
Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính).
Kinh tế tư nhân đang được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Kinh tế tư nhân góp phần rất quan trọng định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam".
Để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi phải có nhận thức, tư duy mới, giải pháp đột phá để khơi dậy niềm tin, tạo xung lực mới cho kinh tế tư nhân.
Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban, với nhiệm vụ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị.
Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo ngày 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải có đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế tư nhân, với tư duy vượt qua giới hạn của chính mình, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn chính xác những "đòn bẩy, điểm tựa", có tính khả thi, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp quan trọng vào thực hiện 2 mục tiêu 100 năm.
Thông tin về việc xây dựng chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tại cuộc họp báo Bộ Tài chính thường kỳ quý I/2025 diễn ra chiều 3/4, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, điểm đột phá của dự thảo Nghị quyết lần này là thiết kế chính sách theo hướng phân tầng, phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp. Dự thảo tích hợp nhiều nội dung quan trọng như Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đề án phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
“Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, nhận diện rõ những khó khăn trong thể chế, pháp luật và đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp. Bộ Tài chính cũng đã tổ chức đoàn công tác sang Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời nghiên cứu thêm mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản để hoàn thiện khung chính sách”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, dự thảo Nghị quyết sẽ đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ, cụ thể về cải cách thể chế, chính sách tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là đất đai, tài chính cho khu vực tư nhân. Dự thảo sẽ đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn vươn lên dẫn dắt nền kinh tế, tham gia các dự án trọng điểm, phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng.
Cùng với đó là chính sách dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, chính sách cho hộ kinh doanh nhằm tạo điều kiện phát triển ổn định, bền vững, hoạt động minh bạch, từng bước chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.