngân hàng theo tiến độ đã đề ra và hơn thế nữa, tạo nên môi trường tín dụng lành mạnh hơn.