Việc xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản đảm bảo là bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Việc xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản đảm bảo là bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Nghị quyết 42, quyền năng không vô hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thực tế áp dụng Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu cho thấy, đến nay, chưa có trường hợp nào được tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn trong xử lý tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, hoặc quyền xử lý tài sản bảo đảm.

Những trở ngại ngáng đường

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 để hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm. Thủ tục rút gọn được kỳ vọng góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên, đến nay, BIDV chưa có vụ án nào được tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn dù đã có yêu cầu xử lý 8 hồ sơ.

Đến nay, BIDV chưa có vụ án nào được tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn dù đã có yêu cầu xử lý 8 hồ sơ.

Theo nhận định của BIDV, vấn đề này xuất phát từ một số nguyên nhân:

Thứ nhất, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn (Khoản 3, Điều 317) và về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn (Khoản 4, Điều 323), trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất thì sẽ khiến vụ án không còn đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn, tòa án phải ra quyết định chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

Quy định như trên tạo kẽ hở cho bên nợ, bên bảo đảm cố tình tạo ra các tình tiết mới để không đủ điều kiện áp dụng theo thủ tục rút gọn, kéo dài thời gian giải quyết.

Thứ hai, một số tòa án cho rằng chỉ áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, hoặc về quyền xử lý tài sản bảo đảm. Trong khi đó, để xác định các quyền, nghĩa vụ này thì tổ chức tín dụng buộc phải khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về quan hệ cho vay, làm cơ sở để xác định quyền xử lý tài sản bảo đảm do bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Câu chuyện cũng tương tự tại PVcomBank. Lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng cho biết, Nghị quyết số 42 có quy định về việc tòa án áp dụng thủ tục rút gọn nhưng mới chỉ áp dụng đối với các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm, mà chưa áp dụng với các tranh chấp là quan hệ tín dụng nên tại PVcomBank, chưa có vụ kiện nào được áp dụng thủ tục rút gọn.

Cũng theo phản ánh của lãnh đạo PVcomBank, khi các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm không thực hiện được, PVcomBank phải khởi kiện khách hàng để thu hồi nợ, nhưng trong thực tế, nhiều vụ án giải quyết kéo dài từ 1 - 3 năm hoặc hơn, có những vụ án qua hết các vòng sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm rồi bị hủy án, quay lại xét xử từ đầu.

“Sau giai đoạn tố tụng tại tòa án các cấp, quá trình thi hành án tiếp tục bị kéo dài và hiệu quả thu hồi nợ cũng không cao, bởi tài sản bảo đảm bán đấu giá bị giảm sút giá trị, hay khách hàng chống đối gây khó khăn trong quá trình bàn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá”, lãnh đạo PVcomBank chia sẻ.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết 42 chỉ quy định việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, nên chưa tạo được cơ sở pháp lý cho tòa án áp dụng thủ tục rút gọn rộng rãi khi tổ chức tín dụng khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận: “Đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào được tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn trong xử lý tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc quyền xử lý tài sản bảo đảm”.

Cần cơ chế pháp lý hỗ trợ

Xung quanh câu chuyện xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC nêu quan điểm, khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm tuy có khả năng thu hồi nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế, rất cần cơ chế pháp lý hỗ trợ, trong đó tập trung vào việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ.

Theo ông Đức, việc xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến vấn đề rất quan trọng là quyền của chủ sở hữu tài sản.

Có quan điểm lo ngại rằng, việc thu giữ tài sản thế chấp là vi phạm quyền sở hữu (bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt) của chủ sở hữu tài sản theo các quy định tại khoản 2, Điều 32, Hiến pháp năm 2013; Điều 8, Bộ luật Dân sự về quyền sở hữu; khoản 1, Điều 163, Bộ luật Dân sự về bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Đối với tài sản thế chấp là nhà ở thì còn vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2, Điều 22, Hiến pháp năm 2013 (công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý).

“Xét về bản chất, việc chủ sở hữu tài sản thực hiện giao dịch thế chấp là đã tự nguyện thỏa thuận và chấp nhận hậu quả pháp lý ảnh hưởng hạn chế, bất lợi đến quyền sở hữu tài sản và chỗ ở của mình, mà mức độ cao nhất là chấp nhận không còn quyền sở hữu tài sản và không còn chỗ ở”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Theo luật sư Đức, trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm thì có thể coi quyền bảo đảm tương tự như quyền định đoạt tài sản. Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng có một quy định gián tiếp rằng quyền bảo đảm là quyền định đoạt. Đó là thành viên góp vốn của công ty hợp danh có quyền “định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty”.

“Tóm lại, có thể coi quyền bảo đảm bằng tài sản là một dạng quyền định đoạt tài sản có điều kiện. Điều kiện trong trường hợp này là khi phải xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm. Nói cách khác, khi đã sử dụng tài sản vào giao dịch bảo đảm thì chủ sở hữu tài sản sẽ bị rơi vào trạng thái có thể mất quyền sở hữu (đối với 3 biện pháp đặt cọc, ký cược, ký quỹ) hoặc buộc phải xử lý quyền sở hữu tài sản để thực hiện nghĩa vụ thanh toán (đối với 2 biện pháp cầm cố, thế chấp) vào bất kỳ lúc nào”, ông Đức nói.

Năm 2019, Toà án Nhân dân Tối cao đã nhận định “phải xem thế chấp tài sản là một giao dịch chuyển giao tài sản có điều kiện”. Như vậy, việc thu giữ tài sản thế chấp theo thỏa thuận của các bên cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và chỉ là một hành động để tạo điều kiện cho việc xử lý tài sản bảo đảm trên thực tế.

Để tăng cường hiệu quả công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, trong tháng 5 vừa qua, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã đề xuất Quốc hội chỉ đạo Tòa án Nhân dân Tối cao triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chỉ đạo Toà án Nhân dân các cấp về việc triển khai thi hành quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết nhanh chóng yêu cầu khởi kiện theo quy định của Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP.

Thứ hai, phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Cơ quan thi hành án sớm có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quy định về hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42.

Thứ ba, phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu trích xuất.

Tin bài liên quan